Loài người từng suýt tuyệt chủng 5 lần trong lịch sử

Trong lịch sử đã có ít nhất năm lần loài người đối mặt nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, vụ phun trào của một siêu núi lửa cách đây 70.000 năm suýt chút nữa đã đẩy chúng ta vào con đường diệt vong giống như loài khủng long.

Với 8 tỷ người đang sinh sống trên Trái đất hiện nay, ý nghĩ con người sẽ sớm tuyệt chủng dường như là điều khó thể xảy ra. Nhưng ngay cả khi dân số loài người đang bùng nổ như ngày nay thì lịch sử không phải lúc nào cũng vậy.

 

Chú thích ảnh
Loài người cổ đại Homo erectus và người hiện đại. Ảnh: Shutterstock

1,1 triệu - 1,2 triệu năm trước

Phải đến năm 1804 dân số thế giới mới đạt tới một tỷ người. Năm 1927 mới vượt qua mốc hai tỷ và đến năm 1960 mới đạt tới ba tỷ.

Tốc độ tăng dân số nhanh chóng này vẫn chưa là gì so với thực tế rằng trong sáu thập kỷ sau đó, dân số đã tăng vọt lên hơn 8 tỷ.

Tuy nhiên, quay ngược trở lại 1,2 triệu năm về trước. Vận mệnh của loài người không được tươi sáng như hiện nay. 

Các nhà nghiên cứu ước tính tổng cộng những người “anh em họ” xa xưa của chúng ta là loài Homo ergaster và Home erectus, toàn bộ loài người chỉ có 26.000 cá thể.

Tệ hơn nữa, tỷ lệ trong độ tuổi sinh sản là 18.000 người. Điều này đồng nghĩa với việc, vào thời đó, số người còn ít hơn cả khỉ đột ngày nay.

Được xếp loại là loài cực kỳ nguy cấp, hiện nay ước tính có khoảng 320.000 con khỉ đột sống trong tự nhiên. 

Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm dân số này là gì, đặc biệt là khi bằng chứng hóa thạch cho thấy tổ tiên loài người thuộc chi Homo đang lan rộng khắp châu Phi, châu Á và châu Âu?

Các nhà khoa học không chắc chắn, nhưng họ đoán một sự kiện ở mức độ tuyệt chủng đã tạm thời xóa sổ loài người sơ khai khỏi châu Âu vào cùng thời điểm đó.

Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 8, kỷ băng hà chưa từng được biết đến trước đây đã khiến khí hậu châu Âu trở nên khắc nghiệt vượt quá những gì người cổ đại có thể chịu đựng được. 

Trầm tích đại dương từ 1,1 triệu năm trước cho thấy nhiệt độ đột ngột giảm hơn 5 độ C. Đó là lý do có thể khiến tổ tiên chúng ta không thể sống sót vì không có máy sưởi hay quần áo ấm.

Sự vắng mặt của loài người khỏi lục địa châu Âu kéo dài khoảng 200.000 năm, trước khi con người thích nghi và quay trở lại.

800.000 - 900.000 năm trước

Chẳng bao lâu sau, cuộc đua sinh tồn của con người phải đối mặt với một thử thách nguy hiểm khác.
Mới tuần trước, một nghiên cứu cho thấy một giai đoạn hạ nhiệt độ nghiêm trọng khác đã khiến con người gặp nguy hiểm vào khoảng từ 800.000 đến 900.000 năm trước.

Thật đáng báo động, dân số tổ tiên của chúng ta giảm xuống chỉ còn 1.280 cá thể trong thời kỳ lịch sử Trái đất được gọi là Trung Pleistocen.

Các chuyên gia cho biết “nút thắt cổ chai” nghiêm trọng này tồn tại khoảng 117.000 năm và là mối đe dọa đối với nhân loại như chúng ta biết ngày nay.

Tình hình suy giảm này cũng trùng hợp với sự kiện biến đổi khí hậu, dẫn đến thời kỳ băng hà kéo dài, nhiệt độ mặt nước biển giảm, và hạn hán kéo dài ở châu Phi và Âu - Á. Việc các loài khác chết đi cũng khiến chúng ta bị mất nguồn thức ăn.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Shutterstock

Tổ tiên chung cuối cùng của chúng ta với người Neanderthal và một loài người đã tuyệt chủng khác tên là Denisovan được cho là sống trong thời kỳ này.

