Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh tham dự.
Không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm gồm các tuyến phố: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà), ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc. Thời gian hoạt động vào 3 tối cuối tuần (thứ 6, thứ 7 và Chủ Nhật), mùa Hè từ 19 giờ đến 24 giờ, mùa Đông từ 18 giờ đến 24 giờ.
Mỗi tuyến phố đi bộ đều kinh doanh một số ngành hàng đặc thù như: Gia Ngư, ngõ Cầu Gỗ với những nhà hàng ăn uống cao cấp có sẵn của các khách sạn…; Hàng Bè, chủ yếu là đồ mỹ nghệ, sản phẩm du lịch; Đào Duy Từ, Cầu Gỗ với các cửa hàng tạp hóa, ẩm thực…; Đinh Liệt, Hàng Dầu với quần áo, dày dép…; Hàng Bạc nổi tiếng là tuyến phố chuyên kinh doanh kim hoàn...
Trong các kỳ lễ hội, tại các tuyến phố có thể bố trí các quầy hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm truyền thống như: thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, đặc sản vùng miền… dưới lòng đường phục vụ nhân dân và du khách. Các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật sẽ diễn ra tại Ô Quan Chưởng, ngã năm Đinh Liệt - Gia Ngư, đình Kim Ngân.
Trong thời gian tuyến phố đi bộ hoạt động, các di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực sẽ được mở cửa phục vụ khách tham quan. Ô Quan Chưởng là khu vực trung tâm để tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội phục vụ du khách.
Để các không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, trong đó có không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ ngày càng hoàn thiện, tại lễ khai trương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu quận Hoàn Kiếm làm tốt công tác tuyên truyền vận động để mỗi người dân thấy được lợi ích của không gian đi bộ trong phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội, nhất là phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh không gian hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, không gian văn hóa kiến trúc khu phố cổ Hà Nội tới du khách trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp với các sở, ngành tổ chức hoạt động và sắp xếp trên tuyến phố, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chốt trực và phân luồng tổ chức giao thông, bố trí các điểm giao thông tĩnh…
Cũng tại lễ khai trương, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm khẳng định: Việc mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối với phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm tạo thành một chỉnh thể để bổ trợ chức năng hoàn chỉnh, cộng hưởng giá trị, tạo sự gắn kết giữa hai không gian đi bộ, sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực; qua đó phát huy hết tiềm năng giá trị văn hóa, lịch sử khu phố cổ Hà Nội (di tích quốc gia), khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (di tích quốc gia đặc biệt) và kích cầu phát triển du lịch trên địa bàn quận.
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã tổ chức triển khai, duy trì hoạt động 3 không gian đi bộ trên địa bàn. Cụ thể là tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy kết hợp với chợ đêm Đồng Xuân phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch trong khu phố cổ được triển khai từ năm 2004. Không gian đi bộ trong khu vực bảo tồn cấp I - khu phố cổ Hà Nội gồm: Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện được triển khai năm 2014, nhằm quảng bá giá trị các công trình di tích khu phố cổ Hà Nội. Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với phạm vi gồm 16 phố được triển khai thí điểm năm 2016 và triển khai chính thức từ ngày 1/1/2020 đến nay.
Các không gian đi bộ trên địa bàn quận đã trở thành nơi sinh hoạt của người dân Hoàn Kiếm và là điểm đến của Thủ đô, tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước; là nơi giao lưu văn hóa thế giới và các vùng, miền.
Giữa không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận chưa có sự kết nối hoàn chỉnh, bổ trợ chức năng cho nhau, do không gian đi bộ bị ngăn cách bởi các tuyến phố thuộc địa bàn phường Hàng Bạc. Trong khi đó, nhu cầu của người dân và du khách đến không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ Hà Nội ngày càng tăng cao, đồng thời nhu cầu qua lại của người dân và du khách giữa hai không gian đi bộ này rất lớn. Việc mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu Phố cổ Hà Nội kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ khắc phục được tình trạng này.