Bãi phóng vệ tinh Dongchang-ri tại Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan, Triều Tiên. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Phát biểu với một nhóm nhà báo tại Seoul, ông Siegfried Hecker, Giáo sư Đại học Standford, khẳng định: "Bằng chứng đã quá rõ ràng rằng Triều Tiên có khả năng sản xuất Triti". Trong chuyến thăm Triều Tiên năm 2010, ông Hecker đã được phép thăm cơ sở làm giàu urani Yongbyon.
Giáo sư Hecker nhận định: "Tôi tin rằng họ đã sản xuất được Triti. Trên thực tế năm 2016, đã có một số dấu hiệu cho thấy họ đang cố quảng bá về một trong các nguyên liệu chủ chốt để sản xuất triti, thứ gọi là Lithi-6... Vì vậy, rõ ràng họ biết cách chế tạo Triti".
Dẫn một hình ảnh từ vệ tinh thương mại, Giáo sư Hecker cũng cho biết có thông tin nói rằng Triều Tiên đã thêm ít nhất một xưởng sản xuất Triti vào một nhà máy hạt nhân cũ. Nhưng chuyên gia này bày tỏ nghi ngờ khả năng Triều Tiên có thể biến nguyên liệu trên thành vũ khí.
Ông nói: "Họ có thể chế tạo Triti, vì vậy có thể sở hữu nguyên liệu cơ bản cho một quả bom nhiệt hạch. Nhưng sẽ cần thêm nhiều thời gian nữa để có thể dùng nó chế tạo bom H".
Đầu năm 2016, Triều Tiên tuyên bố đã sử dụng một quả bom nhiệt hạch trong vụ thử hạt nhân lần thứ tư, dù họ không chứng minh cho thế giới thấy được điều đó.
Triti là phóng xạ đồng vị của hydro, hình thành nhờ các tia trong vũ trụ hoặc trong quá trình phản ứng tổng hợp hạt nhân. Các nhà khoa học thường sử dụng nó trong các lò phản ứng nhiệt hạch và máy phát neutron. Nó phát ra các điện tử thông qua sự phân rã beta, tạo lớp phốt pho để phát ánh sáng huỳnh quang mà không cần điện. Triti không thể xâm nhập qua lớp biểu bì của con người nhưng sẽ gây nguy hiểm nếu tiếp xúc qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa.