Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Reuters |
Theo kênh truyền hình RT, các cuộc đàm phán diễn ra sau khi Nga đạt được một thỏa thuận bán hệ thống phòng thủ tên lửa này với Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu trong chuyến công du tới các quốc gia Đông Nam Á tuần qua, Bộ trưởng Sergey Shoigu khẳng định “năng lực thực hiện nhiệm vụ vượt trội” của S-400 là yếu tố then chốt khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống phòng không của Nga.
Bộ trưởng Sergey cho biết: “Các quốc gia khác bày tỏ hứng thú muốn mua hệ thống S-400, bao gồm các nước Trung Đông và Đông Nam Á. Quá trình đàm phán thích hợp đang được tiến hành”.
Với kỹ thuật hiện đại hiệu quả, S-400 của Nga đang nhận ào ạt các đơn hàng từ những quốc gia khác. Trong một bài viết của hãng tin RIA Novosti, sau Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận mua 48 bệ phóng hệ thống S-400 của Nga. Các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Nga vẫn đang xúc tiến. Chính quyền Delhi ngỏ ý muốn mua 80 bệ phóng và hai quốc gia đang bàn thảo chi tiết hợp đồng.
Trước đó, hai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đã được triển khai tại Syria nhằm đảm bảo an ninh cho căn cứ không quân Khmeimim tại tỉnh Latakia và căn cứ hải quân Tartus.
Quyết định mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nhiều đồng minh NATO lo ngại, đặc biệt là Mỹ. Tháng 7, trong khi hai bên còn đang đàm phán về một thỏa thuận mua bán vũ khí, giới chức quân sự Mỹ bày tỏ lo lắng việc mua S-400 có thể ảnh hưởng tới hoạt động máy bay tấn công F-35 ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này cũng dự định mua 100 chiếc tiêm kích tàng hình của Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ cho hoạt động cả F-35 cùng S-400 trong lãnh thổ sẽ ảnh hưởng tới tính năng an toàn của chiến đấu cơ, do những thông tin mà S-400 thu nhận được có thể “phơi bày” yếu điểm của F-35.
Có thể hạ gục hiệu quả bất kỳ phương tiện vũ khí tấn công nào từ trên không, bao gồm các vật thể bay đạt vận tốc 5km/s, S-400 là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.