Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam trước đây, Liên Xô, với nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình, đã thường xuyên viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hàng tuần, từ các cầu tàu ở Vladivostok đều có tàu chở vũ khí, thiết bị quân sự và hàng hóa tới cảng Hải Phòng. Việt Nam nhận từ Liên Xô các máy bay tiêm kích, hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa, pháo phòng không. Các chuyên gia quân sự không quân và phòng không Liên Xô không chỉ đào tạo phi công và lính tên lửa Việt Nam, mà chính họ cũng tham gia chiến đấu và chịu tổn thất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên vào thời điểm đó những thông tin này luôn được giữ bí mật. Dưới đây là bài viết của Chuẩn Đô đốc Karev Vladimir Anisimovich, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng các cựu chiến binh trinh sát "Giám sát" của Hạm đội Thái Bình Dương, thành viên Hội Hữu nghị với Việt Nam vùng Primorsky Krai, thành viên Tổ chức xã hội liên khu vực các cựu chiến binh Việt Nam (MOOVVV).
Các tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Do Liên Xô không chính thức tham gia cuộc chiến, hoạt động của các tàu dân sự Xô Viết, không trang bị vũ khí phòng không, nên sự bảo vệ duy nhất là lá cờ đỏ búa liềm lớn sơn trên boong. Phi công Mỹ cần phải thấy lá cờ này.
Đương nhiên, trong điều kiện đó, có sự tham gia của toàn bộ hệ thống tình báo quân sự Liên Xô, mà trước tiên là của Hạm đội Thái Bình Dương. Thậm chí trước khi Mỹ xâm lược Việt Nam, toàn bộ hệ thống tình báo vô tuyến bờ biển và trên tàu, khi giải quyết các nhiệm vụ chung ở Thái Bình Dương, đã tập trung vào việc kịp thời phát hiện các dấu hiệu Mỹ chuẩn bị chiến tranh với Việt Nam. Dựa trên những phân tích tình hình, chỉ huy Liên Xô ra quyết định triển khai trước tới vịnh Bắc Bộ tàu trinh sát của Hạm đội Thái Bình Dương (TOF), mà sau này đóng vai trò to lớn trong việc làm rõ các tình tiết trong "sự kiện vịnh Bắc Bộ".
Khi đó, các tàu trinh sát này thuộc Tiểu đoàn 169 Đặc nhiệm đóng tại cầu số 37 cảng Vladivostok, gần tượng đài Nevelsky. Chỉ huy đơn vị là Trung tá Hải quân A. I. Protsenko, sau đó là Trung tá Plotkin. Đó là những chiếc tàu đánh cá nhỏ vừa chuyển đổi, trang bị thiết bị điện tử. Trực tiếp trinh sát là các tàu của Đội kỹ thuật vô tuyến biển 19 (OMRTO). Chỉ huy đơn vị này tự hào gọi mình là "người khổ hạnh". Nhóm (gồm 20 người) đã duy trì việc chặn nghe hầu hết tất cả các thông tin liên lạc, định vị chúng, để trinh sát vô tuyến trạm radar. Các tín hiệu viên có trách nhiệm nhận biết thực tế các mục tiêu trên biển và trên không, dựa vào bóng dáng của chúng. Các tàu này mang cờ của Hải quân Liên Xô, nhân viên mặc thường phục. Chúng rời căn cứ một cách bí mật, chủ yếu vào ban đêm và lặng lẽ cập cầu số 37 để không ai nghi ngờ.
