Lúc Ouchi được đưa đến Bệnh viện Đại học Tokyo (Nhật Bản), anh chính là người bị nhiễm phóng xạ mức cao nhất trong lịch sử nhân loại. Các bác sĩ đã rất bất ngờ khi phát hiện cơ thể của kỹ thuật viên 35 tuổi này hầu như mất sạch tế bào bạch cầu và không còn hệ miễn dịch. Anh khóc ra máu trong nỗi đau giằng xé khắp cơ thể vì lớp da bảo vệ bên ngoài đã bị phóng xạ ăn mòn.
Sinh năm 1965, Hishashi Ouchi bắt đầu làm việc trong ngành năng lượng hạt nhân tại một thời điểm vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản. Với nguồn tài nguyên tự nhiên ít ỏi và phải phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu năng lượng, quốc gia châu Á này đã quyết định sản xuất điện hạt nhân cũng như bắt tay vào xây dựng nhà máy thương mại đầu tiên năm 1961.
Vị trí của nhà máy điện tại Tokaimura rất lý tưởng vì có không gian rộng rãi. Từ cơ sở này có thể dẫn đến khu khuôn viên gồm các lò phản ứng, viện nghiên cứu, cơ sở làm giàu và xử lý nhiên liệu. Nơi đây được kỳ vọng đáp ứng một phần ba nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố này.
Cơ sở này này có nhiệm vụ làm giàu chất urani hexafluoride thành bột urani được sử dụng trong sản xuất năng lượng hạt nhân. Quy trình này thường gồm nhiều bước và sắp xếp theo trình tự thời gian cẩn thận.
Đến năm 1999, Công ty chuyển đổi nhiên liệu hạt nhân Nhật Bản (JCO) bắt đầu thử nghiệm để xem có thể bỏ qua một số bước để thể làm cho quá trình sản xuất diễn ra nhanh hơn hay không. Vì vậy, khoảng 10h sáng 30/9 năm đó, Hisashi Ouchi cùng người đồng nghiệp Masato Shinohara 29 tuổi, và giám sát viên Yutaka Yokokawa 54 tuổi đã thử cắt ngắn quá trình.
Thế nhưng, không ai trong số họ tưởng tượng được mức độ nguy hiểm từ việc mình đang làm. Thay vì dùng bơm tự động để trộn 2,4kg urani đã làm giàu với axit nitric trong thùng, họ lại dùng tay để đổ 16kg urani. Đến 10h35, số phóng xạ đạt đến khối lượng tới hạn.
Căn phòng phát nổ thứ ánh sáng màu xanh lam cho thấy một phản ứng chuỗi hạt nhân đã xảy ra và đang giải phóng chất phóng xạ độc hại. Ngay sau đó, khu vực nhà máy đã được sơ tán khẩn cấp trong khi Hisashi Ouchi và các đồng nghiệp được đưa đến Viện Khoa học Phóng xạ Quốc gia ở Chiba. Họ đều đã tiếp xúc trực tiếp với chất phóng xạ do đứng rất gần nhiên liệu này, song mỗi người bị ảnh hưởng ở một mức độ khác nhau. Tại thời điểm tia Gamma tràn ngập căn phòng, Ouchi đứng trực tiếp bên trên thùng chứa nên bị phơi nhiễm mạnh nhất.
Tiếp xúc với lượng phóng xạ 7 đơn vị Sivert được cho là đủ để tử vong. Giám sát viên Yokokawa tiếp xúc 3 đơn vị Sivert và sẽ là người duy nhất trong nhóm còn sống sót. Masato Shinohara nhiễm 10 đơn vị Sivert, trong khi Hisashi Ouchi - người trực tiếp đứng trên thùng thép - nhiễm 17 đơn vị Sivert.
Sự cố này biến kỹ thuật viên Ouchi trở thành người nhiễm phóng xạ nặng nhất trong lịch sử. Cơn đau ập đến tức thì khiến anh gần như không thở được nữa. Tại thời điểm được đưa đến bệnh viện, nam thanh niên này bị nôn mửa dữ dội và bất tỉnh. Các vết bỏng phóng xạ phủ kín cơ thể, đôi mắt rỉ máu.
