Đoàn đã đi khảo sát thực địa tại hai địa chỉ tại nhà chuyên dùng số 36 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm và nhà biệt thự số 31 phố Hàm Long.
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, đối với nhóm sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước, tính đến hết quý 1/2022, công ty quản lý 803 địa điểm nhà chuyên dùng; gần 53.000 m2 diện tích kinh doanh dịch vụ tại 100 tòa chung cư tái định cư, hơn 6.500 m2 diện tích kinh doanh dịch vụ tại quỹ nhà ở công nhân, hơn 1.300 m2 diện tích kinh doanh dịch vụ và hơn 8.300 m2 diện tích cho thuê sử dụng tại Cung trí thức thành phố.
Đối với nhóm sử dụng vào mục đích để ở thuộc sở hữu Nhà nước, đến đầu năm 2022, Công ty quản lý quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước có tổng số 10.004 hộ tương đương hơn 234.000 m2; đã báo cáo Sở Xây dựng thực hiện tiếp nhận nhà tự quản từ các đơn vị bàn giao về thành phố quản lý với 330 hộ dân…
Nêu lên hàng loạt những tồn tại, hạn chế đối với nhóm nhà, đất sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu Nhà nước, đặc biệt đối với quỹ nhà chuyên dùng, lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội là đặc thù. Mô hình, tổ chức, bộ máy, hoạt động của Công ty với vai trò là đơn vị quản lý vận hành có rất nhiều trách nhiệm nhưng không có thẩm quyền thực hiện xử lý. Công tác quản lý quỹ nhà chuyên dùng vô cùng phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều biến động, thay đổi về cơ chế chính sách... nên trong quá trình quản lý cho thuê đã có rất nhiều tồn tại, vướng mắc. Tại mỗi địa điểm nhà chuyên dùng có đan xen nhiều dạng tồn tại, vướng mắc, đồng thời các quy định xử lý không cụ thể, đan xen tại nhiều văn bản pháp quy của Trung ương và địa phương.
Để tháo gỡ về bản chất các tồn tại, hạn chế trong việc quản lý đối với quỹ nhà chuyên dùng, Công ty đề nghị xác định giá trị quỹ nhà chuyên dùng và giao vốn cho Công ty. Trong đó, thực hiện giao vốn cho Công ty đối với các địa điểm nhà chuyên dùng hiện đang quản lý ổn định, có đầy đủ hồ sơ và không có tồn tại vướng mắc (giai đoạn 1), làm cơ sở để Công ty có đủ thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác quản lý, chủ động trong việc quản lý, khai thác quỹ nhà chuyên dùng, phù hợp với mô hình doanh nghiệp, cơ chế hoạch toán tài chính của doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, tạo nguồn thu cho thành phố. Bên cạnh đó từng bước xử lý, hoàn thiện hồ sơ, xử lý các địa điểm nhà chuyên dùng có tồn tại, vướng mắc, vi phạm để tiếp tục xác định giá trị và giao vốn cho Công ty vào giai đoạn tiếp theo.
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các quỹ nhà thuộc quản lý, khai thác, vận hành của Công ty, trước mắt, Công ty kiến nghị điều chỉnh quy định của luật, cần tăng cường kiểm tra, quản lý, vận hành các quỹ nhà cho hiệu quả hơn, khẩn trương hoàn thành kiểm kê toàn bộ quỹ nhà, nhất là quỹ nhà chuyên dùng mà Công ty đang quản lý để phân loại tồn tại, vướng mắc, đề xuất cơ quan có thẩm quyền và UBND thành phố xử lý dứt điểm.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cũng kiến nghị các cơ quan liên quan xử lý số nợ phải thu lớn từ các quỹ nhà do Công ty quản lý và thực hiện tổng thể các biện pháp kinh doanh, vận hành, khai thác quỹ nhà này đảm bảo hiệu quả, gắn với các chế tài quản lý và luật liên quan; phân loại và làm rõ từng trường hợp, kể cả đơn vị nhà nước hay tư nhân; giao nhiệm vụ cho từng cá nhân phụ trách địa bàn để nắm chắc mới quản lý hiệu quả.
Với các diện tích cho thuê kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư, nhà ở công nhân, các diện tích còn trống khác tại quỹ nhà do Công ty quản lý, cần rà soát, phối hợp các sở, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo UBND thành phố những phương án cụ thể để vận hành, cho thuê; nhất là với những địa điểm có vị trí thuận lợi cho kinh doanh dịch vụ, đảm bảo cho thuê đúng mục đích, hiệu quả, không làm thất thoát tài sản nhà nước.
Công ty cần phối hợp với Sở Xây dựng đề xuất phương án đưa các căn hộ tái định cư còn trống vào sử dụng; chủ động nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý, vận hành các tòa nhà tái định cư đảm bảo quy định về quản lý nhà chung cư, trong đó thực hiện cải tạo, sửa chữa nếu cần thiết. Đặc biệt có nhiều khu nhà có vị trí thuận lợi, đã được sử dụng là khu cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 thì sớm kiến nghị để trả lại cho Công ty vận hành, bàn giao cho các hộ dân thuộc diện tái định cư. Công ty cũng cần thực hiện các kết luận thanh tra còn chưa được xử lý triệt để, báo cáo những vướng mắc với cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.
Trong quản lý quỹ nhà chuyên dùng, Trưởng Đoàn giám sát yêu cầu các sở, ngành, đặc biệt là Sở Xây dựng và Sở Tài chính tham mưu, có chế tài chặt chẽ và hướng dẫn Công ty triển khai thực hiện, sớm tháo gỡ khó khăn. Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo rà soát quỹ nhà ở cũ, quỹ biệt thự đang tạm dừng bán cho người đang sử dụng; khẩn trương đề xuất UBND thành phố cơ chế xử lý đối với quỹ nhà này nhằm tạo điều kiện để người dân sinh sống ổn định; khẩn trương rà soát các phương án bố trí tái định cư đã duyệt để đẩy nhanh tiến độ đưa dân vào sử dụng các quỹ nhà trống; đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt phương án đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 các chung cư tái định cư...