Hiện nay, thực trạng sử dụng rác thải nhựa đang gây tác hại rất lớn đối với cuộc sống người dân, bởi đa phần rác thải chỉ được xử lý theo kiểu chôn lấp hoặc bị bỏ, thải ra môi trường.
Để khắc phục, xử lý kịp thời tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố. Theo đó, từ ngày 1/11/2020, thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần có những hành động cụ thể chống rác thải nhựa và nói "không" với sản phẩm nhựa sử dụng một lần nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, trung bình mỗi ngày trên địa bàn Thủ đô phát sinh gần 6.000 tấn rác thải, trong đó, rác thải nhựa và túi ni lon được sử dụng ở mức khá cao, khoảng 60 tấn/ngày. Đáng lo ngại hơn, khối lượng rác thải nhựa tăng dần theo từng năm, ảnh hưởng xấu đến môi trường, thậm chí còn gọi là "ô nhiễm trắng".
Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua, Hà Nội đã chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa và túi ni lon; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm từ chất thải khó phân hủy. Cụ thể, từ năm 2019, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về "Phòng chống rác thải nhựa và túi ni lon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025"; trong đó, yêu cầu các cơ quan hành chính sự nghiệp, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước của thành phố không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lon khó phân hủy; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân cùng nói "không" với sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc triển khai thực hiện chỉ đạo của thành phố bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Nhiều cơ quan, đơn vị đã cắt giảm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, loại bỏ hoàn toàn chai nước nhựa trong các cuộc họp, thay bằng cốc và bình nước thủy tinh; hạn chế việc sử dụng túi nhựa đựng tài liệu, văn bản, giấy tờ… Đặc biệt, đến nay, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần gần như không còn xuất hiện tại các cơ quan, đơn vị, cũng như các hội nghị, hội thảo của thành phố.
Cùng với việc gương mẫu, tích cực đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, thành phố yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị trực thuộc tiên phong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay công sở; UBND các quận, huyện, thị xã cần tổ chức và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để thu gom chất thải nhựa trên các sông, suối, ao, hồ, kênh mương… trong khu đô thị, dân cư.
Có thể thấy, những hành động cụ thể chống rác thải nhựa và nói "không" với sản phẩm nhựa sử dụng một lần đang lan tỏa sâu rộng trên toàn Thủ đô góp phần tiết kiệm ngân sách, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người lao động về trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, năm học 2019-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại trường học.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, Chương trình "Tái chế học đường" được triển khai tại 1.200 trường mầm non và tiểu học với 269 tấn vỏ sữa được thu gom, tương đương gần 27 triệu vỏ hộp để tái chế. Hiện, Chương trình đang tiếp tục triển khai trong năm học 2020-2021 với sự tham gia của 1.600 trường mầm non và tiểu học. Trong khuôn khổ Chương trình, học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống; sau đó, vỏ hộp sữa sẽ được thu gom định kỳ hai tuần/lần và chuyển về nhà máy giấy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như: giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái... Ngoài ra, Chương trình còn có nhiều hoạt động giáo dục học sinh có ý thức bảo vệ môi trường.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của việc chống rác thải nhựa và nói "không" với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ ban hành cơ chế, chính sách đến định hướng giảm sản xuất vật liệu nhựa, giảm nhập đồ nhựa tái chế, tìm vật liệu thay thế, đặc biệt là việc tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết của người dân về rác thải nhựa…
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ tập trung khảo sát thu thập hiện trạng sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lon khó phân hủy, nhu cầu sử dụng sản phẩm tái chế thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ dân sinh, các trung tâm thương mại…
Cùng với đó, Sở đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất bao bì thân thiện với môi trường, nhất là doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa khó phân hủy sang chất liệu khác thân thiện với môi trường; điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất bao bì dùng từ nhựa; đánh giá tiềm năng và cơ chế hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa định hướng theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra; hướng dẫn và vận động ký cam kết đối với tất cả các cơ sở sản xuất bao bì dùng từ nhựa chuyển đổi sang bao bì thân thiện môi trường hoặc chuyển đổi mục đích sản xuất; xây dựng thử nghiệm chương trình đào tạo nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường, không sử dụng vật liệu bao bì nhựa sử dụng một lần cho các cơ sở thương mại, dịch vụ và sản xuất.