Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích, động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Vì vậy, sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” đã có những chuyến biến tích cực.
Đổi mới lề lối, phong cách làm việc
Thành phố coi việc thực hiện Chỉ thị này là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới lề lối, phong cách của cán bộ và đã triển khai trực tiếp, trực tuyến tới hàng trăm điểm cầu cho 23.000 người tham dự.
Một số quận, huyện đã có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị. Ngoài việc ban hành nghị quyết, kế hoạch thực hiện Chỉ thị, đã ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát về thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu; các ủy viên Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành cấp ủy Đảng đều phải có chương trình hành động, cam kết thực hiện Chỉ thị, điển hình như Huyện ủy Đông Anh.
Hầu hết các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ Thành phố đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức sinh hoạt chuyên đề, trọng tâm nghiên cứu, thảo luận bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 25 biểu hiện vi phạm kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm giải quyết công việc.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đang xác định nguyên tắc xuyên suốt trong các cấp ủy đảng trong công tác điều hành, chỉ đạo phải rõ thẩm quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo phương châm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”. Việc này gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò nêu gương, chủ động, sáng tạo, tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu.
Thành ủy đã kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phù hợp với thực tiễn công tác; cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị từ thành phố tới cơ sở đã rà soát, bổ sung, ban hành tổng số 3.895 quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Để chống “Bệnh sợ trách nhiệm” Thành ủy đã tập trung chỉ đạo ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của cơ quan, đơn vị, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Năm 2024, Thành ủy đã ban hành 6 Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy. UBND thành phố đã ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với 100% các sở, ban, ngành.
Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, khoa học triển khai Đề án đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính. Thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền 136 nhiệm vụ quản lý nhà nước; toàn thành phố có 578 phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính. UBND thành phố ban hành 25 Quyết định, công bố 126 thủ tục hành chính nội bộ. Các Sở, ban, ngành đã phê duyệt 470 quy trình giải quyết công việc nội bộ tại Sở; cấp huyện ban hành 1.806 quy trình; cấp xã ban hành 3.001 quy trình giải quyết các công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) và 136 quy trình liên thông giải quyết công việc cấp xã và cấp huyện.
Hơn một năm qua, toàn thành phố tiếp nhận và giải quyết tổng số 3.417.296 thủ tục hành chính trên các lĩnh vực; số thủ tục hành chính giải quyết chậm muộn là 9.618 hồ sơ (tỷ lệ 0,28%). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn tại cấp huyện và cấp xã được tăng lên. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước năm 2023 được cải thiện.
Luân chuyển cán bộ, công chức
Sau khi Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy ban hành, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tập trung rà soát, thanh tra, kiểm tra, gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức với việc kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Qua 675 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ ở 1.161 đơn vị của các đơn vị, cấp huyện có 33 tổ chức, 60 cá nhân bị phát hiện có vi phạm sau kiểm tra, giám sát, thanh tra và 28 tổ chức, 55 cá nhân đã bị xử lý sau kiểm tra, giám sát, thanh tra.
Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý kỷ luật đối với 2.2 lượt cán bộ.
Ban Thường vụ Thành ủy kiểm tra trực tiếp đối với 10 tổ chức đảng thuộc Đảng bộ thành phố, 14 cán bộ lãnh đạo, quản lý đồng thời yêu cầu các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy số còn lại thực hiện tự kiểm tra.
HĐND thành phố thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện cải cách hành chính gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; giám sát chuyên đề đối với 52 đơn vị, trong đó giám sát trực tiếp 13 cơ quan, đơn vị về thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ.
UBND thành phố, các sở, ban ngành đã tổ chức 911 cuộc thanh tra công vụ tập trung vào việc thực hiện kỷ cương hành chính. Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra cấp huyện, cấp xã và tương đương đã thực hiện 1.520 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 3.313 tổ chức, cá nhân.
Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã phát động các phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU bằng những hoạt động thiết thực, triển khai nhiều mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả. Trong hơn một năm có tổng số 1 mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả được các cấp từ cơ sở đến các quận, huyện, thị, sở, ban, ngành thành phố triển khai trong thực tiễn. Qua đó đã nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật, và trách nhiệm giải quyết công việc.
Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục như: Việc rà soát, bổ sung quy chế làm việc có nơi chưa kịp thời, xây dựng chương trình công tác tại một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, dàn trải. Việc theo dõi đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, nhất là tại một số quận, huyện chưa được thường xuyên, kịp thời, thực hiện chưa khoa học...
Bà Nguyễn Thị Tuyến cho biết thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp trong Chỉ thị và các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch số 171-KH/TU, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, quy chế phối hợp hoạt động giữa các sở, ngành và tương đương, giữa cơ quan chuyên môn và UBND cấp huyện bảo đảm chặt chẽ, thông suốt, hiệu quả; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số...
Thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực thể chế hóa Luật Thủ đô thành các văn bản cụ thể để triển khai thi hành từ ngày 1/1/2025 gắn với tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.