Dự buổi họp báo còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã. Tại buổi họp báo, phóng viên các cơ quan Thông tấn, báo chí đã nêu các vấn đề dân sinh bức xúc xảy ra trên địa bàn và đề nghị các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã làm rõ thông tin và hướng xử lý, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Phóng viên TTXVN nêu vấn đề, tại một số khu đất được quy hoạch làm công viên hồ điều hòa trên địa bàn quận Hoàng Mai nhưng chậm triển khai, dẫn đến tình trạng phân lô, làm nhà xưởng, nhà tạm... gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, cũng tại quận Hoàng Mai, ở khu vực Đầm Bông thuộc địa bàn phường Định Công, tình trạng lấn chiếm đầm, ao, hồ diễn ra phức tạp nhiều năm qua, UBND quận Hoàng Mai đã và đang có các biện pháp xử lý những vấn đề này như thế nào?
Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng cho biết, sai phạm về trật tự xây dựng cũng như quản lý đất đai tại khu vực Đầm Bông trên địa bàn phường Định Công là ở khu đất đất ký hiệu A1/CXKV có tổng diện tích đất khoảng 26,3 ha, trong đó diện tích đất Đầm bông chiếm khoảng 3,5 ha. Việc vi phạm quản lý đất đai cũng như trật tự xây dựng ở khu vực này là một "nhức nhối", đã tồn tại trong 20 năm thành lập quận Hoàng Mai.
Trên khu vực này có 1.042 trường hợp vi phạm, trong đó có 192 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị cấp sai quy định. Riêng khu Đầm Bông có 80 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, là những vi phạm tồn tại từ lâu, trong đó có những vi phạm tồn tại trước khi thành lập quận. Những vi phạm này từ quận đến thành phố và Chính phủ đều đã biết. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thanh tra và yêu cầu quận xử lý đối với 1.042 trường hợp vi phạm này; đồng thời, nhiều cán bộ liên quan đến những vi phạm này đã bị xử lý kỷ luật, bị khởi tố.
Xác định đây là “điểm nóng” nên liên tiếp 2 nhiệm kỳ gần đây, Thường trực Quận ủy Hoàng Mai trực tiếp phân công 1 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy về làm Bí thư Đảng ủy phường Định Công. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng cho biết thêm, quận Hoàng Mai đã thành lập tổ công tác do Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng quận để một lần nữa tiến hành rà soát toàn bộ vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực này trong vòng 5 năm trở lại đây.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng nhấn mạnh: Những vi phạm tại khu vực này xảy ra trong giai đoạn trước, từ thời kỳ chưa thành lập quận. Nếu có vi phạm trong thời gian gần đây chỉ là nhỏ lẻ và quận sẽ xử lý nghiêm các trường hợp này.
Về các hồ điều hòa trên địa bàn phường Định Công, trên địa bàn phường có 3 hồ điều hòa là: Đầm Sen, Đầm Sòi và Đầm Bông. Trong đó 2 hồ: Đầm Sen, Đầm Sòi đã được quận kè hồ, làm đường dạo, còn Đầm Bông đang có vi phạm, quận đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, Văn phòng UBND thành phố đã có Văn bản số 4235/UBND-TH, ngày 16/12/2022, truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về nội dung này. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai kiểm tra, làm rõ, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có); báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 31/12/2022 và thông tin, trả lời báo chí theo quy định.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề lát đá vỉa hè gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết thêm, ngay trong ngày 16/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn ký ban hành công văn số 4236/UBND-ĐT về việc chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội. Công văn nêu rõ: Qua các thông tin phản ánh của công luận và việc kiểm tra thực tế của Sở Xây dựng, một số tuyến hè phố lát đá trên địa bàn các quận đã xảy ra tình trạng đá lát vỉa hè bong bật, lún, nứt, vỡ.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên chủ yếu do thi công chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng đá lát, công tác quản lý sử dụng sau đầu tư và duy tu bảo trì chưa được quan tâm đúng mức... Do đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng hè phố theo đúng công năng, mục tiêu đầu tư và thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt... ; rà soát, tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ xe ô tô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng, lún nứt hè phố, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trong tháng 12/2022 (trong trường hợp có vi phạm cần chấm dứt ngay).
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ...; tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, bao gồm cả việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng; rà soát, đánh giá hiệu quả của việc lát đá hè phố đối với danh mục các tuyến phố đã được phê duyệt; nghiên cứu, chuẩn hoá giải pháp kỹ thuật, vật liệu xây dựng lát hè phố phù hợp, báo cáo UBND thành phố trong Quý I/2023 để xem xét, chỉ đạo.
Trước đó, thông tin với các cơ quan Thông tấn, báo chí về tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội Quý IV và cả năm 2022, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế Thủ đô vẫn phục hồi mạnh mẽ, Quý IV/2022 tăng 6,76%; ước cả năm 2022 tăng 8,89%.
Để đảm bảo nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và công tác duy trì vệ sinh môi trường; kịp thời ngăn chặn mọi hành vi gây rối, làm mất trật tự trị an như: đốt pháo nổ, đua xe; bẻ cành, hái lộc, phá hoại cây xanh...
Thành phố cũng tăng cường quản lý, sắp xếp, kiểm tra việc thu phí, giá dịch vụ tại các điểm trông giữ xe, nhất là tại các điểm vui chơi công cộng, địa điểm tín ngưỡng... trên địa bàn; tổ chức chu đáo chế độ trợ cấp Tết tới các đối tượng chính sách xã hội và thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc...
Các sở, ngành, địa phương chú trọng triển khai việc đảm bảo bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán; đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi lành mạnh mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc để nhân dân vui Xuân, đón Tết.