Ngày 20/8, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đăng trên trang mạng xã hội Facebook về việc nước này sản xuất phiên bản tân tiến mới cho xe tăng T-72 do Liên Xô thiết kế.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), Tổng thống Poroshenko đăng trên Facebook nhằm mục đích tăng tinh thần yêu nước cho người dân: “Quân đội Ukraine đang mạnh lên mỗi ngày”.
Tuy nhiên, theo nhà quan sát quân sự và cây bút của tờ Vzglyad (Nga) là Gennady Nechaev, quan sát các bãi chứa xe tăng của Ukraine cho thấy “thời kỳ hoàng kim” sản xuất xe tăng của Ukraine đã mai một.
Các xe thiết giáp tại vùng Lvov, Ukraine. Ảnh: Sputnik |
Việc Ukraine bắt đầu dựng phiên bản mới của T-72, loại xe tăng từ thời Liên Xô được sản xuất tại các nhà máy nằm trên lãnh thổ Nga ngày nay, là dấu hiệu cho thấy chiếc T-64 - chủ lực xe tăng của Kiev, được sản xuất tại nhà máy huyền thoại Malyshev ở Kharkov- đang gặp vấn đề về nâng cấp và bảo trì. Đó được coi là nguyên nhân khiến Ukraine phải dành nguồn kinh phí quý giá để nâng cấp cho loại xe tăng nguồn gốc nước ngoài.
Ông Nechaev nhấn mạnh rằng trong khi Ukraine ngày nay về cơ bản đã không còn khả năng sản xuất xe tăng mới với số lượng lớn nhưng vẫn còn duy trì khả năng về sửa chữa và hiện đại hóa xe tăng.
Khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine đã nhận khá nhiều phương tiện quân sự đa dạng, hầu hết khá hiện đại ở thời điểm đó. Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, lực lượng vũ trang Ukraine mới được thành lập chỉ phiên chế T-64, còn những chiếc T-72 được đưa vào kho hoặc dùng cho công tác đào tạo. Ukraine cũng có khoảng 200-500 chiếc T-80 do chính nước này thiết kế. Khoảng một nửa đã được bán cho các quốc gia khác.
Ông Nechaev cho rằng dựa theo các tính toán thì số xe tăng của Ukraine ở thời điểm Liên Xô sụp đổ bao gồm 2.340 chiếc T-64, 1.300 chiếc T-72 và 260 chiếc T-80.
Quân đội Ukraine cùng các doanh nhân địa phương nhanh chóng nhận ra rằng T-72 trở thành mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng. Trong khoảng thời gian từ 1992-2014, Ukriane bán được 863 chiếc T-72.
Trong số những xe tăng T-64, có 227 chiếc cần phải nâng cấp để đáp ứng khả năng trực chiến. Khoảng 500 chiếc T-64 của Bộ Quốc phòng Ukraine đã được xếp vào loại “thiết bị rác”.
Thêm vào đó, trong cuộc khủng hoảng tại Đông Ukraine năm 2014 và đầu 2015, hơn 50 chiếc T-64 đã bị lực lượng đòi ly khai thu giữ, thêm vào đó là 200 chiếc bị phá hủy.
Điều này, theo nhà quan sát Nechaev, có nghĩa rằng ở thời điểm hiện tại, có khoảng 500-550 chiếc T-64 vẫn được duy trì trong lực lượng vũ trang Ukraine.
Các vị tướng Ukraine khi này sẽ nhớ đến T-80, xe tăng này có nhiều tương đồng về cấu tạo so với T-64. Tính đến nay, khoảng 60 chiếc T-80 đã được nhà máy sửa xe tăng Kharkov phục hồi và chuyển giao cho quân đội.
Khoảng 20-40 chiếc T-80 hiện đại khác có thể được chuyển đến quân đội Ukraine trong những tháng tới. Nhưng một đặc điểm của xe tăng này là động cơ cần có chuyên gia bảo trì vũ khí - nhưng đây là vị trí nhân sự “hiếm có, khó tìm” tại Ukraine.
Cũng theo ông Nechaev, đến cuối năm 2016, Ukraine có trong tay khoảng 300 chiếc T-72. Chỉ một phần nhỏ trong số này tham gia vào cuộc chiến tại Donbass, 2 chiếc khác rơi vào tay lực lượng đòi ly khai.
Ông Nechaev cho rằng nếu mối quan hệ giữa Ukraine và Nga trong hợp tác kỹ thuật quốc phòng hoàn toàn bị cắt đứt thì Kiev sẽ quay trở lại tình huống mà họ đã tìm cách thoát ra, đó là có đúng 3 mẫu xe tăng cơ bản. Thêm vào đó, kinh phí dành cho nâng cấp xe tăng của Ukraine cũng đã bị chững lại.