Những năm đầu Mỹ xâm lược Việt Nam đã cho thấy hiệu quả cao của tình báo điện tử hàng hải. Về sự đầy đủ và trọn vẹn của thông tin thu được, chúng vượt xa tất cả các hình thức tình báo khác. Và yếu tố không thể thiếu của chúng là sự kịp thời. Hầu như ở trạng thái thời gian thực, bộ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương và Cơ quan tình báo (GRU) nhận được báo cáo tình báo hàng ngày từ điểm chiến sự. Nhờ nguồn năng lượng vô tận của Thủ trưởng tình báo mới được bổ nhiệm của Hạm đội Thái Bình Dương, Thượng tá N. P. Sotnikov, người đã đóng góp rất nhiều cho việc thực hiện hoạt động tình báo hải quân, binh đoàn tàu trinh sát tác chiến - chiến thuật trong thành phần Hải quân Liên Xô đã được thành lập.
Tàu khu trục thuộc Hạm đội biển Đen của Nga tại vịnh Sevastopol ngày 10/9/2008. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 1/10/1969, trên cơ sở của OMRTO số 19 mà trong thành phần có Tiểu đoàn 169 Đặc nhiệm, Lữ đoàn tàu đặc nhiệm của Hạm đội Thái Bình Dương với 15 tàu trinh sát, Đội kỹ thuật vô tuyến-radio biển số 19 với mười nhóm đặc nhiệm di động và cơ sở bờ 2003 đã được thành lập. Trong khoảng thời gian từ tháng 4/1964 đến 31/12/1974, các tàu trinh sát của lữ đoàn thường xuyên hiện diện ở Biển Đông, vịnh Bắc Bộ và Guam. Ngoài việc giải quyết các nhiệm vụ đặc biệt, họ còn đảm bảo (tình báo) cho hoạt động của các đơn vị phòng không Liên Xô tại Việt Nam và hỗ trợ quốc tế cho nhân dân Việt Nam anh em.
Ngoài ra, một tàu trinh sát nằm cách vịnh Apra (Guam) 3 hải lý, nơi đồn trú của nhóm tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Polaris-Poseidon số 15, ngoài mục tiêu chính (hoạt động của các tàu ngầm chiến lược mang tên lửa hạt nhân Mỹ), còn phát hiện các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược B-52 từ căn cứ không quân Andersen và theo dõi các chuyến bay của chúng tới các mục tiêu ở Việt Nam. Thời gian bay vào khoảng 6 giờ, nhưng trong khoảng thời gian đó, hệ thống phòng không Việt Nam đã được cảnh báo nhờ liên lạc cực nhanh từ con tàu, thông qua Bộ Tổng tham mưu Liên Xô và sau đó tới các đơn vị phòng không ở Việt Nam.
Nhiệm vụ đầu tiên của các tàu trinh sát Liên Xô là vào ngày 2/8/1964 trong cái gọi là "Sự kiện vịnh Bắc Bộ". Khi đó, các tàu của Hạm đội 7 Mỹ đã được điều tới vịnh Bắc Bộ, để xâm chiếm lãnh hải Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với mục đích khiêu khích, nhằm đánh lừa dư luận và lấy cớ xâm lược. Để biện minh cho hành động này, Mỹ tuyên bố các tàu phóng ngư lôi Việt Nam dường như đã tấn công khu trục hạm Maddox của Mỹ trên vùng biển quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này.
Khi đó, từ tàu trinh sát cỡ nhỏ của Liên Xô Protraktor (chỉ huy tàu là Thiếu tá N. P. Fadeev, chỉ huy nhóm đặc nhiệm là Trung úy V. I. Levushkin) đã gửi về Bộ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương báo cáo rằng trên thực tế, tàu khu trục Maddox xâm nhập lãnh thổ Việt Nam để tiến hành do thám. Mặc dù vậy, không quân Mỹ ngày 5/8/1964 đã ném bom miền Bắc. Ngày 10/8, Quốc hội Mỹ thông qua cái gọi là "Nghị quyết Tonkin", để trừng phạt hành động này. Nghị quyết đã trao cho Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson quyền sử dụng lực lượng vũ trang Mỹ ở Đông Nam Á và Mỹ bắt đầu xâm lược Bắc Việt Nam. Chính phủ Liên Xô, dựa trên thông tin tình báo tin cậy, coi các hành động này là gây hấn trực tiếp.
Kể từ lúc đó, tàu trinh sát Xô Viết bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tại vịnh Bắc Bộ, trên cơ sở liên tục trong suốt thời gian Mỹ gây hấn với miền Bắc. Khu vực trinh sát chính là trung tâm của chiến đoàn tác chiến số 77 (chiến đoàn tàu sân bay tấn công của Hạm đội 7 Mỹ), hoặc như người Mỹ gọi là Yankees Station. Việc thay ca tàu Liên Xô diễn ra trực tiếp trong khu vực. Nhiệm vụ chính đối với tàu trinh sát là cảnh báo kịp thời cho lực lượng phòng không Việt Nam về các chuyến bay ồ ạt của máy bay từ tàu sân bay, theo thông tin chặn bắt qua radio. Trong những giai đoạn nhất định, trong khu vực này có tới 8 tàu chở máy bay, tổng cộng trong chiến đoàn có tới 150 tàu chiến đấu và tàu hỗ trợ.
Hiệu quả cao của các tàu trinh sát tại vịnh Bắc Bộ đã đem lại những kết quả quan trọng đối với tình báo hải quân. Ngày 28/3/1965, trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Kosygin, lãnh đạo Việt Nam đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Liên Xô vì thường xuyên nhận được từ Moskva những cảnh báo kịp thời về các cuộc không kích từ tàu sân bay và của không quân chiến lược Mỹ. Cảnh báo trước cho phép Việt Nam có thời gian chuẩn bị đẩy lùi các cuộc tấn công. Điều này làm giảm đáng kể thiệt hại và tổn thất do máy bay Mỹ gây ra.
Đáng chú ý trong số các chiến công của các chiến sỹ tình báo Hải quân Liên Xô là vụ việc xảy ra ngày 2/6/1967 khi tàu Liên Xô Turkestan thuộc công ty Tàu biển Viễn Đông (FESCO) dỡ hàng tại cảng Cẩm Phả, đã bị cường kích Hải quân Mỹ tấn công. Thợ điện Nikolai Rybachuk thiệt mạng và 6 người bị thương. Một vụ bê bối quốc tế lớn nổ ra vì Mỹ chối bỏ tham gia tấn công tàu. Nhóm trinh sát vô tuyến của tàu trinh sát GS-34 (chỉ huy nhóm - Đại úy Hải quân B. M. Mozzhukhin) đã chặn được thông tin liên lạc vô tuyến điện của máy bay cường kích Mỹ với tàu sân bay và đưa ra thông tin không thể chối cãi về số hiệu phi đội máy bay trên tàu sân bay Midway, thời gian và địa điểm cuộc tấn công. Mỹ buộc phải xin lỗi về sự cố đó. Chỉ huy nhóm trinh sát vô tuyến B. M. Mozzhukhin sau đó được tặng huân chương "Sao Đỏ".
Tháng 12/1972, Mỹ khởi động chiến dịch quy mô lớn nhất trong toàn bộ thời gian không kích các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các căn cứ quân sự của Quân đội Việt Nam. Chiến dịch được thực hiện vào thời điểm Giáng sinh, khi người Mỹ thường không tham chiến, với sự tham gia của toàn bộ lực lượng không quân Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, lãnh đạo quân đội Liên Xô và Việt Nam đã được kịp thời thông báo về chương trình xuất kích của các máy bay trên tất cả các tàu sân bay Mỹ. Nguồn thông tin là từ tàu trinh sát Kursograph. Con tàu nằm ở trung tâm chiến đoàn tác chiến số 77. Điều này cho phép kịp thời đặt toàn bộ hệ thống phòng không miền Bắc Việt Nam vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Dưới áp lực của công chúng và do thất bại nghiêm trọng trong chiến tranh, chính phủ Mỹ ngày 27/1/1973 buộc phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh và rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Việt Nam.