Nhiều tiêu chí chưa đạt
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay, huyện Đông Anh có 12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Còn với tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, Đông Anh đã đạt 6/9 tiêu chí, gồm: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi - phòng chống thiên tai, điện, chất lượng môi trường sống, an ninh trật tự và hành chính công. Ba tiêu chí chưa đạt là: Y tế-văn hóa-giáo dục, kinh tế và môi trường.
Trong ba tiêu chí chưa đạt, nhiều chỉ tiêu rất cao, thậm chí cao hơn đối với đô thị, như trường học, cơ sở vật chất văn hóa… đang được huyện gấp rút thực hiện. Cụ thể, với tiêu chí y tế-văn hóa-giáo dục, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế theo quy định đạt từ 95% trở lên, thì huyện Đông Anh đã đạt 93%. Hay, yêu cầu 100% số trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có ít nhất một trường đạt chuẩn mức độ 2, thì huyện đã có 3/5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Là một trong 5 địa phương xây dựng huyện thành quận, Đan Phượng đã và đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam, từ năm 2021, huyện đã có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đối với tiêu chí cấp huyện, hiện đã đạt 6/9 tiêu chí, gồm: Quy hoạch, thủy lợi và phòng, chống thiên tai, điện, kinh tế, chất lượng môi trường sống, an ninh trật tự - hành chính công; 2 tiêu chí cơ bản đạt là giao thông và môi trường; chỉ còn 1 tiêu chí chưa đạt là y tế - văn hóa - giáo dục, do chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Trong khi đó huyện Thanh Trì đã có 15/15 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đối với tiêu chí cấp huyện, Thanh Trì có 6/9 tiêu chí đạt; 3 tiêu chí chưa đạt, đó là: Y tế - văn hóa - giáo dục; chất lượng môi trường sống và an ninh trật tự - hành chính công. Tương tự, các huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh đã đạt từ 5 đến 7 tiêu chí (trên tổng số 9 tiêu chí) của huyện nông thôn mới nâng cao và đang nỗ lực để thực hiện các tiêu chí theo yêu cầu.
Huyện Gia Lâm cũng tương tự khi hiện còn 4/9 tiêu chí mới ở mức cơ bản đạt. Trong đó, có các chỉ tiêu chưa đạt, như: Tỷ lệ chất rắn nguy hại trên địa bàn huyện được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường mới đạt 90% (chỉ tiêu 100%); mô hình xử lý nước (ao, hồ) bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường chưa đạt theo quy định.
Ưu tiên đầu tư các tiêu chí chưa đạt
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, đối với 5 huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm phấn đấu thành quận, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao chưa đạt, cơ bản đạt. Các huyện hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao trình UBND thành phố trước tháng 9/2023 và riêng huyện Hoài Đức hoàn thiện hồ sơ trong quý I/2024.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU yêu cầu, các huyện đang thực hiện đề án xây dựng thành quận như: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao chưa đạt, cơ bản đạt, hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh thông tin, với chỉ tiêu chưa đạt, huyện Đông Anh đang phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố để thực hiện các dự án đầu tư, cải tạo các trường trung học phổ thông trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia theo quy định.
Trong khi đó huyện Thanh Trì đã có kế hoạch đầu tư công viên hoặc quảng trường được lắp đặt các dụng cụ thể dục, thể thao; đầu tư 3 trường trung học phổ thông để đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2…, đáp ứng tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội xác định mục tiêu: Thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025. Để hoàn thành, thành phố phải bảo đảm chỉ tiêu có ít nhất 20% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Thành phố yêu cầu các huyện phải có kế hoạch rõ ràng hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận. Đồng thời, giao Sở NN&PTNT Hà Nội chủ động phối hợp, hướng dẫn các huyện hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng để sớm trình thành phố và trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.