Toàn cảnh tiềm lực quân sự hùng mạnh của Nga vào năm 2035

Năng lực tương lai của quân đội Nga phụ thuộc phần lớn vào mức độ thành công của Moskva khi thay thế các loại vũ khí có từ thời Liên Xô bằng các loại vũ khí hiện đại.

Tuần trước, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington tổ chức hội thảo về chương trình vũ khí của quân đội Nga và hiện trạng lực lượng vũ trang Nga vào năm 2035.

Tại đây, giới chuyên gia cho rằng năng lực tương lai của quân đội Nga phụ thuộc phần lớn vào mức độ thành công của Moskva khi thay thế các loại vũ khí có từ thời Liên Xô bằng các loại vũ khí hiện đại. Trong khi đó, các chuyên gia cũng cho rằng Nga đang đạt tiến bộ trong quá trình hiện đại hóa lực lượng quân sự, đồng thời không còn chỉ phụ thuộc vào khả năng răn đe hạt nhân.

Tham gia hội thảo có ông Michael Kofman, chuyên gia các vấn đề quân sự của Nga thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân; Tomas Malmlöf, nhà khoa học chính trị của Cơ quan Nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển (FOI) và Olga Oliker, Giám đốc CSIS phụ trách các vấn đề Nga và Á-Âu.

Các loại vũ khí thế hệ tiếp theo

Các nhà phân tích phương Tây nhấn mạnh rằng vào thời điểm hiện tại, Nga tiếp tục sử dụng các hệ thống vũ khí có từ thời Liên Xô, gồm tên lửa hành trình Kalibr và hệ thống phòng thủ tên lửa Iskander.

Tại sao Nga cần máy bay ném bom tàng hình thế hệ tiếp theo PAK-DA?

Tuy nhiên, đến năm 2035, quân đội Nga sẽ được trang bị các loại vũ khí thế hệ mới thực sự, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa S-500, tên lửa siêu thanh Tsirkon, máy bay ném bom tàng hình PAK-DA và loại động cơ mới dùng cho máy bay tiêm kích phản lực thế hệ thứ 5 T-50 (PAK FA).

Yan Novikov, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Tổng công ty quốc phòng Nga Almaz-Antey gần đây đã tuyên bố rằng, trong tương lai gần công ty này sẽ hoàn thành các thử nghiệm loại đầu đạn mới tự tìm mục tiêu sử dụng cho hệ thống tên lửa S-350 Vityaz và các hệ thống phòng không hải quân. Ngoài ra, công ty đang tiến hành các thử nghiệm một loại tên lửa đánh chặn có điều khiển dùng cho hệ thống phòng thủ tên lửa S-500.

Tại sao hệ thống tên lửa S-500 của Nga đáng gờm?

Tháng 4/2017, loại tên lửa chống hạm siêu thanh mới nhất của Nga là Tsirkon 3M22 đã đạt tốc độ Mach 8 (nhanh gấp 8 lần tốc độ âm thanh) trong các lần thử nghiệm. Quá trình sản xuất loại tên lửa này được cho là bắt đầu trong năm 2017. Các tuần dương hạm tên lửa sử dụng năng lượng hạt nhân gồm Đô đốc Nakhimov và Piốt Đại Đế (Pyotr Veliky) sẽ được biên chế loại vũ khí mới này trong đợt đầu tiên.

Ngày 20/5, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố, Nga đã bắt đầu phát triển loại máy bay ném bom tầm xa PAK DA và chuyến bay thử nghiệm đầu tiên dự kiến được tiến hành trong giai đoạn 2025-2026.

Đối với loại động cơ mới dùng cho tiêm kích phản lực T-50, Alexander Artyukhov, Phó CEO của tập đoàn sản xuất động cơ thống nhất, khẳng định các lần thử nghiệm loại động cơ mới này sẽ được tiến hành trong quý 4 năm 2017. Các chuyến bay thử nghiệm của loại máy bay này sẽ thực hiện vào năm 2020.

Nguyên mẫu tiêm kích phản lực Sukhoi T-50 PAK FA.

Cựu Giám đốc tình báo của Không quân Mỹ, thiếu tướng Dave Deptula nói với tờ National Interest năm 2014 rằng: “Các phân tích về PAK-FA cho thấy loại máy bay này có thiết kế khá tinh vi, ngang bằng và thậm chí còn vượt trội so với máy bay thế hệ thứ 5 của Mỹ”.

Các cuộc tấn công tầm xa


Trong tương lai, Nga sẽ tập trung phát triển các loại vũ khí tấn công tầm xa, bao gồm các loại tên lửa và vũ khí điều khiển chính xác, để có thể tấn công một kẻ xâm lược tiềm năng ở khoảng cách xa.

Chuyên gia Kofman đã được National Interest trích dẫn cho biết: “Họ sẽ trừng phạt để ngăn chặn. Tiềm năng của tấn công tầm xa chính là khả năng trả đũa và tấn công bằng vũ khí thông thường mà không cần sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Năm ngoái, Boris Obnosov, CEO của Tổng công ty Tên lửa chiến thuật, tuyên bố rằng công ty đang phát triển loại tên lửa với phạm vi tấn công xa hơn nhiều so với tên lửa hành trình Kalibr từng được sử dụng để tấn công những kẻ khủng bố ở Syria.

Tàu Hải quân Nga phóng một tên lửa hành trình Kalibr tấn công tổ chức khủng bố Jabhat Al-Nusra từ Địa Trung Hải.

Ngoài ra, tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 đang trong quá trình hiện đại hóa. Loại tên lửa này dự kiến sẽ có tầm bắn xa hơn và chính xác hơn.

Tàu hộ vệ tên lửa siêu thanh mới nhất của Nga "đe dọa vai trò toàn cầu của Hải quân Mỹ".

Ông Obnosov cũng cho biết, việc hiện đại hóa máy bay ném bom “Tu-160M2” đã được nối lại. Loại máy bay này sẽ được trang bị các hệ thống điện tử mới, hệ thống phóng hiện đại hóa và động cơ nâng cấp.

Máy bay không người lái và robot

Theo chuyên gia Kofman, Nga đang tụt hậu so với phương Tây về công nghệ máy bay không người lái, tuy nhiên Moscow đang đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp này.

So sánh với quân đội phương Tây, Nga ít quan tâm hơn đối với máy bay chiến đấu không người lái cỡ lớn. Thay vào đó, Nga tập trung phát triển loại máy bay không người lái giá thành thấp và tiện dụng, có thể được sử dụng để do thám mục tiêu cho pháo binh hạng nặng.

Ông Kofman cho rằng: Người Nga “đang cố gắng kích hoạt các đám cháy tầm xa. Ở đó, họ sẽ triển khai máy bay không người lái rất nhanh chóng theo cách mà quân đội Nga muốn sử dụng. Và quân đội Nga muốn chiến đấu với hỏa lực nóng mặt này”.

Một lính trinh sát của đơn vị súng trường cơ giới thuộc Quân khu phía Đông khởi động một chiếc máy bay không người lái trong khóa huấn luyện chiến thuật đặc biệt tại căn cứ Anastasyevsky, vùng Khabarovsk.

Nhà nghiên cứu Malmlöf dự báo, trong giai đoạn 2026-2035, Nga sẽ robot hóa toàn bộ loại xe tăng T-14 Armata. Trước đây, Bộ Quốc phòng Nga từng tuyên bố về một kế hoạch phát triển phiên bản xe tăng không người lái.

Màn biểu diễn của xe tăng T-14 Armata.

Tác chiến điện tử

Chuyên gia Thụy Điển Malmlöf cũng lưu ý rằng, Nga đang đầu tư lớn cho tác chiến điện tử.

Từ lâu, quân đội Mỹ quan ngại về khả năng tác chiến điện tử của Nga khi cho rằng đây là mối đe dọa tiềm năng chủ yếu. Năm ngoái, Lầu Năm góc đã thành lập Lực lượng Phản ứng nhanh của Lục quân. Sau đó, Tư lệnh lực lượng này, tướng Walter Piatt tuyên bố rằng đơn vị mới này sẽ tập trung vào nhiệm vụ đối phó với hoạt động không gian mạng và tác chiến điện tử của Nga.

Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha 4.

Theo chuyên gia Kofman, Nga sẽ là đối thủ ngang hàng hoặc gần ngang hàng với Mỹ trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Giám đốc Oliker cho rằng trên thực tế rất khó so sánh về khả năng không gian mạng. Theo ông Oliker, “đó là một thách thức khác khi nghiên cứu bộ công cụ cụ thể này. Thậm chí, với tất cả các cuộc nói chuyện, nó vẫn chưa được xác định rõ ràng”.

Không còn chỉ phụ thuộc vào khả năng răn đe hạt nhân

Tổng hợp lại, theo các chuyên gia phương Tây, Nga đang từ bỏ khái niệm sử dụng một lực lượng quân sự lớn và đến năm 2035 sẽ dựa vào các cuộc tấn công tầm xa với độ chính xác cao, trong khi đó vẫn duy trì ảnh hưởng trong khu vực.

Các chuyên gia cho rằng Nga đang tích cực phát triển các loại vũ khí chính xác cao và sẽ tích hợp chúng vào học thuyết quân sự của mình. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế và các biện pháp cấm vận của phương Tây, bao gồm cả việc cấm nhập khẩu các thiết bị và vi điện tử, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ hiện đại hóa quân sự của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Theo National Interest, “Nga không phải là mối đe dọa như Liên Xô trước đây. Nhưng Nga hiện nay không còn yếu đuối so với thời kỳ Liên Xô sụp đổ, khi đó Kremlin đã phải phụ thuộc hoàn toàn vào kho vũ khí hạt nhân để răn đe. Nước Nga hiện nay đang có nhiều lựa chọn để đáp trả các mối đe dọa tiềm ẩn”.

Ông Kofman lưu ý: “Nga hiện có một lực lượng quy ước thường trực thực sự. Họ không còn phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân như là công cụ răn đe duy nhất”.

Hữu Tiến/Báo Tin Tức
Lý do Nga đưa hệ thống ‘Cuồng phong’ tới căn cứ quân sự ở Tajikistan
Lý do Nga đưa hệ thống ‘Cuồng phong’ tới căn cứ quân sự ở Tajikistan

Nga đã triển khai hệ thống phóng tên lửa “Cuồng phong” BM-27 Uragan tới một căn cứ quân sự ở Tajikistan như “lời cảnh báo” đối với một quốc gia trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN