Hình thành yếu tố cảnh quan trong cấu trúc đô thị
Diện tích bãi giữa sông Hồng khoảng 328 ha và bãi ven sông Hồng (từ cầu Tứ Liên đến cầu Trần Hưng Đạo) khoảng 63,2 ha, thuộc địa bàn bốn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên. Đây chính là nguồn lực đầy tiềm năng để tạo dựng một không gian sinh thái và văn hóa hấp dẫn cho cộng đồng cũng như khách du lịch. Nơi này sẽ mang đến cho người dân và du khách một không gian mở nhìn ra sông, tích tụ nhiều tầng văn hóa, kết nối cộng đồng với thiên nhiên.
Cũng do lợi thế nằm trong khu vực đậm đặc văn hóa, không gian sinh thái và văn hóa bãi giữa và bãi ven sông Hồng có thể kết nối đồng bộ với không gian văn hóa khu vực phố cổ, phố cũ quận Hoàn Kiếm, phố cũ quận Ba Đình và các làng trồng hoa quận Tây Hồ, Long Biên. Không chỉ khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên, việc hình thành không gian sinh thái và văn hóa bãi giữa, bãi ven sông Hồng còn góp phần tạo lập hình ảnh thành phố hiện đại và sinh thái hai bên sông Hồng, có bản sắc truyền thống.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 hiện đang hoàn chỉnh, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, có định hướng thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố, gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa, tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội. Trong Quy hoạch có bao gồm hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch và bổ sung thêm loại hình giao thông đường thủy cho Hà Nội. Đồng thời, Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2022, đã định hướng khu vực bãi giữa và bãi ven sông, ngoài các chức năng sử dụng chính như cây xanh cách ly, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, còn được định hướng có chức năng đất cây xanh đô thị, cây xanh chuyên đề…
Hiện nay, với việc Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, việc khai thác và phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng, nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đang được đẩy mạnh.
Thành phố đang giao các cơ quan liên quan triển khai nghiên cứu lập Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng”, thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, hướng tới việc hiện thực hóa các mục tiêu được định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. UBND thành phố cũng đồng thời chỉ đạo 4 quận tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, nhằm đáp ứng được tầm quan trọng, đảm bảo được tính khả thi của Đề án.
Kết nối cộng đồng với thiên nhiên
Bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được phù sa bồi đắp nhiều năm, trở thành một không gian xanh rộng lớn, vẫn còn lưu giữ hệ sinh thái nguyên bản vùng bãi sông. Hiện, khu vực bãi giữa đang được một số người khai thác canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh nhỏ và đồng thời là nơi diễn ra nhiều hoạt động tự phát như: dã ngoại, cắm trại, bơi lội, trải nghiệm, khám phá, vui chơi của trẻ em... Việc quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi giữa và bãi ven sông Hồng sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành các không gian xanh, các không gian nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển, cùng Thạc sĩ Lê Quang Bình, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, đều cho rằng, bãi giữa cần được quy hoạch, quản lý thực hành thân thiện và bền vững với môi trường và dung hợp xã hội. Cụ thể, quy hoạch các khu vực hoang dã để bảo tồn, giáo dục, trải nghiệm thiên nhiên; quy hoạch các khu vực phát triển bền vững gồm nông nghiệp bền vững, văn hóa, thể thao gắn với thiên nhiên, du lịch và giáo dục. Việc quy hoạch cũng cần xem xét chuyển đổi sinh kế và tích hợp các hoạt động của người dân có sẵn vào quy hoạch phát triển của thành phố.
Theo các nhà quy hoạch, tính chất của công viên này là công viên văn hóa, vui chơi giải trí, không gian sinh thái nông nghiệp với mô hình nông nghiệp sạch, trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch... Đây cũng là khu công viên đầy đủ chức năng, tiện ích xã hội, là nơi tập trung các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí có giá trị giáo dục, văn hóa, lịch sử trong khu vực ven sông Hồng, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan của người dân và du khách. Bởi vậy, việc phát triển các mô hình xanh cần được coi trọng.
Kiến trúc sư Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, các mô hình xanh sẽ tập trung vào việc tạo lập các không gian xanh như công viên đô thị, công viên chuyên đề, công viên ngập lũ trên cơ sở khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Hồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, theo các thềm địa hình và hiện trạng sử dụng đất. Khu vực bãi sông và dòng sông hầu hết là khu vực không ổn định, phù hợp cho các không gian sinh thái, phục hồi tự nhiên. Một số khu vực tiếp giáp nội đô lịch sử được định hướng sẽ kè cứng, tạo điều kiện tổ chức các không gian công cộng văn hóa tiếp giáp với mặt nước. Giải pháp tổ chức cảnh quan cây xanh, mặt nước, tiện ích đô thị trên nguyên tắc phục hồi tự nhiên, công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng. Một phần không gian nông nghiệp được tổ chức thành công viên nông nghiệp kết hợp với các hoạt động du lịch ngoài trời.
Việc xây dựng Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi giữa và bãi ven sông Hồng được triển khai sẽ không chỉ khai thác hiệu quả tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành các không gian xanh, an toàn, tiện ích. Đây cũng sẽ là cơ hội thu hút các nhà đầu tư, khởi nghiệp, nhằm phát triển các giá trị văn hóa - lịch sử trong hình thành mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện, không chỉ cho Hà Nội mà còn đối với cả nước.