Quyết định được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến của ngoại trưởng 5 nước hôm 11/5. Trong tuyên bố chung được phát đi ngay sau đó, liên minh 5 nước cho biết sẽ tập trung đấu tranh, ngăn chặn hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng lãnh hải của Síp - nơi Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang thực hiện thăm dò trái phép tại vùng biển Địa Trung Hải thuộc chủ quyền Síp.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 14/5, Tập đoàn Dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi yêu cầu tới Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) do ông Fayez al-Sarraj đứng đầu và thân Ankara, đề nghị được quyền thăm dò khảo sát ở sườn Đông Địa Trung Hải. Ba ngày sau, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã có cuộc thảo luận về các bước đi hành pháp liên quan đến bản ghi nhớ trên.
Liên minh cũng lên án vi phạm ngày một leo thang của Ankara đối với không phận Hy Lạp. Hôm 3/5, Hy Lạp lên án hai máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ bay trên bầu trời các đảo của Hy Lạp, khẳng định hai chiến đấu cơ này có hành động uy hiếp máy bay trực thăng chở Bộ trưởng Quốc phòng và Tư lệnh lục quân Hy Lạp đang thị sát một đảo nhỏ trên biển Aegea.
Tuyên bố của liên minh cũng chỉ trích hành động can dự của Ankara ở Libya, cũng như những vi phạm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với hai thỏa thuận về hợp tác an ninh và quân sự được ký tháng 11/2019 giữa Ankara với GNA. Với sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ, GNA đã đảo ngược tình thế trên chiến trường, buộc chính quyền tự phong “Quân đội Quốc gia Libya” (LNA) của tướng Khalifa Haftar phải rút khỏi căn cứ không quân al-Watiya hôm 19/5.
Theo ông Tariq Fahmy, giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Cairo, liên minh 5 nước đã thành công trong việc đạt mục tiêu đầu tiên, đó là nêu quan ngại về Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng chứng là việc Ankara ngay trong ngày 11/5 đã ra tuyên bố phản đối 5 nước này, cáo buộc tuyên bố chung của “liên minh” có tính chất “tiêu chuẩn kép”.
Ông nhìn nhận sự tham gia của Pháp có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ Pháp được xem là một cường quốc trong Liên minh châu Âu (EU), có thể có đóng góp lớn trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt tiềm tàng nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ Síp trước các hành động xâm phạm của Ankara. Hơn thế, Pháp là ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và vì thế có quyền phủ quyết bất kỳ dự thảo nghị quyết nào lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ trong các diễn biến ở Libya.
Ai Cập và UAE công khai ủng hộ LNA, khẳng định không từ bỏ LNA, đồng thời ca ngợi nỗ lực của lực lượng này trong cuộc chiến chống các phần tử ly khai cực đoan ở Libya. Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron trong cuộc trao đổi với tướng Haftar ở Paris ngày 9/5 đã khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với LNA trong cuộc chiến chống khủng bố.
Giáo sư Fahmy nhận định việc Ankara tiếp tục có động thái ủng hộ GNA và mở rộng hoạt động thăm dò ở Địa Trung Hải có thể sẽ đẩy liên minh 5 nước chuyển sang giai đoạn “quân sự hóa”, thành lập một lực lượng quân sự chung để bảo đảm lợi ích của các nước này tại những nước liên quan. Nó cũng sẽ đẩy 5 nước tăng cường hợp tác nội khối về an ninh, chiến lược, thông tin tình báo chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn theo nhà nghiên cứu chính trị người Libya Hassan al-Hassi, thời gian tới sẽ chứng kiến sự hình thành của một số liên minh mới, như liên minh 5 nước nêu trên liên quan đến chiến dịch can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ GNA và đe dọa lợi ích các nước liên quan. Pháp sẽ tiếp tục ủng hộ và nâng cấp cấp liên minh vì muốn duy trì lợi ích tại Libya vốn đang bị can dự của Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa thông quan hoạt động hậu thuẫn của Ankara đối với GNA.