Đã xuất hiện những suy nghĩ lạc quan về quan hệ tốt lên giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Israel. Thời điểm dường như đánh dấu bước chuyển là khi hãng hàng không quốc gia El Al nối lại đường bay chở hàng tới Thổ Nhĩ Kỳ, với chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống Istanbul hôm 24/5 sau hơn một thập kỉ đứt quãng.
Quan hệ kinh tế giữa hai nước tiếp tục phát triển, theo hướng có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Việc nối lại dịch vụ hàng không của El Al là minh chứng cho xu hướng này. Cùng với đó, bất chấp việc có mâu thuẫn liên quan đến phái Hamas, hợp tác tình báo Thổ Nhĩ Kỳ-Israel vẫn được thúc đẩy. Giám đốc Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và người đồng cấp Israel Yossi Cohen đã hai lần gặp gỡ trong 10 tháng gần đây.
Những bận tâm của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông Địa Trung Hải, nơi Ankara có tranh cãi với Hy Lạp, Cyprus và Ai Cập về quyền khoan thăm dò đầu khí, đã tạo cảm hứng cho các cuộc thảo luận trong nội bộ Ankara về xích lại gần Israel.
Việc chính quyền Benjamin Netanyahu đứng ngoài tuyên bố được ký kết 2 tuần trước đây giữa Hy Lạp, Cyprus, Ai Cập lên án Thổ Nhĩ Kỳ có “hoạt động bất hợp pháp” về thăm dò khí đốt và theo đuổi “chủ nghĩa bành trướng” ở Đông Địa Trung Hải được xem là một tín hiệu cho thấy bước cải thiện trong quan hệ Tel Aviv-Ankara.
Thế nhưng đúng hôm El Al vận chuyển các mặt hàng y tế sang Thổ Nhĩ Kỳ để sau đó chuyển sang cho các bác sĩ Mỹ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lập tức lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Israel về sáp nhập gần một nửa khu Bờ Tây. Ông Tuyên bố, không cho phép vùng đất của người Palestine rơi vào tay người khác và khẳng định Jerusalem là “giới hạn đỏ với người Hồi giáo trên toàn thế giới”.
Trong một động thái được cho là mang nặng tính tuyên truyền, lấy lòng dư luận trong nước và thế giới Hồi giáo, ông Erdogan nói rằng ngày nay chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ là nước duy nhất lên tiếng bảo vệ người Palestine. Trật tự thế giới đã không đoái hoài đến vấn đề Palestine và bất lực trong việc đem lại hòa bình, công lý và an ninh cho vùng đất này.
Người buồn nhất có lẽ là đại biện lâm thời Israel tại Ankara, ông Roey Gilad. Trong bài viết đăng trên báo điện tử Halimziz của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/5, ông Gilad kêu gọi hai bên khôi phục lại việc bổ nhiệm đại sứ ở mỗi nước, vốn bị cắt đứt từ tháng 5/2018 sau khi Ankara yêu cầu Đại sứ Israel Eitan Na’eh rời đi sau diễn biến ở Gaza và quyết định của Mỹ di chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem.
Ông Gilad nhìn nhận hai nước không nhất thiết phải đồng thuận trong tất cả các vấn đề, quan trọng nhất là cả hai đều có những mối quan tâm chung, đó là tình hình Syria với can dự của Iran, Hezbollah – hai nhân tố đều đối đầu về lợi ích với Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lúc cần gạt bất đồng sang một bên và tập trung vào lợi ích song trùng, kẻ thù chung - ông Gilad nêu quan điểm.
Nhưng thực tế cho thấy, cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều chẳng có lý do gì để theo đuổi cách tiếp cận này, nhất là khi ông Benjamin Netanyahu theo đường lối cứng rắn còn tại vị. Ông Erdogan tin rằng quan hệ song phương Thổ Nhĩ Kỳ-Israel không thể bình thường hóa một khi ông Netanyahu nắm quyền và ông Netanyhu cũng nghĩ vậy về Erdogan.
Dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra tổ chức các cuộc đón tiếp giới chức hàng đầu của phong trào Hamas và tiếp tục can dự vào trào lưu chống Israel, bài Do Thái. Còn Israel dưới quyền của ông Netanyahu đã chẳng có bước đi hữu hảo nào, cộng với đó là việc nhất quyết từ bỏ giải pháp hai nhà nước trong xử lý vấn đề người Palestine.
Vướng mắc hiện nay nằm ở chỗ cả ông Erdogan và Netanyahu đều không tin rằng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Israel có thể bình thường hóa khi người kia còn tại vị. Một nguồn tin trong chính quyền Tel Aviv nhìn nhận, điều này là bình thường. Bởi lẽ khác với giai đoạn 1949-2010, Israel giờ không chạy theo Thổ Nhĩ Kỳ. Lợi ích của Israel đa dạng và ông Erdogan không thấy có điểm giao thoa về quyền lợi giữa hai bên.