Bắc Kinh đứng trong tốp 3 các quốc gia xuất khẩu vũ khí.
|
Theo viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong giai đoạn 2011-2015, Trung Quốc là khách hàng lớn thứ 2 của các nhà sản xuất vũ khí Nga và Pháp. Nhưng Bắc Kinh cũng chiếm vị trí thứ 3 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu vũ khí, chiếm 5,9% thị trường thế giới, sau Mỹ (33%) và Nga (25%), và xếp ngay trên nước Pháp (5,6%).
Những khách hàng chủ chốt mua sắm vũ khí của Trung Quốc gồm có Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Hơn 2/3 các quốc gia châu Phi đang sử dụng các loại vũ khí có nguồn gốc từ Trung Quốc. Kể từ năm 2005, có 10 quốc gia ở lục địa này đã trở thành những khách hàng mới của Trung Quốc.
Các chuyên gia quân sự thừa nhận rằng chất lượng các sản phẩm vũ khí ở phân khúc thấp với giá thành rẻ của Trung Quốc đã được cải tiến đáng kể. Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cũng đang gặp phải nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các nhà sản xuất cạnh tranh trong cùng phân khúc. Trong quá trình diễn ra triển lãm vũ khí tại Pretoria (Nam Phi) vào tháng 9/2016, tại đây có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất khiến giá thành thiết bị vũ khí giảm xuống. Chính vì điều này mà Trung Quốc đã không thể tìm được khách hàng, mặc dù rất nỗ lực, để ký các hợp đồng bán các loại máy bay huấn luyện l-15 Falcon và máy bay tiêm kích JF-17.
Các quốc gia mua sắm vũ khí khí tài thường ở trong tình trạng khó khăn về tài chính nên rất cẩn trọng trong quá trình nghiên cứu, đàm phán mua sắm. Trên thực tế, Trung Quốc tiếp tục gặp nhiều khó khăn vì bị mang tiếng “yếu kém” trong lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị khí tài và đào tạo nhân sự, vốn chiếm một phần quan trọng trong quá trình mua sắm vũ khí của các nước. Một loạt sự cố liên quan gần đây cũng ảnh hưởng đến độ tin cậy về mặt kỹ thuật của các loại vũ khí của Trung Quốc.
Thật vậy, 1 trong 4 chiếc trực thăng Harbin Z-9 do phía Trung Quốc bán cho Cameroon vào năm 2015 đã bị hỏng chỉ ít ngày sau khi nhận bàn giao. Ngoài ra, cả 2 quả tên lửa diệt hạm C-705 mà Hải quân Indonesia mua của Trung Quốc đã bị xịt và không trúng mục tiêu trong cuộc tập trận mang tên Armada Jaya ngày 14/9/2016 dưới sự chứng kiến của Tổng thống Widodo và điều này đã làm chậm lại việc ký kết hợp đồng cho phép sản xuất loại tên lửa này tại Indonesia.
Theo nhiều chuyên gia, các quốc gia nhập khẩu chính các loại vũ khí khí tài từ Trung Quốc đều thiếu lòng tin chính trị đối với Bắc Kinh. Vì vậy, nhiều quốc gia đã quyết định mua vũ khí của Mỹ hoặc Nga để có được sự đảm bảo an ninh tương tự như đối với một đồng minh. Trong khi đó ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc không thể làm được điều này cho các nước châu Á cũng như châu Phi. Nhận thức được sự yếu kém này, Trung Quốc đang hy vọng vào việc sản xuất các loại vũ khí có tính năng vượt trội nhằm giúp tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Bắc Kinh tìm được vị trí trong thị trường vũ khí.
Ngày 1/11/2016, tại triển lãm hàng không tại Chu Hải (Quảng Đông, Trung Quốc), Bắc Kinh đã giới thiệu 900 loại vũ khí do nước này chế tạo cho các khách hàng tiềm năng đến từ châu Á và châu Phi. Trong các loại vũ khí được giới thiệu thì xe tăng hạng nhẹ V-5 rất phù hợp với các quốc gia mà không thể đầu tư vào các loại tăng như Leopard 2 của Đức hay M1 Abrams của Mỹ. Các loại máy bay không người lái có chất lượng cũng trở thành các mặt hàng xuất khẩu của nước này. Norinco, nhà sản xuất vũ khí lớn của Trung Quốc, đã cho thấy khả năng đáp ứng được tất cả các nhu cầu về loại máy bay không người lái cho các nước đang phát triển.
Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm chỉ phục vụ cho quân đội Trung Quốc đó là chiến đấu cơ tàng hình Chengdu J-20. Tại triển lãm hàng không tại Chu Hải, Chengdu J-20 đã được Trung Quốc ra mắt khi cho bay thử trong khoảng thời gian ngắn.