Tờ Wall Street Journal ngày 11/3 dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết Lầu Năm góc đang rà soát các lựa chọn nhằm tăng cường khả năng phòng không cho Ukraine thông qua việc chuyển giao vũ khí, thiết bị chống máy bay được thiết kế từ thời Liên Xô. Mỹ đang tính toán để quyết định xem hệ thống phòng không nào là hiệu quả nhất. Nhiều khả năng, dòng tên lửa được thiết kế từ thời Liên Xô sẽ là lựa chọn phù hợp, bởi binh sĩ Ukraine đã quen cách thao tác, điều khiển, không cần thời gian huấn luyện bổ sung.
Lầu Năm góc ngày 9/3 chính thức từ bỏ kế hoạch về hoán đổi vũ khí, để Ba Lan chuyển giao tiêm kích Mig-29 cho Ukraine, đổi lại Warsaw sẽ nhận lại tiêm kích F-16 từ Mỹ. Phát biểu trước báo giới, phát ngôn viên Lầu Năm góc John Kirby cho rằng cách thức tốt nhất để hỗ trợ khả năng phòng thủ cho Ukraine là cung cấp vũ khí, trang bị cần thiết để có thể đối phó với cuộc tấn công từ Nga, đực biệt là vũ khí phòng không, chống tăng.
Theo giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ, Lầu Năm góc đang tính giải pháp chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không từ những nước Đông Âu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mỹ xem đây là cách thức hiệu quả hơn so với chuyển giao máy bay cho Ukraine nhằm đối phó với không quân Nga.
Tên lửa phòng không mà Mỹ đang xem xét lựa chọn có độ tinh vi cao hơn so với các mẫu tên lửa vác vai, tầm nhiệt mà các nước thành viên NATO và đối tác khác đã và đang viện trợ cho chính quyền Kiev. Trong số này có các dòng tên lửa được NATO định danh là SA-8 và SA-10, có thể diệt các mục tiêu máy bay ở trần bay lớn, cùng với đó là S-300 của Nga.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300, đầu tiên là do Liên Xô sau đó đến Nga chế tạo, có khả năng bắn hạ máy bay và tên lửa hành trình. S-300 được thiết kế với khả năng di động cao, cho phép lực lượng phòng thủ khai hỏa và nhanh chóng di chuyển sang vị trí khác để tránh đòn không kích trả đũa của đối phương.
Giới chức phương Tây không cho biết sẽ tìm kiếm nguồn S-300 từ đâu để hỗ trợ Ukraine. Nhưng ba nước thành viên NATO là Bulgaria, Hy Lạp và Slovakia, đều đang có sẵn những hệ thống phòng thủ này trong kho. Đại sứ quán ba nước này tại Washington đều từ chối phản hồi đề nghị cho biết thông tin về khả năng này.
Một quan chức ngoại giao châu Âu cho biết những hệ thống tên lửa từ thời Liên Xô như S-300 sẽ giúp Ukraine tích hợp dễ dàng nhất vào kho vũ khí, triển khai nhanh và hiệu quả trong tác chiến. Theo giới ngoại giao châu Âu, những nước gần Ukraine nhất về mặt địa lý và có sẵn chủng loại vũ khí này có thể chuyển giao cho Kiev, với cam kết sẽ nhận lại từ các đồng minh NATO các hệ thống tương ứng.
Mỹ cùng nhiều nước thành viên NATO đã và đang đẩy nhanh việc viện trợ, chuyển giao tên lửa Stinger và các tổ hợp phòng không vác vai cho Ukraine. Chính phủ Anh trong tuần này công bố kế hoạch gửi tên lửa vác vai Starstreak tới Ukraine. Những hệ thống này tuy phát huy công dụng trong đánh chặn trực thăng và máy bay tầm thấp, nhưng uy lực không thể sánh với S-300.
Tư lệnh không quân Mỹ tại châu Âu, tướng Tod Wolters, ngày 10/3 tuyên bố việc chuyển giao hệ thống phòng không và các trang thiết bị khác là khả thi và hợp lý hơn so với việc cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu. “Phía Ukraine đang sử dụng các vũ khí này rất tuyệt vời. Sức mạnh của không quân Nga là đáng nể, nhưng tính hiệu quả có hạn chế nhất định, khi quân đội Ukraine nắm trong tay hệ thống phòng không chiến lược, chiến thuật bệ mặt đất”, tướng Wolters đánh giá.
Về phần mình, Moskva liên tục cảnh báo các nước có ý định viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev. Ngày 9/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva đã thông qua đại sứ quán của mình tại các nước cảnh báo về hậu quả của việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Bà Zakharova nhấn mạnh Nga đã cảnh báo các quốc gia liên quan tới việc cung cấp vũ khí hoặc cử những người được gọi là tình nguyện viên đến Ukraine sẽ phải hứng chịu trách nhiệm. Các nhà ngoại giao, đại sứ của Nga đã truyền đạt rõ ràng quan điểm này tới chính quyền các nước sở tại.