Thành phố đang xem đây là nhiệm vụ "sống còn" và chiến lược dài hạn để phát triển Thủ đô hiện đại.
Bước tiến lớn về công nghệ
Với quy mô hơn 10 triệu dân, số lượng đơn vị hành chính lớn (30 UBND quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn), việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn Hà Nội có nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh/thành phố khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt trong giai đoạn năm 2022-2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các hoạt động, sự kiện được thành phố triển khai với quy mô, phạm vi rộng, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí bằng “không” khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn thành phố.
Lần đầu tiên lãnh đạo thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên hệ thống phần mềm dùng chung Quản lý văn bản và điều hành thành phố; 100% các cơ quan nhà nước của thành phố đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống; các đơn vị đang triển khai tích cực việc xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng (trình ký hồ sơ/văn bản trên phần mềm).
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP) đã được triển khai kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của thành phố và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các Bộ, ngành.
Đến tháng 6/2024, Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp. Trong đó đã cung ứng một số dịch vụ đô thị thông minh như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi) - lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, là môi trường tương tác giữa Chính quyền với người dân Thủ đô; Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố - quản lý khám chữa bệnh, kết nối với 661 cơ sở y tế, đồng bộ dữ liệu lên hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định, sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VNeID; Cấp lý lịch tư pháp trên VNeID - Công dân thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp nhanh chóng trên ứng dụng, nhận kết quả điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy và được tái sử dụng nhiều lần; Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) được triển khai thử nghiệm cho vận tải hành khách công cộng... Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, nhằm tạo sự minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện và giảm ùn tắc ở trung tâm thành phố.
Nhiều hoạt động, sự kiện lớn về chuyển đổi số được tổ chức thành công, trong đó có sự kiện tầm quy mô quốc gia như: Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023 với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả đến từ nhiều nước và các tỉnh, thành phố trên cả nước…
Nhiều giải pháp khắc phục bất cập
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, dù có sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị, song trên địa bàn vẫn còn một số vấn đề tồn tại, vướng mắc, khó khăn về công tác chuyển đổi số như: Nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các đơn vị còn thiếu, cấp xã chưa có quy định vị trí việc làm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao; một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chưa đảm bảo tiến độ, đặc biệt việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai...
Thành phố Hà Nội đang nêu cao quyết tâm đẩy nhanh chuyển số, với nhiều giải pháp thực hiện xuyên suốt trong toàn hệ thống, như phân công rõ tập thể, cá nhân chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, bảo đảm thống nhất quan điểm chỉ đạo “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.
UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành nhận thức đúng đắn vai trò chủ trì về chuyển đổi số theo lĩnh vực đơn vị quản lý; giải quyết triệt để các nhiệm vụ chậm, muộn, trong đó tập trung việc hoàn thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là cơ sở dữ liệu đất đai.
Người đứng đầu các đơn vị sắp xếp thứ tự ưu tiên, tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ đủ điều kiện triển khai; các nhiệm vụ vướng mắc hoặc cần hướng dẫn của các đơn vị có thẩm quyền, thực hiện báo cáo UBND thành phố, đề xuất phương án tháo gỡ.
Thành phố yêu cầu các cấp, ngành khẩn trương kiện toàn, sắp xếp bộ phận, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại đơn vị đảm bảo chuyên môn phù hợp; đẩy mạnh triển khai và đảm bảo hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác tham mưu, triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đội ngũ công chức viên chức của thành phố.
Bên cạnh đó, UBND thành phố xây dựng cơ chế thu hút nhân tài làm việc trong cơ quan nhà nước thành phố, đặc biệt lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chỉ đạo các sở, ngành chủ động phối hợp các bộ, ngành tổ chức hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện số hóa dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực đơn vị phụ trách đảm bảo phù hợp chủ trương, định hướng của Chính phủ, hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản và đồng bộ, thống nhất theo chỉ đạo của thành phố...
Đồng thời, UBND thành phố giao cho ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số, trong đó ưu tiên hình thức kiểm tra, đánh giá trên các hệ thống thông tin của thành phố; định kỳ hằng tháng công bố kết quả triển khai một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được thực hiện trên các hệ thống thông tin của thành phố, tạo phong trào thi đua, phấn đấu giữa các đơn vị…