Không giống với những lực lượng đặc nhiệm khác của Hải quân Nga có nhiệm vụ thọc sâu vào lòng địch, đơn vị người nhái đặc nhiệm này được giao trọng trách tìm kiếm và khống chế thợ lặn tấn công của đối phương.
Chiến sĩ Hải quân Nga trong một lần thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Sputnik |
Thông tin về hoạt động của lực lượng thợ lặn đặc nhiệm này ít được công chúng biết tới. Tuy nhiên gần đây, đài phát thanh Sputnik (Nga) đã dẫn lời một cựu sĩ quan về hưu hé lộ một phần công việc của đơn vị thợ lặn này. Theo đó, nhiệm vụ được cho khó khăn nhất là thoát ra khỏi tàu ngầm.
“Có 3 thợ lặn với đầy đủ thiết bị sẽ luồn vào ống phóng ngư lôi của tàu ngầm. Khi đã ở trong đó và cửa bị khóa lại, bạn sẽ thấy không bình thường. Sau đó cửa được mở ra và nước bắt đầu ùa vào. Về mặt tâm lý học, quá trình này không dễ dàng gì”, nhân vật giấu tên này cho hay.
Nguồn tin của Sputnik cũng tiết lộ rằng các thợ lặn đặc nhiệm này được giao khá nhiều nhiệm vụ đều đặn, bao gồm tìm kiếm bom mìn của kẻ địch. Các thợ lặn làm theo ca và họ được lên lịch dựa vào tình huống xảy ra quanh căn cứ quân sự. Đã từng có trường hợp nhiệm vụ của họ kéo dài trong vài tuần liên tiếp.
Các đơn vị chống phá hoại được điều động ở mọi căn cứ thuộc Hải quân Nga, bao gồm cả những cơ sở hải ngoại. Có thông tin rằng căn cứ quân sự Nga tại cảng Tartus (Syria) được bảo vệ bởi các đặc nhiệm người nhái của Hạm đội Biển Đen. Nhiệm vụ của họ bao gồm bảo vệ tàu chiến khỏi mìn và tuần tra khu vực ven bờ gần căn cứ. Một đơn vị chống phá hoại thường có chỉ huy, một thợ lặn cấp cao và người hướng dẫn, thợ lặn trinh sát, chuyên gia phá bom mìn và người vận hành radio.
Các thợ lặn chiến đấu được đào tạo thường xuyên tại căn cứ của Hạm đội Phương Bắc ở Gadzhiyevo, vùng Murmansk. Những cuộc tập trận dưới nước được tổ chức bởi Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội Baltic và Hạm đội Biển Đen ở Biển Caspi.
Lực lượng thợ lặn đặc nhiệm cũng từng tham gia vào chiến dịch chống khủng bố.
Để được gia nhập hàng ngũ “đặc nhiệm người nhái” này, các thí sinh phải đáp ứng được tiêu chuẩn về thể lực nổi trội và tinh thần thép. Sợ bóng tối hoặc sợ bị nhốt kín có thể ngay lập tức khiến một thí sinh bị gạch tên. Mọi thí sinh muốn gia nhập lực lượng phải trải qua vòng tuyển chọn khắt khe, sau đó họ phải trải qua qua nhiều khóa huấn luyện bao gồm lặn, định vị, hành quân bằng máy bay, kỹ năng bắn, sử dụng dao…
Những thợ lặn đặc công này được trang bị lượng vũ khí đặc biệt, bao gồm súng trường tự động dưới nước, súng lưỡng cư, súng phóng lựu D-65.
Các nhiệm vụ dưới nước thường yêu cầu loại vũ khí được thiết kế đặc thù. Ví dụ, súng trường lưỡng cư ADS dựa trên súng trường A-91M. Loại súng này có hai hệ hoạt động là “dưới nước” và “trong không khí” tạo điều kiện để được sử dụng linh hoạt.
Đối với nhiệm vụ tuần tra, thợ lặn Nga thường sử dụng tàu mới nhất Grachonok. Thông thường những thợ lặn đặc nhiệm này hoạt động gần căn cứ của họ, nhưng nếu cần thiết họ đi bằng máy bay đến những vùng được chỉ định.