Quyết định này đã đưa ông Trump tiến gần hơn đến việc hiện thực hóa cam kết cách đây 4 năm, đó là khép lại những cuộc chiến “bất tận” của Mỹ ở nước ngoài. Theo đó, trước ngày 15/1/2021, Lầu Năm Góc sẽ cắt giảm quân số Mỹ tại Afghanistan từ 4.500 xuống 2.500 và quân số tại Iraq từ 3.000 xuống 2.500.
“Đưa lính Mỹ về nhà” là một trong những cam kết đáng chú ý của Tổng thống Trump khi ông chính thức nhậm chức hồi tháng 1/2017. Trong 4 năm qua, Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích các cuộc chiến dai dẳng của Mỹ tại nước ngoài, đặc biệt tại Afghanistan, và chỉ đạo tìm kiếm thỏa thuận để nhanh chóng rút toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại những "điểm nóng" như Afghanistan, Iraq hay Syria.
Tổng thống Trump cho rằng chính đảng Dân chủ đã tiến hành "những cuộc chiến tranh không cần thiết" và đặt gánh nặng của hoạt động can thiệp ở nước ngoài lên vai người dân Mỹ, thông qua các khoản thuế mà người dân phải nộp. Theo quan điểm của ông Trump, chính sách của các chính quyền đảng Dân chủ trước đây duy trì lực lượng quân đội Mỹ ở nước ngoài không mang lại lợi ích gì cho người dân Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Tổng thống Trump cũng dùng vấn đề này như một "lá bài" chỉ trích phe Dân chủ, đồng thời nhiều lần lặp lại cam kết đẩy nhanh tiến trình rút lực lượng Mỹ tại các quốc gia trên.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, nước Mỹ đã quyết định rút quân khỏi miền Bắc Syria, chỉ để lại lực lượng đặc nhiệm trên 1.000 quân ở quốc gia Trung Đông này. Tại Iraq, Tổng thống Trump cũng đã thu hẹp đáng kể quân số so với quy mô ban đầu trên 5.000 binh sĩ.
Đặc biệt, tại chiến trường Afghanistan, hồi tháng 2 vừa qua, Mỹ đã đạt được thỏa thuận lịch sử với lực lượng Taliban, mở đường cho tiến trình rút toàn bộ 13.000 binh sĩ Mỹ khỏi quốc gia Tây Nam Á này trong 14 tháng kể từ ngày ký kết. Thỏa thuận rút quân này được kỳ vọng có thể dẫn tới một cuộc đối thoại giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, mà nếu thành công, sẽ chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ ở Afghanistan kéo dài 19 năm qua.
Hồi tháng 7 vừa qua, Mỹ đã hoàn thành giai đoạn đầu trong thỏa thuận rút quân khỏi Afghanistan, theo đó giảm xuống còn 8.600 binh sĩ trong vòng 135 ngày. Sau đợt rút quân đầu tiên này, Washington tiến tới rút toàn bộ binh sĩ và tiến trình này có thể kéo dài trong vòng 1 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi.
Trên thực tế thì trong 4 năm qua, Washington đã tập trung vào việc di chuyển vị trí và tái định vị chiến lược của lực lượng khoảng 200.000 quân đồn trú ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Không chỉ ở các điểm nóng, với chủ trương "Nước Mỹ trước tiên", Tổng thống Trump đã quyết định rút 6.400 binh sĩ ra khỏi Đức với lý do toàn bộ gánh nặng ngân sách duy trì lực lượng và liên minh tại đây đè lên vai nước Mỹ và người dân Mỹ, trong khi Berlin không đóng góp phần trách nhiệm của mình cho ngân sách quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Giới phân tích cho rằng bất chấp Afghanistan và Iraq là những chiến trường "hao người tốn của" đối với nước Mỹ, song dường như Washington không đạt được những mục tiêu đề ra khi triển khai quân tới đây. Thậm chí, ở một phương diện nào đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ vô hình trung lại mang tới sự hỗn loạn cho các quốc gia này, và điều đó khiến hình ảnh và uy tín của Mỹ giảm sút.
Đơn cử như cuộc chiến tại Afghanistan, cuộc chiến kéo dài khiến Mỹ phải tiêu tốn tới hơn 1.000 tỷ USD. Quân đội Mỹ được triển khai đến đất nước Tây Nam Á này năm 2001, ngay sau vụ tấn công ngày 11/9, với mục tiêu được Washington đưa ra là tiêu diệt mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và lật đổ chế độ Taliban. Số lượng quân Mỹ tại đây tăng đều đặn, lên tới trên 110.000 người. Trong 19 năm chiến sự, Mỹ mất hơn 2.300 binh sĩ và khoảng 20.000 người bị thương. Hàng trăm người Afghanistan thiệt mạng trong các cuộc không kích của quân đội Mỹ mỗi năm.
Mặc dù Mỹ đã đạt được thỏa thuận với lực lượng Taliban, song tới thời điểm này, chưa thể nói tới an ninh và ổn định ở Afghanistan khi mà mới đây, ngày 2/11, ba tay súng đã xông vào Đại học Kabul và xả súng vào các lớp học trong vài giờ khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và khoảng 30 người khác bị thương. Sau đó, tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã nhận gây ra vụ xả súng đẫm máu này.
Tình hình cũng không khá hơn ở Iraq, nơi Mỹ triển khai quân từ năm 2003 với lý do "loại bỏ vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Saddam Hussein, người cũng bị Washington cáo buộc "hỗ trợ các phần tử khủng bố Al-Qaeda". Nhiều năm sau thời điểm chính quyền Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ, phương Tây thừa nhận không có bằng chứng về cái gọi là "vũ khí hóa học" ở Iraq. Đất nước chìm vào cuộc xung đột giáo phái tàn khốc, với hậu quả hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng. Trên 20.000 binh sĩ Mỹ được bổ sung đến Iraq để duy trì trật tự, song khủng bố, bạo lực, xung đột vẫn là câu chuyện thường nhật ở Iraq, chưa kể các vị trí của quân Mỹ trở thành mục tiêu tấn công.
Tối 17/11, ngay sau khi Tổng thống Trump ban bố lệnh rút 500 quân khỏi Iraq, ít nhất 4 quả rocket đã rơi trúng Vùng Xanh được bố phòng cẩn mật ở thủ đô Baghdad - khu vực gồm các tòa nhà chính phủ và các cơ quan ngoại giao nước ngoài. Còi báo động đã kêu tại Đại sứ quán Mỹ ở Vùng Xanh. Kể từ tháng 10/2019, gần 90 vụ tấn công bằng rocket và đánh bom ven đường gây thương vong đã nhằm vào các đại sứ quán, binh lính nước ngoài và các kho khí tài khác trên khắp Iraq.
Có thể nói những gì đang diễn ra ở cả Afghanistan và Iraq không hoàn toàn giống như tuyên bố của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Miller, cho rằng Mỹ đã đạt được các mục tiêu đề ra, đó là đánh bại các phần tử Hồi giáo cực đoan và hỗ trợ lực lượng an ninh sở tại nắm giữ vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực. Bởi vậy mà quyết định của Tổng thống Trump cũng gây ra phản ứng dữ dội tại Quốc hội Mỹ.
Riêng với Afghanistan, các quan chức cấp cao của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều lo ngại quyết định này sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia và đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình vốn mong manh giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cảnh báo kế hoạch của Tổng thống Trump sẽ trao cho các phần tử cực đoan một “chiến thắng lớn mang tính tuyên truyền”, đồng thời tạo khoảng trống để Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, cũng như để tổ chức IS tự xưng và mạng lưới Al-Qaeda trỗi dậy. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thì cho rằng việc Tổng thống Trump “vội vàng” rút quân mà không có sự phối hợp chặt chẽ với NATO có nguy cơ một lần nữa biến Afghanistan trở thành “mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố”. Bản thân Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cảnh báo về “cái giá rất đắt” của việc rút quân sớm vì IS có thể hồi sinh “vương quốc khủng bố” tại Afghanistan, sau khi chúng đã để mất ở Syria và Iraq.
Chung quan ngại trên, nhiều quan chức quân sự đã liên tục hối thúc Tổng thống Trump duy trì khoảng 4.500 binh sĩ tại Afghanistan như mức hiện nay. Các nhà phân tích cũng cho rằng các điều kiện trên thực tế hiện nay ở quốc gia Tây Nam Á không đảm bảo cho việc rút quân Mỹ khỏi đây khi Taliban đã không duy trì thỏa thuận với Mỹ về hòa bình ở quốc gia này. Bên cạnh đó, việc rút quân chóng vánh cũng có thể để lại hàng loạt thách thức mới đối với chính quyền tương lai của Mỹ.
Một luồng ý kiến khác, cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi những địa bàn trọng yếu như vậy sẽ tạo điều kiện cho các đối thủ cạnh tranh lợi ích với Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng. Điều đó càng khiến vị thế của Mỹ ở các khu vực quan trọng, như Trung Đông hay Trung Á, giảm sút.
Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11 vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng chiến lược rút quân và tránh can thiệp ở nước ngoài có thể giúp Tổng thống Trump giành chiến thắng, bởi hiện nay Mỹ đang gặp nhiều vấn đề ở trong nước hơn là ở nước ngoài. Đến thời điểm này, kết quả cuộc bầu cử vẫn chưa ngã ngũ, dù truyền thông Mỹ thông tin ứng cử viên Dân chủ Joe Biden là người đắc cử. Tình trạng không rõ ràng như vậy cũng ảnh hưởng tới việc thực hiện các quyết định của Tổng thống Trump, bao gồm cả kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan và Iraq. Chưa thể chắc chắn quyết định của Tổng thống Trump có được thực hiện hay không, nhưng trước mắt chúng đang gây chia rẽ và tranh cãi ngay trong nội bộ nước Mỹ.