Theo nhận định của chuyên gia Doug Bandow, thành viên cao cấp tại Viện Cato (Mỹ) mới đây, gần 8 thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Thế chiến II kết thúc và châu Âu vẫn phụ thuộc an ninh vào Mỹ. Giờ đây, các quan chức Mỹ có lẽ đang “vui mừng” về việc Phần Lan và Thụy Điển dự kiến sẽ nộp đơn gia nhập NATO.
Sự gia nhập của hai quốc gia này, vốn được tăng thêm động lực sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, đang được mô tả là nhằm tăng cường liên minh. Tuy nhiên, trên thực tế, sự mở rộng của NATO chưa bao giờ có lợi cho an ninh của Mỹ. Dưới đây là những lý khiến Mỹ nên "đóng cửa" NATO với Phần Lan và Thụy Điển.
Thứ nhất, cả Phần Lan và Thụy Điển đều không bị đe dọa. Cả hai nước đều được trang bị vũ khí tốt và thân thiện với phương Tây; cũng không có tranh chấp lớn với Moskva. Trên thực tế, Helsinki duy trì nền độc lập của mình trên cơ sở trung lập từ thời Liên Xô. Ngay cả những nhà phân tích không có thiện cảm với Nga nhất cũng không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch chinh phục hai quốc gia này. Và nếu Moskva có ý định như vậy, kinh nghiệm từ Ukraine cho thấy rằng Nga sẽ phải trả một cái giá rất lớn.
Thứ hai, tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ củng cố thêm những lo ngại về an ninh vốn đã thúc đẩy chính sách cứng rắn của Nga đối với cả Gruzia và Ukraine. Điều này cũng sẽ khiến NATO vi phạm cam kết của mình rằng sẽ không mở rộng, tiến hành các hoạt động quân sự gây hấn làm suy yếu lợi ích của Nga và thúc đẩy thay đổi chế độ chống lại các chính phủ thân thiện với Moskva. Nếu Nga hành động tương tự ở Mỹ Latinh, chắc chắn Mỹ sẽ đe dọa chiến tranh. Sự chia rẽ sâu sắc hơn nữa của châu Âu với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ làm trầm trọng thêm các mối quan hệ thù địch vốn ngày càng trầm trọng hơn.
Thứ ba, Mỹ không có lợi ích an ninh lớn ở Phần Lan và Thụy Điển, do đó không có lý do gì để gây thêm căng thẳng. Bất chấp tuyên bố của NATO rằng Mỹ và châu Âu đang hợp tác trong việc phòng thủ tập thể, trên thực tế, Washington đang bảo vệ họ. Trong những năm gần đây, NATO đã mở rộng đến những quốc gia không liên quan, nhỏ bé và không có khả năng tự vệ, như Croatia, Albania, Montenegro, Bắc Macedonia, Slovenia và các nước Baltic, những nước vốn không có ảnh hưởng lớn đến an ninh của Mỹ.
Thứ tư, cả Phần Lan và Thụy Điển đều có quân đội đủ năng lực để thúc đẩy một hệ thống phòng thủ độc lập của châu Âu. Tuy nhiên, việc mở rộng hơn nữa phạm vi phòng thủ châu Âu của Mỹ sẽ không khuyến khích các nỗ lực phòng thủ của họ và những nước khác. Ngày nay, 19 thành viên NATO (bao gồm cả Canada) đóng góp dưới 2% GDP cho các lực lượng vũ trang. Ngay cả các nước Baltic và Ba Lan, vốn rất lo ngại về Nga, cũng dành ít hơn 2% GDP cho quốc phòng của họ. Mặc dù Berlin và một số quốc gia châu Âu khác đã tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng sự ủng hộ của công chúng đối với vấn đề trên có thể sẽ giảm xuống khi Washington triển khai nhiều lực lượng hơn tới lục địa này.
Hơn nữa, các cuộc khảo sát cho thấy đa số phổ biến ở nhiều quốc gia châu Âu phản đối việc bảo vệ lẫn nhau. Châu Âu có khả năng chỉ coi trọng vấn đề an ninh của mình khi Mỹ chấm dứt cam kết bảo vệ họ dù họ có đóng góp hạn chế.
Thứ năm, Mỹ không còn đủ khả năng để bảo đảm an ninh cho tất các quốc gia khác, do đó không nên mở rộng thêm để gia tăng gánh nặng. Thâm hụt liên bang hàng năm của Mỹ vào khoảng 3 nghìn tỷ USD vào năm 2020 và 2021. Năm nay, điều này có thể sẽ đạt khoảng 1,3 nghìn tỷ USD. Khi đại dịch COVID-19 kết thúc, Ủy ban Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đã dự báo sẽ thâm hụt hơn 12 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới và con số này sẽ tăng lên khi dân số Mỹ già đi. Nợ liên bang hiện đã hơn 100%, tiệm cận mức kỷ lục 106% được thiết lập vào năm 1946.
CBO cảnh báo rằng nợ quốc gia có thể vượt 200% vào năm 2050, do đó Mỹ cần phải cắt giảm chi tiêu đáng kể, đặc biệt là các khoản chi tiêu quân sự, tập trung vào những nước ở châu Âu.