Có hay không một căn cứ quân sự bí mật của Mỹ ở Tunisia? Rất nhiều nguồn tin và bằng chứng thu thập được vài năm gần đây cho thấy câu trả lời là "có". Người ta không thể bỏ qua giả thiết đó chỉ là những “tin đồn”, như chính quyền Tunisia lâu nay vẫn khẳng định. Nhưng việc gia tăng rò rỉ thông tin liên quan trong khi chính phủ ra sức phủ định khiến cho nghi vấn ngày càng đậm nét.
Ảnh minh họa: Một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức. |
Tờ “Washington Post” số ra ngày 26/10 đã vén lại bức màn bí mật. Theo tờ nhật báo này, Lầu Năm Góc đã bí mật mở rộng mạng lưới các căn cứ không quân của Mỹ ở miền Bắc châu Phi, triển khai các phi đội máy bay không người lái từ căn cứ ở Tunisia thực hiện các nhiệm vụ gián điệp tại nước Libya láng giềng.
Tờ nhật báo, trích dẫn lời một số nhà lãnh đạo Mỹ giấu tên, chỉ rõ những chuyến bay đầu tiên của phi đội máy bay không người lái Reaper Air Force, xuất phát từ căn cứ ở Tunisia, đã được thực hiện vào cuối tháng 6/2016. Những chuyến bay này “đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc không kích của Mỹ nhằm vào sào huyệt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên đất Libya”.
Tờ nhật báo cũng cho rằng phi đội này đã thực hiện các nhiệm vụ tình báo ở Syrte, nơi mà Mỹ đã triển khai hơn 300 cuộc không kích từ tháng 8/2016.
Thời gian đầu, sứ quán Tunisia từ chối bình luận những thông tin đăng trên “Washington Post”. Sau đó thông qua các hãng tin Reuters (Anh) và TAP (Tunisia), Chính quyền Tunis kiên quyết phủ nhận những thông tin liên quan đến sự tồn tại của một căn cứ bí mật của Mỹ.
Bộ Quốc phòng nước này chỉ khẳng định đã tiếp nhận một số máy bay trinh sát và máy bay không người lái, tất cả đều “không được trang bị vũ khí” và dùng để phục vụ “việc luyện tập và giám sát dọc biên giới phía Nam”. Sự hiện diện của các binh sĩ nước ngoài được Tunis giải thích là nằm trong khuôn khổ của “hợp tác quân sự quốc tế”.
Rất nhiều lời giải thích và cải chính đã được Tunis đưa ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên nhiều “dấu vết” đã được phát giác kể từ năm 2013, khi các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin về việc xây dựng một căn cứ Mỹ tại một vùng kiểm soát quân sự thuộc Remada, miền Nam Tunisia, cách Tataouine 70 km về phía Nam. Trước đó vài tháng, thông tin về một sắc lệnh tổng thống cũng đã bị rò rỉ.
Theo nguồn tin thân cận văn phòng thủ tướng Tunisia thời đó, căn cứ này đã là tâm điểm cuộc thảo luận giữa tướng David M. Rodriguez, chỉ huy Bộ tư lệnh Mỹ ở châu Phi (Africom) và thủ tướng Tunisia Ali Larayedh, trong cuộc gặp của họ vào ngày 20/11/2013. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Tunisia đã phủ nhận hoàn toàn việc thành lập một căn cứ như vậy tại Remada.
Tháng 7/2015, báo "al Arab" xuất bản tại London đã dẫn một nguồn tin từ Italy khẳng định một căn cứ quân sự Mỹ sẽ được đặt tại Tunisia để thay thế cho căn cứ đang hoạt động ở Sicile. Theo tờ báo này, quyết định đó đã được thống nhất giữa Mỹ và Tunisia nhân chuyến thăm Washington vào tháng 5/2015 của Tổng thống Tunisia. Đó cũng chính là điều mà tờ "Washington Post" nêu ra vào tháng 10 vừa qua, theo đó “dự tính của Lầu Năm Góc đặt một căn cứ tại Tunisia có lẽ nằm trong biên bản ghi nhớ được Mohsen Marzouk e và John Kerry ký kết ngày 20/5/2015 tại Mỹ”.
Thế nhưng tại sao Chính quyền Tunisia lại kiên quyết phủ nhận thông tin đó? Tại sao việc hợp tác an ninh giữa hai quốc gia lại có thể gây ra sự khó xử đến vậy?
Kể từ khi giành được độc lập, Tunisia hậu cách mạng luôn muốn chứng tỏ mình không phụ thuộc vào bất kỳ một cường quốc nào, dù đó là Pháp, Mỹ hay các quốc gia vùng Vịnh. Trong điều kiện đó, tất cả các thỏa thuận hợp tác quốc tế với các cường quốc đều bị dư luận trong nước nghi ngại.
Trong 5 năm gần đây, sau khi Tổng thống Ben Ali buộc phải từ chức vào năm 2011, tình hình chính trị của Tunisia khá bất ổn khi nước này buộc phải trải qua quá trình chuyển giao quyền lực nhanh chóng giữa các chính phủ kế tiếp nhau vì không nhận được sự ủng hộ trong nước.
Hơn nữa, Tunisia hiện phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công của các nhóm phiến quân cực đoan và nhất là của IS. Trong bối cảnh đó, việc công nhận một thỏa thuận hợp tác an ninh với Mỹ có khả năng kích động những kẻ cuồng tín trong nước.
Trên phương diện quan hệ với các nước láng giềng, việc hợp tác quân sự với Mỹ - nếu như thật sự tồn tại – đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu Libya và Algeria nghĩ gì trước khả năng Mỹ điều khiển các máy bay không người lái từ miền Nam Tunisia thực hiện các chuyến bay do thám trên lãnh thổ của hai nước này?
Mọi việc có vẻ dễ dàng hơn với Libya vì chính phủ nước này sẵn sàng tiếp nhận mọi trợ giúp quốc tế cho cuộc chiến chống lại IS, ngược hẳn lại với Algeria khi nước này không hề mong muốn sự can thiệp của nước ngoài vào việc bảo toàn chủ quyền lãnh thổ. Tunisia nằm trong thế kẹt khi phải tìm cách dung hòa các mối quan hệ phức tạp, nhất là với nước láng giềng Algeria.
Với những lý do trên, hoàn toàn có thể hiểu được tại sao Chính quyền Tunis kiên quyết phủ nhận sự tồn tại của một căn cứ quân sự bí mật của Mỹ trên lãnh thổ của họ. Hơn nữa cho đến tận bây giờ, chưa ai có thể đưa ra bằng chứng chính xác và cụ thể để giải đáp nghi vấn đó.