Do đó, hiệu quả và chất lượng của quá trình phát triển hệ thống đô thị vùng sẽ lan toả, có tính quyết định đến sự phồn vinh của một vùng cũng như quốc gia. Đầu tàu ấy, sắp tới hứa hẹn sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa khi rất nhiều doanh nghiệp nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đang rất kỳ vọng quy hoạch đô thị sông Hồng được thực hiện - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đặc biệt, ngày 5/5/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết nêu rõ, Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Bên cạnh đó, nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh.
Hạ tầng đồng bộ, định hướng quy hoạch trục cảnh quan hai bên bờ sông Hồng tạo môi trường sống thuận lợi với những đại đô thị đầy đủ tiện ích đang là xu hướng đặc biệt tại thị trường bất động sản Thủ đô.
Với lợi thế là vị trí điểm đầu kết nối vùng vùng Thủ đô, ông Nghĩa nhận định, phía Đông Hà Nội với tâm điểm sông Hồng là nơi thích hợp nhất và hiện cũng đang sở hữu những yếu tố không gian hiện đại để trở trành trung tâm của chuỗi cung ứng dịch hỗ trợ, hoạt động thương mại, sản xuất công nghiệp giá trị gia tăng cao, thu hút hàng vạn chuyên gia, nhân sự cao cấp và người lao động cùng với các dịch vụ hỗ trợ đi kèm.
Cùng đó, các dự án nhà ở, nổi trội là khu vực phía Đông sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc di dân từ khu vực nội đô lịch sử tới các quận giáp ranh sinh sống với việc đi lại thuận tiện và điều kiện hạ tầng tốt hơn, cùng giải pháp quy hoạch xây dựng, đầu tư hệ thống mới, xây dựng nhà ở với chi phí hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, mở rộng không gian xanh, nâng cao chất lượng môi trường sống trong đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái…
Tiến sỹ - Kiến trúc sư Trương Văn Quảng - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam nhận xét: "Sông Hồng được coi là trục xanh, trục cảnh quan chính của đô thị, nhưng có rất nhiều lý do mà đến nay chúng ta chưa khai thác được cảnh quan đó. Mặc dù trong ý tưởng không gian đô thị đã nhiều lần đề cập nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của sông Hồng.
Hà Nội trước đây có xu hướng phát triển nghiêng về phía Tây, bởi toàn bộ kết nối sang phía Bắc, xuôi về phía Nam, vượt qua sông Hồng chưa thể cải thiện được cơ sở hạ tầng, cùng với nhiều lý do khác. Thời gian tới, Hà Nội sẽ phát triển nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng và tạm thời khu vực phía Tây sẽ chững lại, bắt đầu sang phía Đông và phía Bắc, là cơ hội để phát triển gắn với mô hình tăng trưởng cấu trúc đô thị mà Chính phủ đã phê duyệt trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tại khu vực phía Bắc ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để xây dựng thúc đẩy phát triển mang tầm cỡ quốc tế, bởi khu vực đó có lợi thế về vị trí địa lý, nằm trên hành lang kinh tế đô thị quan trọng từ Côn Minh đến Hải Phòng, Quảng Ninh.
Đây là một hành lang kinh tế đặc biệt quan trọng xuyên suốt từ phía Bắc và vùng Duyên hải, đồng thời chúng ta còn có đầu mối giao thông quan trọng là Cảng Hàng không Nội Bài vì vậy toàn bộ đô thị sẽ hướng ra biển, thông qua hành lang duyên hải Bắc bộ hướng ra cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng.
Do đó, có thể kết nối kinh tế đặc biệt ở khu vực này với những đô thị, những tỉnh phát triển năng động như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, hiện nay có thêm Thái Nguyên, Bắc Giang. Khu vực này đều có lợi thế về điều kiện tự nhiên, để xây dựng kết nối hạ tầng và mối quan hệ khu vực, quốc tế quan trọng, thuận lợi.
