Tại buổi tiếp, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao những hỗ trợ của WB đối với Hà Nội thời gian qua, khẳng định đây là những đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển của thành phố. Những năm qua, Hà Nội luôn coi WB là đối tác quan trọng, không chỉ là nguồn vốn cho các dự án, mà còn nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, giúp thành phố tiếp cận các nguồn tri thức tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá 11 chương trình dự án được WB tài trợ - với tổng trị giá khoảng 269 triệu USD - tới nay đều đã hoàn thành và mang lại hiệu quả tốt.
Chia sẻ về tình hình phát triển của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, kinh tế Hà Nội trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,39%, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người của thành phố là 5.420 USD, gấp 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước. Hà Nội đóng góp khoảng 16% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho cả nước, 18,5% tổng thu ngân sách nhà nước, 8,6% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước.
Dù chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19, GRDP 9 tháng của Hà Nội tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020, thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 91,5% kế hoạch Chính phủ giao. Trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, thành phố đang tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Hiện, thành phố đã tiêm mũi thứ nhất cho hơn 92%, mũi hai cho hơn 54% người trên 18 tuổi; sắp tới sẽ tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Trong bối cảnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thành phố đã sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển vượt bậc, với định hướng phát triển thành Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại, xây dựng thành phố thông minh, giữ vững danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", duy trì tốc độ phát triển nhanh và bền vững. Để đạt mục tiêu này, Hà Nội sẽ cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn viện trợ không hoàn lại (ODA), vốn vay ưu đãi, trong đó, WB sẽ là một trong những nhà tài trợ lớn.
Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, mọi nỗ lực phát triển Hà Nội phải đồng đều, hài hòa, bền vững, trong đó phải thể hiện được vị thế của thành phố là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, công nghệ, là trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng Bắc Bộ. Do vậy, thành phố Hà Nội sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi những tính toán mang tính chiến lược. Trong đó có những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều khó khăn như: xây dựng quy hoạch, xử lý nước thải, ô nhiễm không khí, cải thiện hạ tầng giao thông, xây dựng chính quyền số, bảo tồn di tích... Vì thế, các hỗ trợ về tài chính, các dự án kỹ thuật… đều rất quan trọng lúc này.
Phát biểu tại buổi tiếp, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới cho rằng, những vấn đề mà Bí thư Thành ủy Hà Nội đề cập là hệ quả của tốc độ phát triển hết sức nhanh chóng mà Hà Nội đạt được trong những năm qua. Đây cũng chính là thời điểm phù hợp để thành phố mạnh dạn giải quyết những rào cản, trước khi những vấn đề này trở nên khó khăn và phức tạp hơn với sức tăng trưởng như hiện nay.
Bà Carolyn Turk cũng tán thành đề xuất thành lập tổ công tác hai bên, đồng thời đề nghị tiến hành các cuộc họp định kỳ để rà soát lại kết quả của từng nhóm. Bà Carolyn Turk khẳng định WB sẵn lòng hỗ trợ Hà Nội trong các bước tiến tương lai.
Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi về nhiều vấn đề cùng quan tâm, trong đó có khắc phục ô nhiễm không khí, xử lý nước thải, xử lý rác thải rắn; lộ trình xây dựng các tuyến đường sắt đô thị số 5 và số 6; cơ chế phân bổ vốn giữa các địa phương trong vùng Thủ đô, nỗ lực xây dựng đô thị thông minh…
Xuyên suốt các vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ rõ vai trò quan trọng của nỗ lực phối hợp xây dựng chương trình hành động hai bên, trong đó trọng tâm là xây dựng quy hoạch thống nhất cho vùng Thủ đô, coi đây là tiền đề, nền tảng cho các nỗ lực phát triển của Hà Nội trong tương lai. Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn, sự hợp tác giữa Hà Nội và WB sẽ ngày càng chặt chẽ, có được những dự án cụ thể, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô.