Hà Nội: Tiềm ẩn nguy cơ khó khăn về cung cấp điện

Chiều 16/4, phát biểu tại hội nghị Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cao điểm hè và Phát động sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả năm 2024 do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) tổ chức, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2024, Hà Nội còn tiềm ẩn nguy cơ khó khăn về cung cấp điện.

Chú thích ảnh
Đội Quản lý điện số 3, Công ty Điện lực Hai Bà Trưng kiểm tra tại TBA Quỳnh Lôi 7. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Theo đó, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (cao điểm hè từ tháng 5 - 7/2024) dự báo lên tới 13%, cao hơn kế hoạch khoảng 9,6%. Riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với năm 2023.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng thủy văn và đánh giá mức độ khả dụng các tổ máy phát nguồn điện các loại trong hệ thống quốc gia để xây dựng các kịch bản thiếu điện. Theo đó, dự kiến công suất tiết giảm của thành phố Hà Nội khi hệ thống điện Quốc gia thiếu nguồn nếu xảy ra sẽ phải tiết giảm dự kiến 0,91- 4,25% công suất đỉnh dự báo, tương đương thiếu 46 - 242 MW.
 
Trước những khó khăn về cung cấp điện, theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vận hành hệ thống điện an toàn, khoa học, hiệu quả, hạn chế tối đa sự cố. Đồng thời, giám sát chặt chẽ đơn vị điện lực trong việc cung cấp điện theo các phương án, kế hoạch được duyệt, bảo đảm nguyên tắc cân bằng, luân phiên, không để một phụ tải, khách hàng bị mất điện nhiều ngày và nhiều lần bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2024 và các năm tiếp theo trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp điều chỉnh phụ tải điện, dịch chuyển công suất tiêu thụ với các khách hàng sử dụng nhiều điện trong Chương trình quản lý nhu cầu điện (Chương trình DR) phi thương mại.

Thành phố cũng chuẩn bị phương án cân bằng điều hòa phụ tải (sản xuất - kinh doanh - hoạt động xã hội - đời sống dân sinh), huy động nguồn tự có để hỗ trợ cấp điện, xây dựng các phương thức vận hành lưới… để triển khai trong trường hợp bất khả kháng hệ thống điện quốc gia gặp khó khăn, buộc phải tiết giảm để bảo đảm an ninh hệ thống. 

“Đây chỉ là phương án dự phòng ứng phó trường hợp bất khả kháng, thành phố luôn nỗ lực để bảo đảm cấp đủ điện, liên tục phục vụ doanh nghiệp và người dân”, lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định.
 
Về phía EVNHANOI, Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn cho biết, EVNHANOI đã triển khai đồng bộ các giải pháp để quản lý nhu cầu điện một cách hiệu quả nhất, nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật và vận hành hệ thống điện. Cùng với đó, tiến hành rà soát, cập nhật, phân tích đánh giá số liệu phụ tải theo từng khu vực, đưa ra các dự báo phụ tải sát với thực tế để xây dựng kịch bản, giải pháp cấp điện phù hợp.
 
Tổng công ty đã chỉ đạo tập trung kiểm tra hệ thống đường dây, trạm biến áp nhằm sớm phát hiện xử lý các điểm xung yếu; chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng lưới điện, đặc biệt là các công trình cấp bách phải vào vận hành trước mùa hè. EVNHANOI đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý vận hành… 

Lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico) cho biết, đơn vị đang quản lý, vận hành, duy tu, duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội với quy mô hơn 2.500 tủ điều khiển chiếu sáng với gần 230 nghìn bộ đèn tương ứng công suất khoảng 30 MW, chi phí điện năng hằng năm khoảng 180 tỷ đồng.
 
Mùa hè năm 2024, dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt kéo dài, nhu cầu sử dụng điện trong các tháng cao điểm sẽ tăng. Vì vậy, đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm tiết kiệm điện năng. Theo đó, Hapulico đã vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng theo phương thức ba chế độ, thay đổi giờ đóng cắt theo mùa và điều khiển linh hoạt đóng cắt hệ thống chiếu sáng theo tình hình thời tiết. Đồng thời, thay thế dần đèn LED trên địa bàn. Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2024 đã tiết giảm được 25% điện năng tiêu thụ so với cùng kỳ năm 2023.

Trước đó, ngay từ đầu năm, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các văn bản, kế hoạch về phát triển điện lực, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để bảo đảm cung ứng điện trên địa bàn thành phố năm 2024, sẵn sàng ứng phó trường hợp khi hệ thống điện Quốc gia gặp khó khăn về nguồn điện, 

Thành phố phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,6% đến 1,8% so mức năng lượng dự báo nhu cầu. Theo đó, tiết kiệm ít nhất 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho các khu vực tiêu dùng; phấn đấu phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 67 MW từ điện rác (đưa tổ máy số 3 dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn và dự án nhà máy điện rác Seraphin vào vận hành), đưa tổng nguồn năng lượng từ xử lý rác của thành phố Hà Nội đạt khoảng 129,3 MW; phấn đấu giảm phụ tải đỉnh của hệ thống điện thành phố khoảng 100 MW (không phải tiết giảm điện do thiếu nguồn).

Nam Giang (TTXVN)
Khẩn trương đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024 tại phía Nam
Khẩn trương đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024 tại phía Nam

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, có nguy cơ xảy ra khô hạn kéo dài trong các tháng mùa khô của năm 2024 tại Nam Bộ. Cao điểm mùa khô diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5/2024, nhưng nắng nóng lại xuất hiện khá sớm từ cuối tháng 1/2024 và có dấu hiệu kết thúc muộn, với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn trung bình nhiều năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN