Giải quyết kiến nghị của công nhân lao động phải nhìn thấy kết quả và phải có chuyển biến. Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại hội nghị này.
Thiếu nhà ở xã hội
Hiện trên địa bàn Hà Nội có trên 270.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động. Việc thực hiện cơ chế ba bên giữa Công đoàn - Người sử dụng lao động - Người lao động ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn. Với tinh thần nỗ lực vượt khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh, tình hình đời sống và việc làm của công nhân lao động vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Nổi cộm và cấp thiết nhất trong nhiều năm qua của đoàn viên, người lao động là tình trạng nhà ở còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động. Họ rất mong muốn được mua nhà ở xã hội với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp.
Hiện, trong số 10 khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc; với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động (hơn 80% là lao động ngoại tỉnh), chỉ có 3 khu công nghiệp có dự án nhà ở, đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của người lao động. Do vậy, hơn 80% lao động còn lại chưa có nhà ở, đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư với diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...
Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng phục vụ công nhân hầu như chưa có. Tình trạng thiếu trường phổ thông trung học, cùng với cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu Hà Nội mới được thi vào trường phổ thông trung học công lập đã gây khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường dân lập với chi phí tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập.
Vấn đề còn tồn tại nữa của Hà Nội hiện nay là tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội lại tăng cao; nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Đến đến hết tháng 4/2024, toàn thành phố có 93.539 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền chậm đóng là 5.821 tỷ đồng. Tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người lao động….
Sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành
Có thể thấy, việc tổ chức Hội nghị đối thoại năm nay tiếp tục khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, các cấp, các ngành đối với tổ chức Công đoàn và đội ngũ đoàn viên, người lao động; phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Hàng loạt ý kiến, kiến nghị được công nhân lao động nêu lên với mong muốn tiếp tục được lãnh đạo UBND thành phố và các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết tích cực, hiệu quả, giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc. Người lao động và các cấp Công đoàn cơ sở đã gửi hơn 600 ý kiến, kiến nghị đến Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân lao động năm 2024; trong đó, vẫn tập trung vào một số nhóm vấn đề như: Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm, hạ tầng khu công nghiệp, đào tạo nghề…
Anh Nguyễn Văn Nam (Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á) phản ánh, sau dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Đặng Xá thì huyện Gia Lâm không còn dự án nhà ở xã hội, trong khi trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khiến nhiều công nhân, vợ chồng trẻ phải đi thuê nhà trọ rất vất vả.
"Chúng tôi rất mong muốn thành phố sớm có cơ chế chính sách để công nhân được thuê, mua nhà ở với giá cả phù hợp với thu nhập của người lao động hiện nay", anh Nguyễn Văn Nam kiến nghị.
Cùng đề cập đến thực trạng khó khăn về nhà ở, anh Nguyễn Thịnh (Công ty Cổ phần kết cấu thép Bình Phú), hay anh Phan Chí Thành (Công ty TNHH Canon Việt Nam), chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (Giáo viên Trường Trung học cơ sở Cổ Đông) cũng kiến nghị thành phố sớm có giải pháp giải quyết vướng mắc xoay quanh câu chuyện về thủ tục đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, nhất là các chính sách hỗ trợ tín dụng…
Lần thứ 5 tham dự Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với công nhân lao động, anh Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Meiko Việt Nam bày tỏ sự vui mừng và phấn khởi bởi đây là cơ hội để người lao động được nói lên tâm tư, nguyện vọng đến lãnh đạo thành phố. Qua các lần đối thoại trước, có nhiều kiến nghị được các cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết rất nhanh, góp phần đảm bảo quyền lợi, việc làm cho người lao động.
Tại hội nghị, công nhân lao động cũng phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường, đề nghị các cơ quan chuyên môn liên quan nghiên cứu cải tiến việc nhận và trả kết quả trong quy trình thực hiện các hồ sơ liên quan đến chế độ chính sách đối với người lao động; việc hỗ trợ nhân viên chăn nuôi thú y cấp xã được tham gia bảo hiểm xã hội; xem xét hỗ trợ cho cán bộ, công nhân viên, lao động ngành thủy lợi của thành phố được hưởng mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng; hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng; khó khăn đối với việc nhập khẩu cho trẻ mới sinh...
Công nhân lao động cũng đề nghị thành phố kiến nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng lao động trực tiếp; tăng quyền lợi để thu hút người lao động tham gia và giảm số người rút bảo hiểm xã hội một lần. Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động…
Chia sẻ thêm với công nhân lao động, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, những người rút bảo hiểm xã hội một lần có thể giải quyết được khó khăn trước mắt nhưng trong trường hợp không may, khi về già họ lại thành gánh nặng cho con cháu, lao động mà không có lương hưu, tự mình rời bỏ an sinh, ý nghĩa tốt đẹp của bảo hiểm xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động và Công đoàn cơ sở; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị liên quan. "Việc gì làm ngay thì phải xác định được thời gian, việc gì cần nghiên cứu thì phải có lộ trình, rõ quan điểm, cách làm. Giải quyết vướng mắc của công nhân lao động phải nhìn thấy kết quả, đong đếm, nhìn thấy được và phải có chuyển biến", lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo.
Với tinh thần cầu thị và sự cởi mở của người đứng đầu chính quyền Hà Nội, nhiều công nhân lao động có mặt tại hội nghị đã bày tỏ sự xúc động trước sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo thành phố và các cấp Công đoàn, doanh nghiệp tới đội ngũ công nhân lao động. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định sẽ cùng với Liên đoàn Lao động thành phố triển khai công việc bằng trách nhiệm cao nhất, giải quyết kiến nghị nhanh nhất để đáp ứng hơn nữa mong muốn của công nhân lao động.