Giáo sư Giorgio Manzi, tác giả nghiên cứu và là nhà nhân chủng học tại Đại học Sapienza của Rome, cho biết: “Chúng tôi biết rằng trong khoảng 900.000 đến 600.000 năm trước, mẫu hóa thạch ở châu Phi rất khan hiếm, nếu không muốn nói là gần như không có. Trong khi đó, cả trước đó và sau đó, chúng ta có nhiều bằng chứng hóa thạch hơn”.

Ông Manzi cho rằng điều tương tự cũng có thể xảy ra ở khu vực Á - Âu. Ví dụ, ở châu Âu, chúng ta có một loài được biết đến vào khoảng 800.000 năm trước và sau đó, song lại không có loài nào trong khoảng 200.000 năm tiếp theo. 

Giáo sư Chris Stringer tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London cho biết mọi yếu tố khủng khiếp đến mức việc loài người sống sót là điều “đáng chú ý”. Ông giải thích với tờ The Guardian: “Đối với một dân số cỡ đó, bạn chỉ cần một đợt khí hậu xấu, một dịch bệnh, một vụ phun trào núi lửa là bạn sẽ biến mất”.

150.000 năm trước

Khoảng 195.000 năm trước, thế giới một lần nữa trải qua những thay đổi lớn. Các sa mạc và sông băng bắt đầu mở rộng, khiến nhiệt độ giảm xuống và phá hủy môi trường sống. Khắp nơi trở nên khô và lạnh.

Không rõ tại sao, nhưng các nhóm người ở châu Phi bắt đầu tách ra. Việc đó khiến số lượng con người giảm mạnh vào khoảng 150.000 năm trước.

Lục địa đen phần lớn là nơi duy nhất mà Homo sapiens, hay con người hiện đại, sống cho đến khoảng 50.000 năm trước.

Nhưng quy mô của thời kỳ băng hà nguy hiểm đến mức một số nhà khoa học tin rằng số lượng cá thể sinh sản của loài người đã giảm xuống chỉ còn 600 cá thể.

Các chuyên gia cho biết những loài sống sót dường như phát triển mạnh sau khi định cư bên bờ biển ở khu vực ngày nay là Nam Phi.

Chi tiết đó rất quan trọng vì khu vực này có nhiều thực vật dự trữ năng lượng bên dưới bề mặt đất, cũng như có vùng nước tương đối ấm gần đó tạo điều kiện cho động vật có vỏ phát triển mạnh.

Cả hai yếu tố này đều cung cấp cho Homo sapiens sống ở đó lượng thức ăn vừa đủ để tồn tại và giúp loài người chúng ta tiến hóa thành con người như chúng ta ngày nay.

70.000 năm trước

Rõ ràng là con người không thể sống sót trong những điều kiện thời tiết cực kỳ lạnh, nhưng một mối đe dọa khác biệt gần như đã tiêu diệt chúng ta chỉ hơn 70.000 năm trước.

Thay vì kỷ băng hà, đó là vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử suýt chấm dứt sự tồn tại của chúng ta.

Chú thích ảnh
Hồ Toba. Ảnh: D.M

Vụ phun trào Toba đã phóng ra khoảng 3.000 km khối đá và tro nóng lan rộng khắp thế giới, che khuất ánh nắng mặt trời và khiến mùa đông kéo dài ít nhất một thập kỷ.

Thảm họa này khủng khiếp đến mức đã giết chết một lượng lớn động vật và thực vật, đồng thời vắt cạn dân số loài người chỉ còn vài nghìn.

Người ta cho rằng những loài còn lại chỉ giới hạn ở các vùng của châu Phi. Nhưng vào năm 2020, một nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy con người ở Ấn Độ cũng sống sót sau hậu quả bụi phóng xạ từ vụ phun trào đó.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát lịch sử 80.000 năm qua các lớp đá ở Thung lũng Middle Son phía bắc Ấn Độ.

Một số công cụ làm từ đá được tìm thấy trùng với thời điểm diễn ra sự kiện Toba, cho thấy con người ở Ấn Độ đã sử dụng các công cụ thời đồ đá khi núi Toba phun trào.

Các bằng chứng khảo cổ cho thấy những công cụ bằng đá đó vẫn tiếp tục được sử dụng sau thảm họa trên.

Vụ phun trào Toba lớn đến mức tất cả những gì còn lại của ngọn núi là Hồ Toba khổng lồ, trải dài 100 km, rộng 30 km và sâu tới 505 mét.

