Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tập kết chuẩn bị cho chiến dịch tấn công vào Afrin, Syria. Ảnh: Skynews
|
Trong những năm gần đây, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã nỗ lực giảm thiểu đáng kể sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào các vũ khí nhập khẩu.
Ngày 21/2, phát biểu tại Dinh Tổng thống, ông Erdogan nói: “Hầu hết các tàu sân bay đang hoạt động tại Afrin được sản xuất trong nước. Tôi gửi lời cảm ơn tới những người đã sản xuất chúng”. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cùng đồng minh của họ là phe nổi dậy Syria, đang tìm cách giành lấy Afrin từ tay lực lượng dân quân người Kurd mà Ankara cáo buộc là tổ chức khủng bố có liên hệ với nhóm nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan cho rằng việc các quốc gia khác không bán vũ khí hiện đại, bao gồm các máy bay không người lái được trang bị vũ khí, cho Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra cái chết cho các binh sĩ nước ông tại Afrin. Ông không chỉ đích danh quốc gia nào mà ông ám chỉ tới.
Năm 2017, ông Erdogan đã ban hành sắc lệnh tổng thống để đưa ngành sản xuất vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp nằm dưới sự kiểm soát của ông. Chính phủ đã đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng. Các dự án đầu tư khác cũng đang được triển khai. Theo tuyên bố của Tổng thống hồi tháng 1/2018 tại cuộc họp của Cơ quan phụ trách ngành công nghiệp vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ, “tổng cộng 55 dự án trị giá 9,4 tỷ USD đã được kiểm định”.
Nhà phân tích chính trị Atilla Yesilada của công ty Global Source Partners nói: “Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều tiềm lực tài chính, nhưng giờ đây họ đã có nguồn lực dồi dào và đảng cầm quyền AKP mong muốn hiện thực hóa dự án này. Đây là câu chuyện thành công của AKP. Chúng tôi từng mua tới 80% số vũ khí cần thiết từ nước ngoài; giờ đây chúng tôi đang tự sản xuất các súng trường, máy bay không người lái đơn giản và các xe bọc thép. Điều này giúp tiết kiệm ngoại tệ, phát triển ngành công nghiệp vốn có tiềm năng xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài”.
Việc cắt giảm sự phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu là ưu tiên trọng tâm của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch ở Afrin là lời nhắc nhở với Ankara về tính chất tổn thương của sự phụ thuộc đó. Đức đang ngăn chặn việc nâng cấp các xe tăng Leopard của Thổ Nhĩ Kỳ do Đức sản xuất bởi chúng được sử dụng trong chiến dịch Afrin.
Tuy nhiên, chiến dịch Afrin cũng cho thấy tiến bộ trong ngành vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà phân tích quốc phòng Metin Gurcan, người cũng phục vụ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nói: “Hiện có nhiều công nghệ vũ khí mới. Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển các máy bay không người lái được trang bị vũ khí, các trực thăng, đạn dược và lần đầu tiên chúng được thử nghiệm trên thực địa ở nước ngoài. Tôi chắc chắn rằng tất cả các hệ thống mới này sẽ được thử nghiệm và sau đó nâng cấp. Các hệ thống cho thấy hiệu quả trong chiến đấu sẽ có giá thành tăng lên”.
Cùng với việc gia tăng khả năng độc lập về mặt vũ khí chiến lược, Ankara cũng để mắt tới thị trường vũ khí quốc tế nhiều lợi nhuận. Giới phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể cố gắng và cạnh tranh với các ông trùm trên thế giới mà thay vào đó nên tìm kiếm thị trường thích hợp. Ông Gurcan nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng trở thành nhân tố quan trọng trong thị trường xuất khẩu vũ khí tại các khu vực như Trung Đông, Trung Á và châu Phi. Thổ Nhĩ Kỳ rất linh hoạt, sẵn sàng chấp nhận các đề xuất chuyển giao công nghệ sản xuất với giá thành rẻ hơn so với giá thị trường thông thường. Tôi cho rằng ngành công nghiệp vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên là nhà xuất khẩu mới có thể cung cấp các mặt hàng hiệu quả hơn, giá thành thấp hơn, được kiểm nghiệm trong trận chiến và ít phiền phức hơn cho các khách hàng”. Nhà phân tích Gurcan chỉ ra rằng Ankara đang sử dụng quan hệ ngoại giao gần gũi với các nước Trung Á và Qatar để giành được một số hợp đồng vũ khí.
Máy bay F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
|
Tuy nhiên, việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tiến gần tới mức giới hạn. Nhà phân tích Yesilada nói: “Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể tự sản xuất các vi mạch. Bởi vậy, khi sản xuất bất kỳ vũ khí nào đòi hỏi các mạch điện chuyên dụng, họ phải mua từ nước ngoài. Nếu bạn muốn sản xuất tên lửa dẫn đường, bạn không thể làm điều đó ở Thổ Nhĩ Kỳ bởi bạn không có ngành công nghiệp tương đương trong nước để có thể dựa vào kinh nghiệm của họ”.
Ngành công nghiệp vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã bắt đầu sản xuất bom thông minh, nhưng giới phân tích cho rằng chúng không có năng lực như các đạn dược được nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu. Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang chủ yếu dựa vào các đạn dược chuyên dụng như vậy trong chiến dịch ở Afrin, với hàng trăm lần xuất kích được tiến hành. Một nhà ngoại giao phương Tây biết rõ về vấn đề này cho biết Ankara bắt đầu hướng tới các đồng minh để bổ sung kho vũ khí đó.
Lấp đầy khoảng cách công nghệ là ưu tiên của Ankara. Họ coi việc chuyển giao công nghệ là ưu tiên chính để mua các vũ khí tiên tiến, đặc biệt là trong nỗ lực mua hệ thống tên lửa đất đối không. Một số giao dịch, bao gồm hợp đồng mua hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ, đã bị hủy bỏ một phần do tranh cãi về chuyển giao công nghệ. Lý do ở đây là bởi Ankara đưa ra quyết định gây tranh cãi về việc mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo họ đừng nên làm vậy với việc nêu ra các vấn đề về khả năng tương thích.
Huseyin Bagci, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Trung Đông ở Ankara, nói: “Đây là thỏa thuận đã hoàn tất. Thổ Nhĩ Kỳ đã trả 40% hợp đồng và phần còn lại là khoản cho vay của Nga, và đợt chuyển vũ khí đầu tiên sẽ diễn ra trước năm 2020”.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Moskva đã đáp ứng các yêu cầu chuyển giao công nghệ của Ankara hay chưa và chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được nắm rõ. Chuyên gia Bagci cho rằng ngành công nghiệp vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt đến mức tới hạn. Ông nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đang mua các máy bay chiến đấu lớn, bom thông minh... và bán các đạn pháo nhỏ... Một điều chắc chắn rằng Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn chưa phải ông trùm sản xuất vũ khí”.