Tế bào bạch cầu của Ouchi biến mất. Cơ thể không còn phản ứng miễn dịch. Các bác sĩ đã phải điều trị cho anh trong một khu đặc biệt để bảo vệ anh khỏi những mầm bệnh trong môi trường bệnh viên. Các vết thương của Ouchi bị rỉ nước. Quá đau đớn, anh bật khóc đòi gặp mẹ.
Ba ngày sau, nam thanh niên này được chuyển đến Bệnh viện Đại học Tokyo, nơi anh được thử nghiệm phẫu thuật ghép tế bào gốc. Tuần đầu tiên, các bác sĩ tiến hành vô số ca ghép da và truyền máu. Chuyên gia cấy ghép tế bào Hisamura Hirai sau đó đã đề xuất một cách tiếp cận mang tính cách mạng chưa từng được thử nghiệm trên các nạn nhân bức xạ trước đây: cấy ghép tế bào gốc. Họ hy vọng biện pháp này sẽ nhanh chóng phục hồi khả năng tạo máu mới cho nam bệnh nhân hơn là cấy ghép tủy xương. Chị gái của Ouchi đã hiến tế bào gốc cho em trai.
Các bức ảnh chụp nhiễm sắc thể của Hisashi Ouchi cho thấy chúng đã bị phân hủy hoàn toàn. Lượng phóng xạ khổng lồ đi qua máu của anh đã tiêu diệt hết tế bào mới vừa được đưa vào. Cơ thể anh cũng không tiếp nhận phần da được ghép mới do ADN không thể tự tái tạo.
“Tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi nào phải chuột thí nghiệm”, bệnh nhân gào khóc. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết giành giật sự sống cho con trai của gia đình Ouchi, các bác sĩ tiếp tục tiến hành thử nghiệm khi các mảng da của anh bắt đầu tuột khỏi cơ thể. Đến ngày thứ 59 trong bệnh viện, anh lên cơn đau tim. Nhưng người thân đã xin bác sĩ nỗ lực hồi sinh cho bệnh nhân. Có những lần anh bị ngừng tim đến ba lần trong vòng một giờ và lại được hồi sinh theo ý nguyện của gia đình.
Do ADN không thể tái tạo và tổn thương não ngày càng tăng sau mỗi lần tim ngừng đập, sự sống dường như đã khép lại từ lâu đối với Ouchi. Chỉ đến lần ngừng tim cuối cùng do suy đa tạng vào ngày 21/12/1999, tức 83 ngày nằm viện, anh mới chính thức được giải thoát khỏi nỗi đau đớn.
Ngay sau khi xảy ra sự cố hạt nhân Tokaimura, 310.000 cư dân trong bán kính 10km quanh đó được yêu cầu phải ở yên trong nhà. Trong 10 ngày tiếp theo, 10.000 người đã được kiểm tra phóng xạ, với hơn 600 người bị nhiễm mức độ thấp. Không ai phải chịu đựng lượng lớn phóng xạ như Hisashi Ouchi và người đồng nghiệp của Masato Shinohara.
Shinohara phải trải qua 7 tháng ở ngưỡng cửa sinh tử. Anh cũng được truyền tế bào gốc. Trong ca bệnh này, các bác sĩ đã lấy tế bào gốc máu từ dây rốn của một đứa trẻ sơ sinh. Đáng buồn thay, cách tiếp cận đó cũng như ghép da, truyền máu hay phương pháp điều trị ung thư đều không mang lại hiệu quả. Anh qua đời vì suy phổi và gan vào ngày 27/4/2000.
Là người giám sát hai nhân viên xấu số, ông Yokokawa được ra viện sau ba tháng điều trị. Ông gặp phải một số bệnh nhẹ liên quan đến nhiễm xạ, song bị đưa ra xét xử vì thiếu trách nhiệm trong công việc vào tháng 10/2000. Trong khi đó, JCO phải trả 121 triệu USD để bồi thường cho 6.875 cư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố phóng xạ.
Nhà máy điện Tokaimurai tiếp tục được vận hành bởi một công ty khác thêm 10 năm cho đến khi bị đóng cửa bởi trận động đất và sóng thần Tohoku năm 2011. Đến nay, cơ sở này vẫn chưa hoạt động trở lại.