Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, sau gần 5 tháng phát động và tiến hành cập nhật sáng kiến trên Cổng trực tuyến, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, gián đoạn do nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng với quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ, Chương trình đã hoàn thành vượt chỉ tiêu giai đoạn 1 (từ 15/12/2021 đến 31/5/2022).
Theo thống kê, đã có 56.106 sáng kiến tham gia, đạt 108% kế hoạch giai đoạn 1 (vượt 4.106 sáng kiến) và đạt 94% chỉ tiêu toàn bộ Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao. Trong đó, rất nhiều sáng kiến thể hiện được sự sáng tạo của người lao động ở thời điểm dịch bệnh phức tạp, nhiều sáng kiến có tính thích ứng cao với bối cảnh bình thường mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, công tác của cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, số lượng sáng kiến vẫn tăng đều trên hệ thống, trung bình có khoảng 800-1000 sáng kiến/ngày, cao điểm tăng hơn 4.000 sáng kiến/ngày.
Nhiều đơn vị đã thể hiện tinh thần thi đua hăng hái, sôi nổi, thực hiện các biện pháp quyết liệt đạt kết quả cao. Tiêu biểu là Liên đoàn Lao động các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Gia Lâm, Phúc Thọ, Mỹ Đức; Công đoàn ngành Công thương, Xây dựng… Nhiều cán bộ trực tiếp theo dõi, tham mưu triển khai ở các cấp Công đoàn đã nỗ lực, vượt khó, kiên trì hướng dẫn, cập nhật sáng kiến dù phải phụ trách nhiều công việc hoặc ngay cả khi bản thân bị mắc COVID-19.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đánh giá, kết quả giai đoạn 1 đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và sự nỗ lực vượt bậc của hệ thống Công đoàn cùng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động Thủ đô; khẳng định sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận về quan điểm của tổ chức Công đoàn và người sử dụng lao động nhằm phát huy năng lực, sáng kiến, cải tiến của người lao động; sự đồng tâm hành động của mỗi người lao động ở từng lĩnh vực, từng vị trí việc làm; tạo mối quan hệ khăng khít, bền chặt giữa doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn cùng đồng hành vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị còn triển khai chậm, chưa có giải pháp thúc đẩy đoàn viên cập nhật sáng kiến; tỷ lệ sáng kiến khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn ít, chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số đơn vị chưa có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện, công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của người đứng đầu còn chưa quyết liệt, cán bộ tham mưu chưa sâu sát, chưa chủ động, linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh, công tác tuyên truyền tới cơ sở còn yếu, do vậy số lượng sáng kiến cập nhập trên hệ thống còn thấp. Đáng chú ý là Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Công đoàn Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, Khối Công đoàn các trường Đại học và Cao đẳng…
Thời gian tới, với 78.000 sáng kiến đăng ký ở giai đoạn 2, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục tích cực tuyên truyền, truyền thông về mục đích, ý nghĩa của Chương trình, đặc biệt là những cá nhân, đơn vị có mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo. Đồng thời, gắn Chương trình "1 triệu sáng kiến" với phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", phong trào thi đua cụ thể của từng địa phương, ngành thể hiện ý nghĩa của Chương trình trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác và sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quy định về cơ chế tài chính hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân tham gia chương trình; hỗ trợ, động viên cán bộ Công đoàn cấp trên trong tham gia hướng dẫn, hỗ trợ Công đoàn cơ sở và người lao động. Đưa nội dung thực hiện Chương trình vào các chỉ tiêu đánh giá công tác thi đua khen thưởng năm 2022, 2023; có cơ chế động viên, khen thưởng đột xuất đối với cán bộ Công đoàn trực tiếp triển khai thực hiện, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.