Ông Phạm Quang Thanh, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội cho biết: Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ Đại hội, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) và của tổ chức Công đoàn Việt Nam; khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là dịp để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ cùng nhân dân cả nước ôn lại, phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng hành cùng với sự hình thành và phát triển 95 năm qua của Công đoàn Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Thủ đô. Ngày 31/7/1946, Liên hiệp Công đoàn Hà Nội chính thức được thành lập thay cho Hội Công nhân cứu quốc.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) cùng một lúc công nhân lao động Hà Nội đã triển khai cuộc đấu tranh cách mạng trên tất cả các mặt trận: Chính trị, quân sự, kinh tế vừa để đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của địch, vừa góp phần quan trọng trong xây dựng bảo vệ chế độ. Ở mọi thời điểm và hoàn cảnh, công nhân Hà Nội đã thể hiện đậm nét tinh thần cách mạng đó là tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Hà Nội đã phát động, thực hiện nhiều phong trào thi đua, điển hình là phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong khoa học kỹ thuật; phong trào “Vượt định mức dành 3 điểm cao”…
Sau khi thống nhất đất nước (1975), các cấp Công đoàn Thủ đô cùng với phong trào công nhân cả nước thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn cả nước. Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra là “Phát động, tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất và tiến quân vào khoa học, kỹ thuật với khí thế cách mạng sôi nổi và tinh thần hăng hái như đánh giặc cứu nước”; thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ năm 1986 đến nay, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô và đất nước, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Công đoàn các cấp, các cấp Công đoàn Thủ đô đã vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chức năng ngày càng có hiệu quả; khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong hệ thống chính trị và trong xã hội, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn Thủ đô và phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn của cả nước.
Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, trong lịch sử 95 năm xây dựng và trưởng thành của tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn thành phố Hà Nội nói riêng luôn có sự đóng góp quan trọng của các Công đoàn cơ sở và cán bộ Công đoàn cơ sở. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội, đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Thủ đô ngày càng phát triển lớn mạnh.
Hoạt động của các Công đoàn cơ sở từng bước đi vào nền nếp và ổn định hơn, thực chất hơn, tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động... Có được kết quả trên, không thể không nhắc tới đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở nói chung, đặc biệt là 95 Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu đại diện cho trên 9.000 Chủ tịch Công đoàn cơ sở được các cấp Công đoàn, đoàn viên, người lao động lựa chọn, tuyên dương.
“Đây là những tấm gương sáng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ của các thế hệ cán bộ Công đoàn Việt Nam, có nhiều sáng tạo và sự trưởng thành vượt bậc trong công tác chuyên môn và hoạt động công đoàn tại cơ sở; có nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả, nhất là phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; nỗ lực phấn đấu xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, đồng hành cùng đội ngũ công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân và toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) và là một trong những hoạt động chào mừng lỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội phát động và triển khai Hội thi “Công đoàn Hà Nội - Hành trình xây dựng và phát triển” trong CNVCLĐ Thủ đô.
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định, hành trình 95 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Việt Nam luôn làm tốt nhiệm vụ vận động, tổ chức công nhân lao động đoàn kết dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, trung thành với lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc, quyền lợi giai cấp công nhân và người lao động, phấn đấu không ngừng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Từ kết quả phong trào CNVCLĐ, hoạt động Công đoàn Thủ đô đã đóng góp quan trọng giữ vững ổn định chính trị và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6% (cùng kỳ tăng 5,97%). Công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị được đẩy nhanh; Thành phố đã khởi công nhiều công trình, dự án, đặc biệt là dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo. Đã xây dựng, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua; hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065…
“Đóng góp vào những kết quả chung của Thành phố, Thường trực Thành ủy đánh giá cao những cống hiến to lớn của tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ Thủ đô”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước; để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và của cả nhiệm kỳ, lãnh đạo Thành phố mong muốn các cấp Công đoàn cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt một số nội dung.
Trước hết, Công đoàn tiếp tục tập trung thực hiện các chức năng cốt lõi của tổ chức là chú trọng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đời sống văn hoá, tinh thần, khen thưởng, xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, giám sát hợp đồng lao động... xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, thực chất trong doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
“Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ đoàn viên, công chức, viên chức,người lao động phát triển toàn diện về trí tuệ, sức khoẻ, kỹ năng lao động, phong cách làm việc, sẵn sàng tiếp cận với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tri thức mới, đáp ứng yêu cầu 4.0; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô, đưa năng suất chất lượng lao động của Thủ đô đứng đầu cả nước”, bà Nguyễn Thị Tuyến lưu ý.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn phải chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu. Các phong trào cần hướng về cơ sở, quan tâm đến cán bộ Công đoàn cơ sở, tập thể và người lao động trực tiếp ở cơ sở; lấy cơ sở là địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy người lao động là đối tượng phục vụ.
Trước giờ diễn ra Chương trình kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) và tuyên dương Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu, diễn ra Lễ khai mạc Trưng bày ảnh với chủ đề “Công đoàn Hà Nội tham gia xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Theo đó, hơn 100 bức ảnh trưng bày được chia ra làm 6 cụm hình ảnh với các nội dung: Bác Hồ với tổ chức Công đoàn và công nhân lao động Thủ đô; lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội với Công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động Thủ đô; hoạt động và công tác chăm lo của các cấp Công đoàn Thủ đô với đoàn viên, người lao động; Hội thi thợ giỏi, luyện tay nghề và các phong trào thi đua của các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội; phát huy truyền thống vẻ vang, công nhân, viên chức, người lao động, đoàn viên Công đoàn Thủ đô hăng say lao động, sản xuất góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển; tự hào Thủ đô Hà Nội hôm nay…