Được Thiên Chúa được tạo ra từ bụi đất và đã sống trong Vườn Địa Đàng, hai nhân vật này là trung tâm của niềm tin rằng tất cả mọi người đều có nguồn gốc từ một cặp tổ tiên ban đầu duy nhất.
Mặc dù điều này có thể có vẻ không thực tế, nhưng hiện nay có một lượng lớn bằng chứng cho thấy ít nhất một số phần của câu chuyện trên có thể là sự thật.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện những dấu hiệu đáng ngạc nhiên cho thấy Vườn Địa Đàng không chỉ là một nơi có thật mà có thể là nơi khai sinh ra nền văn minh như chúng ta biết.
Tương tự, các nhà sinh học đã chứng minh rằng tất cả con người sống ngày nay thực sự có chung một tổ tiên. Tuy nhiên, việc làm cho Kinh thánh phù hợp với khoa học hiện đại đòi hỏi phải từ bỏ rất nhiều phần của câu chuyện truyền thống.
Điều đó có thể có nghĩa là phải từ bỏ quan niệm rằng Chúa đã tạo ra Adam và Eva, hoặc thậm chí đặt câu hỏi liệu tổ tiên trong Kinh thánh có phải là người tinh khôn Homo sapiens hay không.
Kỳ 1: Vườn Địa Đàng thực sự
Trong Kinh thánh, Adam và Eva sống ở một nơi gọi là Vườn Địa Đàng, một vùng đất tươi đẹp, phong phú và dồi dào. Điều thú vị là Kinh thánh cũng cung cấp một mô tả khá chính xác về vị trí của khu vườn huyền bí này. Sách Sáng thế mở đầu Kinh thánh nói rằng một con sông chảy qua Vườn Địa Đàng và chia thành bốn nhánh: Pishon, Gihon, Tigris và Euphrates. Trong số đó, Tigris và Euphrates là những con sông nổi tiếng và vẫn chảy qua Iraq ngày nay. Tuy nhiên, Gihon và Pishon thì ít được biết đến và vị trí của hai sông này vẫn chưa được xác định nếu vẫn còn tồn tại.
Điều này đã dẫn đến vô số giả thuyết về nơi Vườn Địa Đàng có thể thực sự tồn tại, từ Iran và Mông Cổ đến Quận Jackson ở bang Missouri của Mỹ. Tuy nhiên, lý thuyết khả thi nhất là Vườn Địa Đàng nằm ở khu vực gọi là Lưỡng Hà.
Theo nghĩa đen, tên này có nghĩa là “giữa hai con sông” trong tiếng Hy Lạp cổ đại. Khu vực này nằm giữa Tigris và Euphrates và trải dài qua khu vực hiện nay là phía Đông Syria, phía Tây Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ và phần lớn Iraq. Giáo sư Eric Cline, một nhà khảo cổ học Kinh thánh tại Đại học George Washington, lập luận rằng lý thuyết này phù hợp với bằng chứng từ Kinh thánh và khảo cổ học.
Trong cuốn sách “From Eden to Exile” (tạm dịch: Từ Vườn Địa Đàng đến lưu đày), Giáo sư Cline viết: “Điều này có lý từ góc độ văn bản, vì không chỉ Kinh thánh nói rằng vườn nằm 'ở phía Đông', có nghĩa là phía Đông của Israel, mà còn nhắc đến hai con sông Tigris và Euphrates liên quan đến Vườn Địa Đàng”.
Thêm vào đó, khu vực này được cho là nơi đầu tiên cây cối và động vật được thuần hóa vào khoảng từ 10.000 đến 20.000 năm trước trong cuộc cách mạng đá mới (Cách mạng nông nghiệp lần thứ nhất). Được gọi là “Lưỡi liềm màu mỡ”, các chất dinh dưỡng phong phú từ hai con sông này đã giúp cây lương thực đầu tiên được trồng và thu hoạch một cách có chủ đích.
Sự phát triển này dẫn đến sự chuyển dịch đầu tiên từ lối sống săn bắn hái lượm sang nông nghiệp và thúc đẩy sự ra đời của các khu định cư cố định đầu tiên của con người.
Giáo sư Cline nói thêm: “Khu vực này có thể đã trở thành một thiên đường nông nghiệp đối với cư dân địa phương sau khi phát minh ra thủy lợi vào thiên niên kỷ thứ tư trước Công Nguyên”.
Cũng góp phần củng cố lý do này, có một số điểm tương đồng nổi bật giữa câu chuyện sáng thế trong Kinh thánh và những truyền thuyết cổ xưa nhất từ khu vực này.
Đặc biệt là người Sumer cổ đại, được coi là nền văn minh nhân loại đầu tiên, đã ghi lại một truyền thuyết có tên là Enuma Elish, có nghĩa là “Khi trên cao”.
Câu chuyện này ghi lại quá trình tạo ra trời và đất từ một cơ thể nước hỗn loạn nguyên thủy theo cách rất giống với cách mô tả trong sách Sáng thế.
Theo một số nhà khảo cổ học, cách tốt nhất để giải thích điểm tương đồng này là truyền thuyết của người Sumer đã được truyền lại qua các năm đến người Israel vào thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên.
Nếu điều đó là đúng, thì có thể câu chuyện Kinh thánh về Adam và Eva là một câu chuyện cổ xưa về nguồn gốc của nền văn minh, diễn ra ở đâu đó gần khu vực Iran ngày nay.
Adam và Eva di truyền
Có thể gây ngạc nhiên khi biết rằng các nhà khoa học thực sự tin rằng tất cả con người đang sống ngày nay đều có nguồn gốc từ một người phụ nữ duy nhất.
Người phụ nữ được gọi là “Eva ty thể” là tổ tiên nữ chung mà ADN của tất cả con người hiện đại có thể truy nguyên. ADN ty thể là một loại vật liệu di truyền được truyền từ mẹ sang con cái. Trong một quần thể ổn định, hầu hết các dòng giống nữ sẽ dần dần tuyệt chủng. Theo thời gian, điều này có nghĩa là chỉ còn lại một phụ nữ duy nhất có vật liệu di truyền của mình vẫn được truyền lại.
Mỗi người đang sống đều có thể truy nguyên ADN ty thể của mình về Eva ty thể này. Các nhà khoa học tin rằng Eva ty thể sống cách đây khoảng 200.000 năm. Tuy nhiên, người phụ nữ này không phải là con người đầu tiên trên Trái đất và chỉ là một trong số nhiều người sống vào thời điểm đó.
Tương tự, bằng cách áp dụng logic như trên, các nhà khoa học đã xác định rằng cũng phải có một “Adam nhiễm sắc thể Y”, người truyền lại nhiễm sắc thể Y cho tất cả nam giới sống ngày nay. Vì ADN tích tụ đột biến với tốc độ ổn định, các nhà khoa học có thể sử dụng “đồng hồ di truyền” này để xác định thời gian mà tất cả mọi người có chung ADN.
Vào năm 1987, các nhà di truyền học đã nghiên cứu ADN ty thể của 147 người từ khắp nơi trên thế giới. Bằng cách so sánh khác biệt trong ADN, các nhà nghiên cứu có thể tính toán số đột biến đã xảy ra kể từ tổ tiên chung gần nhất của họ.
Chia con số đó cho tỷ lệ đột biến cho thấy Eva ty thể có thể đã sống ở châu Phi vào khoảng 200.000 năm trước.
Tương tự, một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2013 với 1.200 người đàn ông ở Sardinia cũng chỉ ra rằng Adam nhiễm sắc thể Y sẽ sống vào khoảng 180.000 - 200.000 năm trước.
Dĩ nhiên, không có nhà khoa học nào thực sự tin rằng con người bắt nguồn từ một cặp đôi duy nhất.
Adam và Eva này sẽ chỉ là hai trong nhiều con người sống trên Trái đất vào thời điểm đó.
Hai tổ tiên chung gần nhất của con người có thể đã sống hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn năm cách biệt và hầu như chắc chắn chưa bao giờ gặp mặt, huống chi là có con với nhau. Việc họ là tổ tiên chung của loài người chỉ là sản phẩm của quy luật tiến hóa và thống kê chứ không phải là nhờ can thiệp thần thánh.
Kỳ cuối: Câu chuyện gia phả