Nó xảy ra cách đây 74.000 năm trên đảo Sumatra, Indonesia. Sức mạnh của nó lớn hơn khoảng 5.000 lần so với vụ phun trào núi St Helens vào những năm 1980.

40.000 năm trước

Biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề tranh luận lớn nhất hiện nay. Nhưng khoảng 25.000 - 40.000 năm trước, biến đổi khí hậu có thể đã xóa sổ một trong những người anh em họ nổi tiếng nhất của loài ngoài. 

Phân tích máy tính cho thấy vào năm 2020 rằng người Neanderthal đã không thích nghi được với khí hậu thay đổi nhanh chóng. Mặc dù các nhà nghiên cứu cũng lập luận rằng sự xuất hiện của loài Homo sapiens từ châu Phi cũng có thể dẫn đến một cuộc tranh giành tài nguyên nghiêm trọng.

Cuối cùng, một số người cho rằng trí thông minh vượt trội của con người hiện đại đã mang lại lợi thế cho chúng ta trong cuộc chiến này và khiến người Neanderthal tuyệt chủng.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố cách đây ba năm cho rằng đó là do người Neanderthal đã mất phần lớn môi trường khí hậu dễ sinh tồn. 

Các nhà nghiên cứu đã điều tra nhiệt độ, lượng mưa và các dữ liệu khác trong 5 triệu năm qua để có được thước đo về khí hậu cho mỗi 1.000 năm. Qua đó, họ đưa ra lý thuyết về nguyên nhân tại sao biến đổi khí hậu có thể đã giết chết người Neanderthal từ 25.000 đến 40.000 năm trước.

Một loài người sơ khai khác, Homo floresiensis, có biệt danh là “hobbit” cũng tuyệt chủng vào khoảng thời gian này, mặc dù điều gì xảy ra với họ vẫn là một bí ẩn.

Sau cùng, Homo sapiens được coi là loài duy nhất còn sót lại trong cây phả hệ loài người, cho phép chúng ta tăng số lượng lên hơn 8 tỷ cá thể.

Vậy khi nào loài người sẽ tuyệt chủng?

Các nhà khoa học dự đoán điều đó sẽ không xảy ra trong một tỷ năm nữa. Đó là khi Mặt trời giãn nở, hành tinh của chúng ta chuyển sang trạng thái giống sao Kim và khiến mọi sự sống trên Trái đất tuyệt chủng.

Tuy nhiên, một tỷ năm là một khoảng thời gian dài, đặc biệt khi các nhà khoa học năm nay đã đặt Đồng hồ Ngày tận thế ở mức kỷ lục 90 giây tính đến nửa đêm.

Vậy nếu xảy ra ngày tận thế toàn cầu, nguyên nhân nào có thể quét sạch toàn bộ sự sống trên Trái đất?
Một lỗ đen vũ trụ, va chạm tiểu hành tinh khổng lồ và chiến tranh hạt nhân đều có thể gây ra thảm họa như vậy. Cùng với đó là nguy cơ từ sự trỗi dậy của robot sát thủ hoặc sự đảo ngược của từ trường Trái đất. 

Các chuyên gia về rủi ro thảm họa cho rằng có 6% khả năng con người sẽ tuyệt chủng chỉ sau 77 năm nữa. Trong khi nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking cho rằng loài người của chúng ta có thể sẽ phải tìm một hành tinh khác để sinh sống trong vòng 1.000 năm tới. 

Những người khác cho rằng các loài động vật có vú thường tồn tại khoảng một triệu năm trước khi tuyệt chủng. Nếu xét đến việc con người hiện đại đã tiến hóa khoảng 200.000 năm trước thì chúng ta còn thêm 800.000 năm nữa tồn tại trên hành tinh.

Dù vậy, nhìn vào tiến trình lịch sử loài người và mối đe dọa hiện hữu từ chiến tranh hạt nhân cũng như trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, những dự báo trên có thể vẫn là còn khá lạc quan.

Xuân Chi/Báo Tin tức (Theo D.M)
Hai con đập ở Libya cùng sập trong đêm, hàng nghìn người mất tích
Hai con đập ở Libya cùng sập trong đêm, hàng nghìn người mất tích

Chính quyền địa phương ở thành phố phía Đông Derna (Libya) cho biết hàng nghìn người mất tích sau khi hai con đập cũ sập chỉ trong một đêm, tạo ra dòng lũ chảy xiết cuốn trôi nhiều nhà cửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN