Nhân viên trong Đội giám sát Kỹ thuật đang theo dõi các hoạt động địa chấn trong Căn cứ không quân Patrick. |
Đặt trụ sở tại Căn cứ Không quân Patrick (Florida), Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Không quân (AFTAC) hoạt động và duy trì Hệ thống Phát hiện Năng lượng Nguyên tử Mỹ.
Theo tờ USA Today, có mặt rộng khắp trên cả 7 châu lục, mạng lưới theo dõi trị giá 3 tỷ USD này với hơn 3.600 thiết bị cảm ứng công nghệ cao – bao gồm cảm ứng địa chấn, đầu thu sóng địa chấn dưới nước và máy phát hiện tia bức xạ điện từ Gamma – có nhiệm vụ giúp phát hiện các vụ nổ hạt nhân trong lòng đất, dưới nước và bầu khí quyển, không gian Trái Đất.
Thượng tá Ehren Carl – Chỉ huy trưởng Đội giám sát Kỹ thuật bao gồm 70 nhân viên phân tích các dữ liệu được truyền về - cho biết: “AFTAC nói chung và đội giám sát của tôi nói riêng, luôn sẵn sàng làm việc 24/7. Bất kể là chuyện gì xảy ra trên toàn cầu hay trường hợp cụ thể nào. Chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng 100%. Và nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ phát hiện ra nó”.
AFTAC là một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ theo dõi việc tuân thủ các hiệp ước cấm thử hạt nhân quốc tế.
Là nơi làm việc của hơn 1.000 nhân viên và gồm các cơ sở hoạt động rộng khắp thế giới, kết quả của AFTAC sẽ được trình lên cho Tổng thống Mỹ. Cụ thể đối với lần thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 4 và thứ 5 của Triều Tiên, qua hệ thống cảm ứng địa chấn, các kết quả về vụ thử trên đã được đưa tới Tổng thống đương nhiệm trong tháng 1 và tháng 9/2016.
Thượng tá Carl giải thích: “Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia trình độ cao tại đây, cả người trong quân đội lẫn dân sự. Chúng tôi đưa một tiến sĩ đến để xem xét những gì các chuyên gia phân tích phát hiện được. Và nếu ông ấy nói ‘Có một điều gì đó đã xảy ra’, thì những người còn lại trong đội sẽ bắt đầu phân tích dữ liệu, lấy mẫu thời tiết, lắp ghép các mảnh dữ liệu khác nhau để cho ra được thông tin kỹ thuật mà chúng tôi có nhiệm vụ phải tìm. Vào thời điểm đó, toàn bộ nhân viên phải tham gia làm việc cùng nhau. Chúng tôi chỉ có vài giờ để hoàn thành bản đánh giá và sẵn sàng đưa tới ban lãnh đạo đất nước”.
Trụ sở AFTAC được đặt trong căn cứ không quân Patrick (bang Florida). |
Trụ sở 158 triệu USD của AFTAC hoạt động chính thức từ tháng 3/2014. Trụ sở này bao gồm các phòng nhỏ và một phòng thí nghiệm hóa học phóng xạ rộng 3.530 m2.
AFTAC cho biết 2016 là năm đầu tiên mà cơ sở này phải phản ứng với nhiều vụ thử hạt nhân chỉ trong một năm, sau lần thử hạt nhân tại biên giới Ấn Độ - Pakistan trong năm 1998. Thượng tá Carl cho biết: “Năm ngoái thực sự là một năm với cường độ làm việc bận rộn nhất tại AFTAC suốt 20 năm qua”. 2016 cũng là năm mà các nhân viên tại AFTAC phải theo dõi và phân loại khoảng 700.000 hiện tượng thiên nhiên, từ sét đánh cho đến động đất, núi lửa phun trào.
AFTAC sử dụng máy bay WC-135 để thu thập các mẫu không khí xem có chứa phóng xạ hạt nhân hay không. Theo tờ Stars and Stripes, một trong những chiếc
máy bay “đánh hơi hạt nhân” đầu tháng 4 vừa rồi đã tới căn cứ không quân Kadena tại Okinawa (Nhật Bản), trong bối cảnh xuất hiện lời đồn đoán Triều Tiên sẽ thử hạt nhân trong lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.
Ngay sau lễ kỷ niệm một ngày, Triều Tiên cũng đã phóng thử một thiết bị nghi là tên lửa đạn đạo tầm trung, song thiết bị đó đã phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng một vài giây.
Vụ phóng tên lửa xảy ra trong khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có chuyến công du tới Hàn Quốc vài giờ sau đó. Đến thăm Khu phi quân sự ở biên giới liên Triều, Phó Tổng thống Mike Pence cảnh cáo “thời kỳ chiến lược kiên nhẫn của Mỹ đã chấm dứt". Trong ngày 19/4, khi tham quan tàu sân bay USS Ronald Reagan tại Nhật Bản, một lần nữa ông Pence nhấn mạnh
“gươm đã sẵn sàng” nếu Triều Tiên muốn tấn công. Ngay lập tức, Triều Tiên đăng tải đoạn băng tuyên truyền đe dọa tên lửa quốc gia này sẽ “xóa sổ một thành phố nước Mỹ”.