Tiêm kích tàng hình F-22 bay trên bầu trời Syria. Ảnh: U.S. Air Force |
Chi tiết trong trận đụng độ ngày 7/2 đã được tổng hợp trong một bài viết của tờ New York Times dẫn từ bản báo cáo công khai đầu tiên của Lầu Năm Góc về trận đối đầu được cho là khốc liệt nhất của quân đội Mỹ phải đối mặt tại Syria kể từ khi triển khai chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại đây.
Trong báo cáo, Lầu Năm Góc mô tả cuộc chiến này là một hành động tự vệ nhằm đối phó với lực lượng ủng hộ chính quyền Syria. Các tướng lính quân đội Mỹ trả lời phỏng vấn cho biết họ đã chứng kiến hàng trăm binh sĩ, phương tiện cơ giới và pháo binh của kẻ địch tiến sát trong một tuần trước cuộc tấn công.
Theo giới quan chức và chuyên gia, việc ở hai bên chiến tuyến tại cuộc nội chiến kéo dài 7 năm ở Syria khiến Nga và Mỹ có thể có kết cục tồi tệ nhất là xảy ra xung đột đẫm máu, khi hai nước tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông.
Trong quá trình hoạt động tại Syria, chỉ huy hai bên thường xuyên liên lạc với nhau qua đường dây nóng giảm xung đột. Vài ngày trước khi cuộc tấn công diễn ra, ở hai bên bờ sông Euphrates, Nga và Mỹ đều đang hỗ trợ các chiến dịch tấn công riêng rẽ nhằm vào khủng bố IS tại tỉnh Deir Ezzor, khu vực nhiều dầu mỏ ở phía đông Syria giáp biên giới Iraq.
Quân đội Mỹ liên tục cảnh báo về những nhóm lớn tập kết tay súng gần bờ sông, song giới chức quân đội Nga cho biết họ không kiểm soát lực lượng này, dù qua phương tiện do thám Mỹ theo dõi việc truyền tin qua radio phát hiện lực lượng đó nói tiếng Nga.
Bản báo cáo của Lầu Năm Góc miêu tả những tay súng đó thuộc lực lượng “ủng hộ chính phủ Syria”. Tuy nhiên, nhóm quân đó chỉ bao gồm một vài binh sĩ chính phủ Syria, và giới chức tình báo Mỹ khẳng định phần lớn binh sĩ trong lực lượng đó là lính đánh thuê người Nga đến từ công ty Wagner Group.
“Bộ Chỉ huy cấp cao Nga tại Syria khẳng định đó không phải là người của họ”, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis báo cáo trước các thượng nghị sĩ tại phiên điều trần tháng trước. Bộ trưởng Mattis đã ra lệnh Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford tiêu diệt lực lượng đó.
Binh sĩ Syria trị thương trong một bệnh viện tại thành phố Deir-al Zour tháng 2 vừa qua. Họ bị cho là bị thương trong một cuộc không kích của Mỹ gần thành phố. Ảnh: AFP/Getty Images |
Sáng 7/2, một đội gồm 30 lính thuộc lực lượng đặc nhiêm Delta và Rangers phối hợp cùng lực lượng quân đội chính phủ Syria đi làm nhiệm vụ tại một tiền đồn nhỏ kế bên nhà máy khí đốt Conoco ngay gần thành phố Deir al-Zour.
Cách đó khoảng 32 km, trong một căn cứ, một đội Mũ nồi Xanh và trung đội thủy quân lục chiến Mỹ theo dõi sát sao qua màn hình máy tính, xem các dữ liệu mà máy bay không người lái gửi về và truyền tin tức cho lực lượng Mỹ làm nhiệm vụ tại nhà máy khí đốt về nhóm tập kết các tay súng đối phương.
3h chiều, lực lượng Syria bắt đầu tiến về nhà máy Conoco. Đến lúc xẩm tối, hơn 500 tay súng và 27 phương tiện, bao gồm xe tăng và xe bọc thép – tập hợp.
Trong trung tâm điều khiển không quân Mỹ tại Căn cứ Không quân Al Udeid ở Qatar và Lầu Năm Góc, các quan chức quân sự và nhà phân tích tình báo liên tục nhận được tin báo, ra lệnh cho phi công và lực lượng mặt đất được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Tại căn cứ hỗ trợ nhiệm vụ, lực lượng Mũ nồi Xanh và thủy quân lục chiến cũng đang chuẩn bị một đội phản ứng nhỏ - gồm 16 người chia ra trên 4 phương tiện bọc thép – phòng trường hợp phải huy động ngay tại nhà máy Conoco. Họ kiểm tra lại vũ khí và đảm bảo xe được trang bị tên lửa chống tăng, thực phẩm và nước uống.
Đến 8h30 tối, 3 chiếc tăng T-72 do Nga sản xuất đã tiến sát nhà máy Conoco chưa đầy 2 km. Dự đoán trước một cuộc tấn công, lực lượng Mũ nồi Xanh chuẩn bị tinh thần tung đội phản ứng.
Ở ngoài tiền đồn, binh sĩ Mỹ theo dõi đội hình xe thiết giáp cơ động hướng về phía họ lúc 10h tối. Nửa tiếng sau, lính đánh thuê Nga và dân quân Syria nổ súng tấn công.
Bị xe tăng, pháo binh tấn công dữ dội, binh sĩ Mỹ phải ẩn nấp. Trong khoảng 15 phút, giới chức quân sự Mỹ đã tìm cách liên lạc với người đồng cấp Nga ra lệnh dừng cuộc tấn công song thất bại. Quân đội Mỹ đã bắn trả cảnh cáo đối với nhóm phương tiện đang tấn công. Tuy nhiên, đội hình xe tăng của đối phương vẫn tiếp tục đến gần.
Mỹ sau đó triển khai máy bay không người lái MQ-9 Reaper, tiêm kích tàng hình F-22, chiến đấu cơ F-15E, oanh tạc cơ B-52, cường kích AC-130 và trực thăng AH-64 Apache đến yểm trợ.
Trong 3 giờ tiếp theo, quân đội Mỹ dồn dập đánh trả lực lượng và xe tăng đối phương. Đội phản ứng cũng được huy động tham gia cuộc chiến, tuy nhiên do tình hình quá nguy hiểm nên đên 11h30 tối, họ được lệnh phải ngừng tham gia. Đến 1h sáng 8/2, khi hỏa lực pháo binh đối phương ngớt dần do các cuộc không kích của quân đội Mỹ, đội phản ứng nhanh có mặt ở tiền đồn Conoco và bắt đầu nổ súng. Lúc này, một số chiến đấu cơ Mỹ đã về căn cứ vì hết nhiêu liệu và đạn dược.
Xe tải quân sự Nga hướng về Deir al-Zour. Ảnh: Omar Sanadiki/Reuters |
Tổng số binh sĩ Mỹ lúc đó trên mặt đất là khoảng 40 người trong trạng thái giằng co phòng thủ khi lính đánh thuê bắt đầu xuống xe và tiến về phía tiền đồn.
Một số lính Mỹ mang theo súng máy và tên lửa Javelin nấp rải rác sau chiến hào, số khác sử dụng kính ngắm ảnh nhiệt và thiết bị điều khiển súng máy từ xa. Một vài đặc công liên lạc qua radio để tiếp tục chỉ đạo phi đội máy bay ném bom bay về phía chiến trường.
Một tiếng sau, lực lượng đối phương bắt đầu rút lui và quân đội Mỹ ngừng bắn. Từ tiền đồn, các tướng lĩnh theo dõi lính đánh thuê và các chiến binh Syria trở về, đem theo thi thể đồng đội. Nhóm nhỏ của quân đội Mỹ không bị tổn hại.
Quan chức Nga ngày 13/2 tuyên bố chỉ có 4 công dân Nga và khoảng 100 binh sĩ Syria thiệt mạng trong trận đánh đó. Tuy nhiên, theo bản tài liệu do CIA công bố được tạp chí Times dẫn về, có ít nhất 200 binh sĩ thuộc “lực lượng ủng hộ chính quyền Syria” bị tiêu diệt.