Từ các yếu tố, lợi thế trên, có thể phát triển về phía Bắc và phía Nam Hà Nội, trả lại cho không gian xanh cho thành phố và khai thác quỹ đất dọc hai bên bờ sông Hồng; đồng thời, có cơ hội để cải thiện những điều kiện về cảnh quan môi trường của Thủ đô, cải thiện toàn bộ những vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông, tạo ra không gian đô thị tốt hơn.
Những mô hình phát triển đô thị trong tương lai sẽ tạo ra một trung tâm mới, hiện đại, khang trang phía Bắc sông Hồng; tạo ra những không gian cảnh quan sân chơi, những công trình dịch vụ tiện ích của đô thị. Khi đó tương lai của sông Hồng sẽ rất xứng tầm với quy hoạch, Thủ đô nghìn năm văn hiến - ông Quảng nhấn mạnh.
Đại diện Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia - bà Phạm Thị Nhâm chia sẻ, vì nhiều lý do, những năm trước đây, thành phố Hà Nội chủ yếu phát triển bờ Nam sông Hồng. Quy hoạch sông Hồng được thành phố Hà Nội vừa thông qua phù hợp, có tính khả thi cao với cách tiếp cận theo hướng phát triển không chất tải, dồn nén các khu đô thị mà tích hợp các giải pháp hài hoà, biến không gian hai bên bờ sông thành lõi xanh của thành phố.
Đây sẽ là dấu mốc lịch sử, từng bước để thành phố Hà Nội mạnh dạn phát triển vượt qua sông Hồng, biến hai bên bờ sông trở thành những đô thị lớn, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội xứng tầm trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc - bà Phạm Thị Nhâm đánh giá.
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện từ quy hoạch đến thực tiễn, bà Nhâm cho rằng, quan trọng nhất cần có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hai bên bờ sông với thông tin minh bạch, có sự tham gia của người dân, các nhà khoa học để khi triển khai các dự án, chính quyền cần thực hiện đối thoại với người dân.
Quy hoạch và phát triển đô thị cần dựa trên quan điểm phát triển bền vững. Đặc biệt, thiết kế đô thị đối với hệ thống đê điều để người dân từ các phố phường trong nội thành tiếp cận dễ dàng với dòng sông; tổ chức mạng lưới quảng trưởng mở, không gian tụ hội dành cho các lễ hội âm nhạc, thời trang, sự kiện văn hoá, giao lưu quốc tế lớn của quốc gia và cư dân thành phố.
Mặt khác, đô thị hoá 2 bên sông Hồng trên địa bàn Hà Nội cần phải tôn vinh các giá trị văn hoá; thiết lập không gian cảnh quan kết nối và bảo vệ các di tích lịch sử, di sản văn hoá định cư của người Việt còn lưu giữ lại ở những làng ven sông; tạo dựng thêm giá trị văn hoá mới, hiện đại, thân thiện trong mỗi công trình mới, mỗi khu vực đô thị mới. Cái cũ và cái mới phát triển tiếp nối, cộng sinh trong không gian sinh thái gắn với dòng chảy sông Hồng.
Cùng đó, nâng cao vị thế Hà Nội, cạnh tranh với Thủ đô các nước ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xu hướng mở rộng không gian đô thị Hà Nội về phía Đông hướng ra biển lớn là tất yếu nhằm khẳng định vị thế Thủ đô, nâng cao sức cạnh tranh với thủ đô các nước ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đó, việc lựa chọn dự án đầu tư xây dựng 2 bên bờ sông Hồng cần chú trọng hình thành các trọng điểm kinh tế mới, thay vì lựa chọn chức năng nhà ở thuần tuý. Không gian chức năng đô thị 2 bên sông và cây cầu kết nối đều phải là những biểu tượng mới về kiến trúc cảnh quan đô thị xanh, thông minh, hiện đại; điểm sáng của Trung tâm mới về kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ tạo nên những đòn bảy, cú hích đột phá phát triển vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ và thực hiện Chiến lược đổi mới nền kinh tế quốc gia, cạnh tranh toàn cầu.