Phố đi bộ Hà Nội – nơi nhộn nhịp, chỗ đìu hiu

Thời gian gần đây, Hà Nội tổ chức nhiều không gian đi bộ nhằm tạo nơi vui chơi, giải trí cho người dân, thu hút khách du lịch. Bên cạnh các không gian hoạt động hiệu quả, còn nhiều không gian lại rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ.

Hiện nay, Hà Nội có 6 không gian đi bộ, bao gồm: không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khu phố cổ Hà Nội (Hàng Đào - Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu phố cổ Hà Nội), không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây, phố Trần Nhân Tông và phụ cận, Đảo Ngọc – Ngũ Xã, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, sắp tới có thêm không gian đi bộ hồ Ngọc Khánh.

Với đặc thù về mặt địa lý, văn hóa, lịch sử, cảnh quan, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội và Thành cổ Sơn Tây là nơi hoạt động hiệu quả. Trái lại, các không gian khác thường xuyên rơi vào tình trạng vắng vẻ và đặt ra bài toán trong việc phát huy hiệu quả thu hút khách.

Những tuyến phố vắng người qua

Các tối cuối tuần là lúc những không gian đi bộ trên địa bàn Hà Nội hoạt động sôi động. Người dân đổ về để vui chơi, thư giãn.

Tuy vậy, tại phố đi bộ Trần Nhân Tông, lượng người đến vui chơi khá thưa thớt, các quầy hàng phục vụ người dân cũng lác đác. Chỉ trừ những lúc diễn ra các sự kiện lớn, không gian này thu hút đông người tham gia, các ngày còn lại luôn trong tình trạng vắng vẻ.

Chú thích ảnh
Vắng vẻ phố đi bộ Trần Nhân Tông.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (62 tuổi, sinh sống tại Ngõ chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa), một người bán hàng ở đây cho biết, phố đi bộ Trần Nhân Tông hiện giờ vắng hơn nhiều so với ngày trước. Cũng vì thế mà quầy hàng của bà bán chậm hơn. Buông tiếng thở dài, bà cho hay: “Thời gian gần đây phố đi bộ vắng người qua lại, toàn người dân sinh sống quanh đây ra tản bộ hóng mát, lấy đâu ra khách ăn”. Không chỉ riêng với quầy hàng của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, các hàng quán tại đây cũng lâm vào cảnh ế ẩm.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, ngõ chợ Khâm Thiên (Đống Đa) kinh doanh trên phố đi bộ Trần Nhân Tông.

Các hoạt động văn hóa - giải trí tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông cũng được người dân và khách tham quan đánh giá là không nhiều, chưa tạo được sức hút với du khách. Bà Nguyễn Thị Xuân (73 tuổi, trú tại phố Quang Trung, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, lý do của sự vắng vẻ này do các hoạt động ở phố đi bộ còn ít, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài hàng ăn, quán nước cùng các sạp thuê xe đồ chơi tự phát.

Còn phố đi bộ Trịnh Công Sơn với tên gọi Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ sau thời gian đầu hoạt động sôi động, nay trở nên vắng vẻ, thiếu vắng các hoạt động văn hóa. Thay vì để rào chắn xe cộ tại các đầu phố như trước kia, Ban tổ chức đã dỡ bỏ để người dân tự do đi lại. Khu vực này thỉnh thoảng diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giới thiệu sản phẩm vùng miền...

Tăng sức hấp dẫn

Là phố đi bộ đầu tiên được đi vào hoạt động trên địa bàn Hà Nội, phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm thu hút du khách bởi sự đa dạng về dịch vụ, hoạt động vui chơi - giải trí, biểu diễn nghệ thuật, cảnh quan, các yếu tố văn hóa. Trung bình mỗi ngày cuối tuần, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đón từ 5.000 - 7.000 lượt khách vào ban ngày và từ 1,5 - 2 vạn lượt khách vào buổi tối. Những dịp lễ, mỗi ngày không gian này có thể đón tới trên 4 vạn lượt khách.

Còn tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây trung bình mỗi tối cuối tuần, thu hút trên 1 vạn lượt khách, tăng mạnh lên 2,5-3 vạn lượt vào những ngày có các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Hoạt động của tuyến phố đã thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài.

Chú thích ảnh
Biểu diễn nghệ thuật tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Trong khi đó, nhiều tuyến phố đi bộ khác lại hoạt động đìu hiu, nhự đã đề cập ở trên. Vấn đề đặt ra là giải pháp nào để tăng sức hấp dẫn cho các tuyến phố đi bộ còn lại? Bởi khi duy trì không gian đi bộ vào mỗi tối cuối tuần phải đầu tư nguồn lực không nhỏ về tài chính, nhân lực cũng như hạ tầng xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng, để tạo sức hấp dẫn, các không gian đi bộ không chỉ phát triển thêm về dịch vụ, hoạt động văn hóa, giải trí mà cần khai thác những điểm mạnh riêng, tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách.

Trước thực tế không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn hoạt động không hiệu quả, quận Tây Hồ đã thay đổi phương thức tổ chức hoạt động theo cách thu gọn quy mô. Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ được chuyển đổi thành không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ. Mới đây, quận cũng tổ chức khai trương Trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch của quận Tây Hồ.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn từ lâu đã vắng người qua lại.

Bà Phùng Thị Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, đơn vị thường trực vận hành không gian văn hóa sáng tạo cho biết, không gian hiện không tổ chức gian hàng mà chủ trương phát triển dịch vụ tại các nhà dân, dịch vụ xung quanh. Phạm vi cũng mở rộng sang cả Thung lũng hoa Hồ Tây. Sau khi hoàn thành việc mở rộng đường Âu Cơ, quận Tây Hồ sẽ cải tạo toàn bộ giao thông tại không gian văn hóa sáng tạo, hệ thống hạ tầng xung quanh. Theo đó, quận cũng tổ chức nhiều hơn các hoạt động nghệ thuật.

Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cũng cho biết, năm 2024 phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận bước vào giai đoạn 2 với sự thay đổi đồng bộ, mạnh mẽ về diện mạo khi các dự án chỉnh trang xung quanh hồ Thiền Quang; tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị kiến trúc, nghệ thuật, thắng cảnh hồ Thiền Quang và di tích chùa Quang Hoa, chùa Thiền Quang, chùa Pháp Hoa hoàn thành. Quận hy vọng, hoạt động không gian đi bộ khu vực Trần Nhân Tông sẽ phát huy giá trị vốn có của khu vực.

Các không gian khác cũng đang cố gắng tìm cho mình hướng đi hiệu quả, trong đó tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm kéo khách đến tham quan, trải nghiệm. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, sau thành công của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, các quận triển khai nhiều tuyến phố đi bộ khác, đó là điều tốt. Tuy nhiên, do sự chủ quan và thiếu khoa học trong triển khai nên tính hưởng ứng của cộng đồng chưa cao. Bởi vậy, việc đưa ra giải pháp để tăng tính hiệu quả cho các không gian đi bộ này hiện rất khó khăn. Theo ông, nếu các không gian nào hoạt động hiệu quả thì có thể chuyển đổi hoặc dừng hoạt động, tránh tình trạng mở ra không hiệu quả, gây lãng phí.

Hà Nội đang thiếu các không gian công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, trong khi đó nhiều không gian đi bộ lại hoạt động không hiệu quả. Điều đó các quận cần có những giải pháp hiệu quả, đồng bộ để tái thiết lại không gian đi bộ đưa vào phục vụ nhân dân và du khách.

 

Bài, ảnh: Minh Ngọc
Phố đi bộ hồ Gươm vẫn đông du khách dù thời tiết nắng nóng
Phố đi bộ hồ Gươm vẫn đông du khách dù thời tiết nắng nóng

Khác với cảnh vắng bóng người trong 2 ngày đầu kỳ nghỉ lễ, ngày 29/4/2024 (ngày thứ ba của kỳ nghỉ), lượng du khách trong nước và quốc tế đến với phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội) đã dần đông trở lại, dù thời tiết vẫn oi nóng và nền nhiệt tăng cao vào buổi trưa.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN