Theo đó, Ban Quản lý Hồ Tây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận Tây Hồ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Ban Quản lý Hồ Tây là cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc cho UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ quản lý Hồ Tây và vùng phụ cận trong phạm vi được giao theo quy định của UBND thành phố; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các đề án, kế hoạch, quy hoạch về quản lý, đầu tư, sử dụng, khai thác Hồ Tây và vùng phụ cận; bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan, môi trường, đảm bảo cho việc phát triển bền vững khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; thực hiện một số chức năng của chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận khi được ủy quyền.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, Hồ Tây là một thắng cảnh, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội với diện tích mặt nước rộng lớn với 526 ha, xung quanh hồ có 71 di tích văn hóa, lịch sử như: Chùa Trấn Quốc, Chùa Kim Liên, Phủ Tây Hồ... Bên Hồ Tây có nhiều làng nghề nổi tiếng từ xa xưa như nghề làm giấy gió ở An Thái Bưởi, Làng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, xôi Phú Thượng, trà sen Quảng An... Vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn và khai thác thế mạnh Hồ Tây đã được các cấp quan tâm chỉ đạo thường xuyên.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới trong quản lý Hồ Tây, để quản lý, khai thác có hiệu quả Hồ Tây và vùng phụ cận theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đề nghị Ban Quản lý Hồ Tây xây dựng Chương trình công tác trọng tâm trong năm 2024; trong đó cần xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tham mưu cho quận xây dựng Đề án "Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận" trình Ban cán sự Đảng UBND thành phố theo chỉ đạo của Thành ủy đảm bào chất lượng, tiến độ theo quy định.
Song song với đó, Ban Quản lý Hồ Tây tổ chức nghiên cứu quán triệt đầy đủ các nội dung chỉ đạo của UBND thành phố về "Quản lý và khai thác Hồ Tây" cho toàn thể cán bộ viên chức Ban Quản lý Hồ Tây, để mỗi cán bộ, viên chức Ban Quản lý Hồ Tây thấy được vai trò, tầm quan trọng của Hồ Tây trong phát triển kinh tế trên địa bàn quận; tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành của thành phố có liên quan để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và khai thác Hồ Tây, từ đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Hồ Tây.
Trước đó, ngày 11/1, làm việc với quận Tây Hồ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chuyển giao Hồ Tây về cho quận Tây Hồ quản lý thay vì 8 sở, ngành cùng quản lý như trước đây và yêu cầu Quận cần tập trung xây dựng và thực hiện Đề án "Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận" làm căn cứ xác định quy hoạch, quản lý, đề xuất các dự án triển khai thực hiện Đề án nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng, giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận góp phần xây dựng Quận Tây Hồ là Trung tâm văn hóa du lịch tiêu biểu của Thủ đô.
Phát biểu tại buổi làm việc, nhấn mạnh đến giá trị quý báu là chỉ có Hà Nội mới có Hồ Tây, lá phổi của thành phố, báu vật của quốc gia, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý, quận Tây Hồ phải giữ gìn, bảo vệ, quản lý, khai thác Hồ Tây hiệu quả, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, điểm đến du lịch thu hút du khách. Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận phải thực sự coi Hồ Tây là giá trị cốt lõi để phát triển và có khát vọng, tầm nhìn, định vị Hồ Tây vượt qua khỏi Hà Nội, có trên bản đồ khu vực, thế giới. Thành phố cùng các sở, ngành đồng hành, hỗ trợ quận hiện thực hóa khát vọng phát triển.