Logistics Hà Nội phát triển chưa xứng với tiềm năng

Là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Hà Nội có hệ thống giao thông phát triển khá đồng bộ, gồm cả đường bộ, đường thủy, hàng không và đường sắt. Điều này rất thuận lợi để Hà Nội phát triển và trở thành trung tâm điều hành logistics (dịch vụ hậu cần) của khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, logistics Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh.

Hiện nay, có khoảng 40% lưu lượng hàng hóa của các địa phương khác đang luân chuyển qua địa bàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội còn có 10 khu công nghiệp đang hoạt động và hơn 100 cụm công nghiệp đã và đang hình thành, cùng với hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng…, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho hơn 10 triệu dân. 

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù có tiềm năng lợi thế như vậy nhưng logistics Hà Nội vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do hiện nay hệ thống kho hàng, bến bãi logistics tại Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, thiếu nhiều loại hình kho lưu trữ hàng hóa đặc thù như kho mát, kho lạnh… Số cảng cạn ICD cũng ít và chủ yếu sử dụng đường bộ, chưa kết nối với đường sắt, đường thủy… Chi phí logistics còn cao cộng với tình trạng ùn tắc giao thông cũng làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. 

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 25 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu, 18% tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu còn lại đều do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.  

Ngoài ra, tình hình địa chính trị thế giới đang diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường biển quốc tế. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội cho biết, năm 2023, các doanh nghiệp nói chung và ngành logistics nói riêng đã chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu và tốc độ tăng tưởng kinh tế đều suy giảm, dẫn đến suy giảm nguồn hàng. Năm 2024, ngành logistics vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của địa chính trị dẫn đến sự đứt gãy của hoạt động vận tải biển quốc tế.

Để đẩy mạnh phát triển logistics năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng logistics trên địa bàn, đồng thời tích cực phối hợp, kết nối với các địa phương trong và ngoài nước nhằm từng bước xây dựng Thủ đô thành trung tâm điều hành logistics của khu vực miền Bắc.

Cụ thể, ngay từ đầu tháng 1/2024, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 01/KH-UBND về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp dịch vụ logistics vào GRDP. Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ thuê ngoài, giảm chi phí logistics để cạnh tranh giá cả sản phẩm của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử. 

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, để phát triển hạ tầng logistics, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung của thành phố, phối hợp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc khởi công các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã có quyết định chủ trương đầu tư; trong đó, phấn đấu khởi công xây dựng hai cảng cạn ICD tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức trong năm 2024; xác định vị trí, ranh giới, diện tích cụ thể hai trung tâm logistics tại các huyện Phú Xuyên, Sóc Sơn; hoàn thành thủ tục đầu tư một cảng container quốc tế tại xã Cổ Bi và xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm…

Để các dự án hạ tầng dịch vụ logistics được triển khai theo quy hoạch đã phê duyệt, thành phố Hà Nội tiếp tục kêu gọi, xúc tiến, có chính sách thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt là đối với 9 dự án phát triển hạ tầng dịch vụ logistics đã được giới thiệu địa điểm để nhà đầu tư nghiên cứu lập, đề xuất dự án.
 
Song song với đó, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các trung tâm logistics có quy mô phù hợp trên các tuyến đường vành đai, kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng hóa tại các khu vực tập trung sản xuất  nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp; chú trọng phát triển hệ thống kho bãi, kho hàng chuyên dụng…

Không chỉ chú trọng đầu tư vào hệ thống cảng và kho bãi, mà Hà Nội còn tập trung phát triển đồng bộ từ hệ thống giao thông, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong quản lý đến các chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp nhà đầu tư cung cấp dịch vụ logistics nước ngoài đầu tư vào Việt Nam...
 
Cụ thể, Hà Nội tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông thông minh, các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, nhà giao vận và khách hàng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính (mức độ 3,4) nhanh chóng, thuận tiện ở tất cả các khâu, trọng tâm là các lĩnh vực công thương, hải quan, thuế, giao thông vận tải…

Thành phố khuyến khích, kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới và các doanh nghiệp logistics trong nước đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch trên địa bàn nhằm từng bước xây dựng Thủ đô thành trung tâm điều hành logistics của khu vực miền Bắc. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương lân cận trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tạo thuận lợi cho sự giao lưu vận chuyển, phân phối hàng hóa. 

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp logistics trên địa bàn cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ logistics trọn gói 3PL, 4PL; triển khai các dịch vụ logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và giao dịch điện tử để hướng đến cung cấp dịch vụ logistics trọn gói 5PL. Trong đó, các doanh nghiệp phải tích cực ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trong quản lý, vận hành chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics chuyên nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí.

Nam Giang (TTXVN)
Logistics 'xanh': Hành trình còn nhiều thách thức
Logistics 'xanh': Hành trình còn nhiều thách thức

Logistics xanh đang là xu hướng tất yếu, là khái niệm chỉ việc tính toán và triển khai các ứng dụng nhằm giảm thiểu các tác động về sinh thái của hoạt động logistics (dịch vụ hậu cần). Việc “xanh hóa” ngành logistics và ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN