Kênh RT (Nga) đưa tin ngày 13/11, 23 thành viên của Liên minh châu Âu đã ký kết thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) tại Brussels (Bỉ). Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực từ tháng 12 năm nay, khi đó các thành viên EU sẽ tham gia vào dự án trong khuôn khổ PESCO một cách hợp pháp.
Một quân nhân Đức thuộc NATO thực hiện nhiệm vụ tại Afghanistan. Ảnh: AFP |
Đại diện của EU về chính sách đối ngoại, bà Federica Mogherini đã ủng hộ sự kiện này và coi đây là “thời khắc lịch sử”. Được biết quỹ quốc phòng của EU sẽ hỗ trợ kinh phí cho PESCO 5 tỉ euro.
EU đã rục rịch lên khung về PESCO từ năm 2016 trong thời điểm Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) và ông Donald Trump, nay là Tổng thống Mỹ, chỉ trích các thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không thực hiện được cam kết về chi tiêu quốc phòng.
Châu Âu đã gửi gắm Đức và Pháp làm đầu tàu trong nỗ lực đưa EU tới gần hơn với mục tiêu hình thành lực lượng vũ trang chung thường trực. Đan Mạch, Ireland, Malta và Bồ Đào Nha không góp mặt trong PESCO.
PESCO được ca ngợi sẽ giúp tăng cường hiệu quả của quân sự châu Âu bằng việc loại bỏ dư thừa, hiện đại hóa thu nhận quốc phòng và đẩy mạnh hậu cần qua các trung tâm rải rác khắp lục địa. PESCO đồng thời có ý định tổ chức huấn luyện chung. Những chi tiết được RT đánh giá có nhiều trùng hợp với nỗ lực của NATO để cải thiện đóng góp của các đồng minh châu Âu.
Trong khi đó NATO không hề phản đối PESCO mà còn đánh giá thỏa thuận này sẽ giúp quân đội các nước thành viên châu Âu mạnh mẽ hơn.
Ở thời điểm này, mục đích sử dụng trong tương lai của một khối quân sự tại châu Âu vẫn chưa bộc lộ rõ ràng. Nhưng RT dẫn lời chuyên gia địa chiến lược Konstantin Sokolov đánh giá EU có thể đang chuẩn bị cho những bất ổn có thể gây ảnh hưởng tới các thành viên của liên minh này.
“Trong viễn cảnh có rối loạn xã hội tại một quốc gia, lực lượng cảnh sát ở đó sẽ không còn quá đáng tin cậy bởi họ vốn là công dân địa phương với bạn bè và người thân do vậy có thể không ủng hộ chính sách của chính phủ. Họ bị ảnh hưởng bởi tình trạng lộn xộn. Tuy nhiên một lực lượng quốc tế sẽ luôn tuân theo mệnh lệnh và ít bị ảnh hưởng bởi cảm xúc từ cư dân địa phương”, ông Sokolov phân tích.