Phiên giao dịch việc làm trực tuyến nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp có đủ nguồn nhân lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm trong tình hình mới. Cùng với việc kết nối các tỉnh thành, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tổ chức đồng bộ trên hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội, bao gồm Sàn Trung tâm tại số 215 Trung Kính và 14 Sàn giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn thành phố.
Trong tổng số 126 đơn vị doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm với tổng số 9.358 chỉ tiêu tuyển dụng, Thái Bình có số lượng tuyển dụng nhân lực nhiều nhất, lên đến 2.940 chỉ tiêu. Tiếp sau đó là Bắc Ninh với 2.022 chỉ tiêu, Hải Phòng 1.390 chỉ tiêu.
Tại Hà Nội, có 46 doanh nghiệp đăng ký 1.130 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó có 22 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ, chiếm tỷ lệ cao nhất (47,8%), còn lại thuộc các lĩnh vực: Sản xuất, may mặc, công nghệ thông tin, y tế. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lên là 230 lao động, chiếm tỷ lệ 20,3%; trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật là 428 lao động, chiếm tỷ lệ 37,8%; trình độ lao động phổ thông là 472 lao động, chiếm tỷ lệ 41,9%.
Các vị trí việc làm có mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng có 354 chỉ tiêu, chiếm 31,3% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, trưởng - phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao. Mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng có 471 chỉ tiêu, chiếm 41,6% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng, dành cho vị trí kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng có 293 chỉ tiêu, chiếm 25,9% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng, dành cho lao động chưa có tay nghề, các bạn sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, partime… Còn lại là mức thu nhập thỏa thuận với 12 chỉ tiêu.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc lam Hà Nội cho biết: “Bên cạnh những phiên giao dịch việc làm trực tuyến, điểm mới năm nay là Hà Nội sẽ có nhiều phiên GDVL được tổ chức tại các quận, huyện, thị xã để người lao động có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm”.
Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ đa dạng các hình thức tổ chức, cho nhiều đối tượng; kể cả các phiên GDVL dành cho người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ, thanh niên và phiên GDVL chuyên đề khác. Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng đang triển khai giới thiệu việc làm cho các đối tượng yếu thế như người sau cai nghiện ma túy...
“Trong quý II/2023, Trung tâm đang tập trung vào việc giải quyết việc làm cho người lao động mới gia nhập thị trường lao động, người lao động đang hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động ở các khu công nghiệp và các ngành dịch vụ phát triển sau dịch. Sau dịch COVID-19, thị trường lao động có sự thay đổi, đơn vị cũng đang nghiên cứu dự báo thị trường để làm tốt công tác hướng nghiệp. Theo ghi nhận, những ngành nghề đang phát triển, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của xã hội như: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, công nghề thông tin, công nghệ sinh học, dược, mỹ phẩm; nông nghiệp công nghệ cao logistics…”, ông Vũ Quang Thành chia sẻ.