Thay đổi lớn trong quân đội Ba Lan

Việc Ba Lan đang có những thay đổi gây tranh cãi trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp trong quân đội gây ra sự lo ngại cho các nhà quan sát.

Binh sĩ Ba Lan tham gia buổi huấn luyện. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo AFP, trong tuần này, Warsaw sẽ long trọng tổ chức lễ đón và triển khai trên lãnh thổ Ba Lan các lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong bối cảnh những thay đổi gây tranh cãi trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp trong quân đội nước này.

Bốn tiểu đoàn đa quốc gia của NATO và một lữ đoàn tăng thiết giáp của Mỹ đang được triển khai dọc theo sườn phía Đông của khối này, thuộc các nước Baltic, Ba Lan, Rumania, Bulgaria, Hungary, nhằm đáp lại việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.


Theo kế hoạch, ngày 13/4, các đơn vị của NATO sẽ được chào đón trang trọng tại Orzysz, phía Đông Bắc của Ba Lan. Tuy nhiên, quân đội nước này đang phải trải qua cơn rúng động do phe những người bảo thủ, lên nắm quyền vào tháng 10/2015, tiến hành điều chuyển, bổ nhiệm và cho nghỉ một loạt các tướng lĩnh quân đội.


Thông báo chính thức được phát ra cho biết 90% sĩ quan cao cấp làm việc tại Bộ Tham mưu và 82% làm việc ở tổng hành dinh của các lực lượng tác chiến đã bị thay thế. Tổng cộng có 34 tướng lĩnh và 484 đại tá đã phải ra đi.


Theo lực lượng đối lập, có trên 30% trong tổng số tướng lĩnh đã bị hạ bệ hoặc buộc phải nghỉ hưu, trong đó có người đứng đầu của Bộ Tham mưu, Tư lệnh binh chủng hợp thành và một số Tư lệnh của các lực lượng quân đội khác.


Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền đã đưa ra quyết định này với tham vọng loại bỏ những nhân vật quân đội mà PiS coi là “người gác đền già nua” thuộc thế hệ trước đây.


Một chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu quốc tế có trụ sở ở Warszawa giấu tên cho biết việc thay đổi này còn lớn hơn cả cuộc thanh trừng những người Cộng sản diễn ra khi bức màn sắt bị sụp đổ.


Nhân vật được cho là gây ra sự xáo trộn này chính là Bộ trưởng Quốc phòng Antoni Macierewicz. Ông Macierewicz đã làm cho cả Ba Lan và quốc tế ngạc nhiên qua những tuyên bố đầy bất ngờ, như cho biết sẽ công bố nguyên nhân thật sự của vụ máy bay rơi tại Nga vào năm 2010 làm Tổng thống Ba Lan thiệt mạng hay thông báo một cách vô căn cứ việc Ai Cập bán tàu đổ bộ trực thăng Mistral cho Nga với giá 1 USD tượng trưng. Trước đó, do lệnh trừng phạt mà Pháp đã hủy bỏ hợp đồng bán 2 tàu Mistral cho Nga. Sau đó Pháp đã bán lại tàu cho Ai Cập.


Quan trọng hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan đã tuyên bố thành lập các lực lượng quân địa phương bao gồm cả dân sự (chỉ cần tham gia khóa đào tạo quân sự ngắn hạn) và nâng quân số của quân đội nước này từ 100.000 người lên 150.000 người. Đối với những người phê phán đả kích thì sáng kiến này “sẽ tước đoạt đi nguồn lực tài chính quan trọng của quân đội chuyên nghiệp”.


Thật vậy, những thay đổi này đang tác động đến quân đội nước này vốn được phát triển từ cách đây 28 năm ở một nước dân chủ, thành viên của NATO từ năm 1999, và đã tham gia các sứ mệnh quốc tế tại Afghanistan, Iraq và Kosovo.


Vị chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu quốc tế này nhấn mạnh “sự thay đổi này đang đặt ra vấn đề về khả năng của Ba Lan trong làm việc với các quốc gia thành viên khác của NATO” và cho biết “Macierewicz có tiếng là kinh khủng. Ông ta có vấn đề khi gặp gỡ với những người đồng cấp. Tại Washington, ông ta không được đánh giá là nhân vật có thể đoán định được”.


Trả lời câu hỏi của hãng tin AFP, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anna Peziol-Wojtowicz cam đoan rằng “sự kế tiếp trong bộ chỉ huy tại tất cả các đơn vị quân đội” vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, những lời chỉ trích ngày càng nhiều.


Trả lời tờ Polska The Times, tướng về hưu Piotr Makarewicz cho rằng: “Với việc điều chuyển một loạt tướng lĩnh thì hai cơ quan quan trọng nhất của quân đội (Bộ Tham mưu và Binh chủng hợp thành) đã hoàn toàn mất đi khả năng tác chiến”.


Trước đó, vào tháng 10/2016, Ba Lan đã ngừng đàm phán với hãng Airbus về việc mua 50 trực thăng đa nhiệm trị giá 3,14 tỷ euro mà Chính phủ trước đó đã cam kết. Sau quyết định gây ra sự khó chịu đối với Paris, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan lại nhiều lần đưa ra tuyên bố nước này chuẩn bị mua trực thăng mới, nhưng không cho biết mua của nước nào.


Cuối tháng 3, Warswa thông báo sẽ rút quân khỏi Lực lượng Quân đội châu Âu (Eurocorps). Lực lượng này có nhiệm vụ chỉ huy và phối hợp các chiến dịch quan trọng đa quốc gia.


Andrzej Zybertowicz, Cố vấn của Tổng thống Andrzej Duda, giải thích rằng “Eurocorps bảo vệ sườn phía Nam mà chúng tôi không quan tâm đến”. Tuy nhiên, Warsaw phủ nhận ý kiến cho rằng Ba Lan quay lưng với EU.


Theo Jan Techau, Giám đốc Diễn đàn Richard C. Holbrooke thuộc Viện nghiên cứu về Mỹ tại Berlin, những thay đổi hiện nay của các lực lượng quân đội Ba Lan không phải là chủ đề đáng lo ngại. Điều đáng lo ngại chính là việc quân đội nước này dường như vẫn còn là một khu vực của Nhà nước mà Chính phủ đang tìm cách áp đặt ý thức hệ.


TTXVN/Tin Tức
Ba Lan sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot
Ba Lan sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot

Ngày 31/3, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz hy vọng sẽ ký với hãng quốc phòng Raytheon của Mỹ để mua 8 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot vào cuối năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN