Quân đội Đức đã được điều động đến nhiều địa điểm từ Lithuania (Litva) tới Afghanistan và Mali. Bên cạnh đó Thủ tướng Merkel cam kết tăng ngân sách quốc phòng cho nước này. Tuy nhiên có một vấn đề cơ bản đó là hầu hết người dân Đức cảm thấy miễn cưỡng để đi theo con đường này.
Hải quân Đức hiện tham gia vào liên minh chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria |
Việc triển khai binh sĩ Đức ra nước ngoài bị hạn chế khá nhiều bởi luật và quốc hội của nước này. Trên tất cả, những thái độ này được định hình từ cái bóng của lịch sử.
BBC (Anh) cho biết người dân Đức rất nhạy cảm với quá khứ nhiều tội ác liên quan tới Phát xít. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, có rất nhiều tranh cãi về việc liệu Đức có nên duy trì lực lượng vũ trang hay không.
Vào thời kỳ còn tồn tại Đông Đức và Tây Đức, đã có sự khác biệt. Đông Đức lập ra quân đội nhân dân trong khi đó Tây Đức tạo ra Bundeswehr để phòng vệ cho lãnh thổ này và những người được tuyển dụng sẽ chỉ coi họ là “công dân mặc đồng phục”.
BBC dẫn lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Franz Josef Jung nhận định rằng “người dân Đức có quan điểm được hình thành bởi chủ nghĩa phản chiến”. Ông Josef Jung cho rằng Đức cần phải có chính sách mới để “vượt qua thách thức an ninh ở trong và ngoài nước”.
Sau khi nước Đức tái thống nhất vào năm 1990, Berlin đã có lần đầu tiên cử quân đội ra nước ngoài. Nhưng vào năm 2009 xuất hiện cáo buộc về việc giấu giếm cuộc không kích tại Afghanistan khiến người dân thường thiệt mạng dẫn đến hậu quả là ông Jung buộc phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Ý tưởng về quân đội nhân dân tại Đức đã gặp nhiều khó khăn. Đức đã loại bỏ chế độ nhập ngũ bắt buộc và thay vào đó tập trung vào lực lượng chuyên nghiệp quy mô nhỏ.
Gần 1.000 binh sĩ Bundeswehr hiện đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Mali. |
Ông Bethold Kohler làm việc tại tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung nhận xét rằng việc Tổng thống Mỹ Trump vào tháng 1 vừa qua nói với tờ Bild (Đức) rằng NATO đã lỗi thời và ông này còn tỏ ra băn khoăn về an ninh tập thể, thực sự đã gây bất ngờ lớn cho Đức. “Không một ai có thể tưởng tượng rằng một Tổng thống Mỹ sẽ nói ra những điều như vậy”, ông Zeitung bổ sung.
Ông Zeitung cũng bày tỏ quan điểm riêng rằng nước Đức cần sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng nước này. Ông này bên cạnh đó thừa nhận rằng sau hàng thập niên sống yên ổn dưới sự che chắn của Mỹ và NATO thì rất ít người Đức muốn điều đó.
Hiện nay Đức chi khoảng 1,2% GDP cho quốc phòng và nước này sẽ không làm theo kêu gọi của Tổng thống Trump tăng chi tiêu. Tuy nhiên việc tiết kiệm đôi khi cũng gây ra những tình huống ngượng ngùng như trong cuộc tập trận của NATO năm 2014 nhiều xe tăng của Bundeswehr (lực lượng vũ trang CHLB Đức) đã được lắp thêm gậy sơn màu đen giả làm súng máy để che lấp đi sự thiếu thốn vũ khí của họ.
BBC dẫn lời một nhân vật quen biết Thủ tướng Merkel cho biết nữ lãnh đạo này hy vọng về “quân đội Đức hùng mạnh có thể đảm nhận trách nhiệm quốc tế” tuy nhiên khó khăn hiện nay là từ quan điểm khác biệt của người dân Đức.
Có lẽ Đức sẽ nỗ lực trở thành quyền lực quốc tế mà không cần nhiều cố gắng quân sự đặc biệt.