Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, các tàu sân bay đã trở thành một trong những vũ khí quan trọng nhất của một lực lượng quân đội.
Yêu cầu về tài chính và công nghệ để đóng, triển khai tàu sân bay đồng nghĩa với việc chỉ có một vài quốc gia trên thế giới sở hữu năng lực phát triển và sản xuất phương tiện này.
Tờ Business Insider cho biết Mỹ có thể triển khai 11 tàu sân bay năng lượng hạt nhân. Trung Quốc đang thử nghiệm tàu sân bay thứ 3. Anh sở hữu 2 tàu sân bay mới. Một số quốc gia như Pháp, Nga và Ấn Độ sở hữu tối thiểu 1 tàu sân bay.
Nhưng câu chuyện về HMS Hermes, hàng không mẫu hạm hoạt động trong lực lượng hải quân hai quốc gia khác nhau trong 58 năm lại gây chú ý hơn cả.
HMS Hermes là tàu sân bay lớp Centaur bắt đầu được đóng từ năm 1944. Tuy nhiên, việc thi công bị hoãn lại trong vài năm và đến 1953 con tàu mới được hạ thủy. HMS Hermes “đầu quân” cho Hải quân Hoàng gia Anh từ năm 1959.
HMS Hermes có thể chở theo 5 phi đội máy bay quân sự cánh cố định và cánh quay. Nhưng đến đầu thập niên 1970, Hải quân Hoàng gia Anh quyết định chuyển hướng để HMS Hermes hoạt động như tàu tấn công đổ bộ. Không gian dành cho 800 binh sĩ được bổ sung và trực thăng trở thành chiến đấu cơ chính của HMS Hermes.
Vào đầu thập niên 1980, HMS Hermes tiếp tục được sửa đổi để dành cho nhiệm vụ chống tàu ngầm. Một hệ thống đường băng cất cánh kiểu nhảy cầu được bổ sung vào mũi tàu HMS Hermes. HMS Hermes trở thành chủ lực của hạm đội Anh khi góp mặt trong cuộc chiến tranh Falklands năm 1982.
Đến năm 1984, Anh quyết định cho tàu sân bay HMS Hermes về hưu nhưng đây không phải là dấu chấm hết của hàng không mẫu hạm này.
Năm 1983, Anh gợi ý bán HMS Hermes cho Australia nhưng Canberra đã từ chối. Đến năm 1986, Anh bán HMS Hermes cho Ấn Độ.
Sau khi trải qua quá trình sửa chữa, tàu sân bay HMS Hermes được đưa vào phiên chế hải quân Ấn Độ với tên gọi INS Viraat trong một buổi lễ được tổ chức tại Anh vào tháng 5/1987.
HMS Hermes trở thành chủ lực của Hải quân Ấn Độ và tham gia vào nhiều chiến dịch, bao gồm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Sri Lanka năm 1989 và cuộc xung đột Kargil năm 1999. INS Viraat còn tham gia vào cuộc tập trận thường niên Malabar với hải quân Mỹ, Ấn Độ và nhiều nước khác.
Sau gần 6 thập niên hoạt động cho hải quân 2 quốc gia, HMS Hermes (INS Viraat) chính thức “xuất ngũ” năm 2017. Sau nhiều năm chính phủ và các đơn vị tư nhân cố duy trì HMS Hermes với vai trò một bảo tàng tuy nhiên, tàu sân bay này bị phá dỡ vào năm 2021.