Tác phong nhanh nhẹn, tiếng cười sảng khoái và nụ cười đôn hậu của bà khiến tôi cảm thấy bất ngờ. Dường như năm tháng đã từ lâu không đi cùng với người phụ nữ này, nhìn bà không ai có thể nghĩ trước mắt mình là một người phụ nữ đã gần 80 tuổi, luôn tích cực cống hiến cho Thủ đô, vì Hà Nội đẹp hơn, đáng sống hơn.
Tinh thần hết lòng vì dân
Sinh năm 1943 trong một gia đình trí thức, sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nhận công tác tại Viện Khoa học tự nhiên (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Quá trình công tác, bà đã đảm nhiệm nhiều vị trí công tác: Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội; Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ Khoa học thành phố Hà Nội.
“Những người thầy, đồng nghiệp của tôi trong hàng chục năm công tác không chỉ truyền thụ kiến thức, phương pháp, niềm say mê khoa học cho tôi mà cách đối nhân xử thế và đạo đức nghề nghiệp của các thầy, các anh cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của tôi”, bà Bùi Thị An cho hay.
Khi đã nghỉ hưu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng chưa cho phép mình nghỉ ngơi, bà tiếp tục thực hiện trách nhiệm của một công dân với công tác xã hội của Thủ đô. Là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (2004-2011) và đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016) của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, bà đã dồn nhiều tâm sức và thời gian tham gia các hoạt động lập pháp, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của Thủ đô và đất nước.
Nhấp chén chè hương sen thơm ngát, bà bảo: “Là đại biểu dân cử thì vinh dự đấy nhưng cũng không ít trọng trách. Tôi luôn xác định phải làm việc với tinh thần hết lòng vì dân, phải đặt lợi ích của người dân lên đầu tiên, thể hiện được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tiếp nhận phản ánh của cử tri thì phải chủ động kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để giải quyết. Cần thiết thì phản ánh lên cấp cao hơn và nhất định phải giám sát đến cùng”.
Suy nghĩ đó của bà đã được thể hiện bằng các chất vấn, ý kiến thẳng thắn trên diễn đàn Quốc hội và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhiều cử tri, nhân dân cả nước. Cũng có những lời đề nghị bà phát biểu nhẹ nhàng hơn, nhưng “đang nói vào vấn đề rồi thì khó mà điều chỉnh được bởi lúc đó tôi chỉ nghĩ đến những tồn tại của xã hội và sự mong chờ của nhân dân”, bà Bùi Thị An cười vang chia sẻ.
Một cơn gió thổi từ phía Hồ Tây làm lật bức rèm cửa sổ đã kéo suy nghĩ của bà trở lại với Hà Nội. Giọng nói của bà rộn ràng hơn khi nói về tình yêu và sự mong mỏi của mình đối với mảnh đất mà bà đã gắn bó hàng chục năm qua. Bà háo hức kể cho tôi nghe về Hà Nội xưa với tình làng nghĩa xóm, với sự ấm áp, nghĩa tình, với những nét văn hóa đặc trưng không lẫn vào đâu của người Tràng An.
“Tôi luôn mong rằng Hà Nội sẽ ngày càng phát triển mà không làm mất đi những nét văn hóa quý báu của đất Thủ đô. Hà Nội nhất định phải có nét đặc trưng bởi đây là trái tim của cả nước. Một trái tim khỏe mạnh sẽ giúp một cơ thể khỏe mạnh. Hãy tập trung cho giáo dục bởi con người chính là then chốt của mọi sự phát triển”, bà Bùi Thị An tâm sự.
Tình yêu bền bỉ dành cho Hà Nội
Từ năm 2003, bà liên tục tham gia chủ trì và thực hiện nhiều đề tài, dự án về tài nguyên, môi trường đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường nước các hồ ở Hà Nội. Từ năm 2002 đến nay, bà đã tham gia 29 đề tài, dự án, trong đó có 20 đề tài, dự án được triển khai ở Hà Nội. Trên cương vị Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, bà đã và đang tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến cho thành phố về nhiều lĩnh vực (những vấn đề nóng và được xã hội quan tâm như: Tìm nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề tự cháy của các xe cơ giới; vấn đề về ma túy học đường, nhận diện và các biện pháp phòng ngừa...).
Tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, bà được giao theo dõi và chỉ đạo tư vấn, phản biện về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, nhằm đóng góp ý kiến cho việc xây dựng quy hoạch vùng cung cấp rau và thực phẩm sạch cho Thủ đô thông qua việc triển khai các dự án và tổ chức các lớp tập huấn (phối hợp với các trung tâm y tế một số quận, huyện như Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Ba Vì, Gia Lâm… tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, các trường mầm non, khu du lịch...), góp phần nâng cao kiến thức cộng đồng, đặc biệt là nông dân ngoại thành trong vấn đề bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, từ năm 2013 đến nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An đã tích cực đóng góp cho sự phát triển của Hội, luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… Hội Nữ trí thức Hà Nội là nơi tập hợp, quy tụ, phát huy trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ nữ trí thức Thủ đô làm việc trên tất cả các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học quản lý...
Thông qua những hoạt động đó, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An và tập thể lãnh đạo Hội Nữ trí thức Hà Nội đã thu hút, tạo điều kiện để các hội viên nâng cao năng lực, kiến thức, tạo điều kiện cho các nữ trí thức thành phố gắn kết, hỗ trợ nhau phát huy trí tuệ, năng lực của mình tham gia đề tài khoa học, tư vấn, phản biện chính sách, góp phần vào sự hoàn thiện của bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, những việc làm thiết thực của các hội viên Hội Nữ trí thức Hà Nội đã khẳng định vai trò đi đầu, nòng cốt của nữ trí thức cùng với phụ nữ Hà Nội trong công tác bình đẳng giới, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Với những đóng góp to lớn, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An đã được trao tặng Huy chương chống Mỹ hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp khoa học công nghệ; Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ; danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố (năm 2016); 3 Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (năm 2017, 2021, 2022); 3 Bằng khen Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (năm 2016, 2018, 2019); Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Năm 2020, bà được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen về thành tích trong hoạt động của Hội đồng tư vấn của UBND thành phố Hà Nội. Đặc biệt, cuối tháng 9 vừa qua, bà là một trong 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022”.
Trong hơn 1 tiếng đồng hồ, cuộc trò chuyện của tôi và bà luôn bị ngắt quãng bởi các cuộc điện thoại. Ngoài các nhân viên xin ý kiến thì hầu hết các cuộc điện thoại gọi đến hẹn gặp bà để xin tư vấn về mọi lĩnh vực. Thật kỳ lạ, bà sắp xếp lịch tiếp một cách nhanh chóng, khoa học, chính xác đến từng phút mà không cần mở sổ. Bà nhiệt tình trả lời các cuộc điện thoại mà chỉ loáng thoáng nghe tôi cũng biết toàn những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
“Có những vấn đề nhỏ thôi, nhưng nếu bỏ qua thì sự ảnh hưởng của nó sẽ rất lớn. Từ văn hóa ứng xử giữa con người với con người đến giao tiếp xã hội ở quy mô lớn hơn đều quyết định trực tiếp đến sự phát triển của Thủ đô. Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp hôm 15/9, khi cho rằng, quan điểm cải cách hành chính của thành phố Hà Nội là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng con người vẫn là mấu chốt trong hệ thống đó”, bà Bùi Thị An nói.
Chiều muộn, lời hẹn gần cho những cuộc trò chuyện về Hà Nội đã được bà dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Hình như, trong bà vẫn còn vô vàn ý tưởng để làm cho Hà Nội đẹp hơn, đáng sống hơn. Thì ra, trong sự phát triển của Hà Nội luôn có một người lặng lẽ yêu Hà Nội theo cách “nhỏ” như vậy. Tình yêu bền bỉ ấy thật đáng quý, đáng trân trọng.