Kỳ cuối: Hành trình giải cứu gian nan
Mặc dù Tổng thống Sudan là Gaafar al-Numeiry không phải là bạn của Israel, nhưng ông vẫn đồng ý thành lập một loạt trại tị nạn dọc theo biên giới mà từ đó, người Do Thái ở Ethiopia có thể được di tản sang Israel.
Từ năm 1977 đến năm 1984, trên 8.000 người Falasha đã thực hiện hành trình nguy hiểm khi đi bộ từ phía bắc Ethiopia đến biên giới Sudan. Khoảng 4.000 người chết trên đường đi vì bệnh tật, đói khát và bị cướp. Lúc đầu, Hải quân Israel sơ tán những người tị nạn và đưa họ đến ngôi làng Arous xa xôi ở Biển Đỏ, nơi Mossad đã chuyển đổi thành một khu nghỉ mát giả để làm nơi ẩn náu cho chiến dịch.
Nhưng khi có ngày càng nhiều người đến biên giới, rõ ràng rằng phương pháp này quá chậm để kịp sơ tán tất cả mọi người trước khi họ chết vì bệnh tật trong các trại. Do đó, người ta đã đề xuất một cuộc không vận lớn. Tuy nhiên, có một vấn đề: Sudan là một thành viên của Liên đoàn Arab, do đó Tổng thống Gaafar al-Numeiry không thể hỗ trợ Israel. Mặc dù dễ dàng giữ bí mật các cuộc sơ tán ban đầu, nhưng cuộc không vận quy mô lớn sẽ đòi hỏi hợp tác đầy đủ của các cơ quan quân sự và tình báo Sudan. Do đó, Israel quay sang Mỹ - quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ của Tổng thống Gaafar al-Numeiry.
Vào tháng 6/1984, một đại diện từ Sudan đã gặp ông Richard Krieger và Đại sứ Eugene Douglas của Bộ Ngoại giao Mỹ để yêu cầu viện trợ nền kinh tế đang sa sút của Sudan. Nhận thấy cơ hội giúp Israel, ông Krieger quyết định khai thác tâm lý bài Do Thái của người đại diện phía Sudan để đặt điều kiện viện trợ là Sudan hợp tác với Israel. Ông Krieger còn cho rằng nếu không sơ tán những người Do Thái Ethiopia về Israel thì họ chỉ là gánh nặng cho Sudan.
Kế hoạch đã thành công và cuộc không vận có mật danh là Chiến dịch Moses bắt đầu vào ngày 21/11/1984. Người Do Thái ở Ethiopia được sơ tán bằng những chiếc Boeing 707 thuộc hãng hàng không Trans European Airlines (TEA) của Bỉ. Vì những người hành hương Hồi giáo đến Mecca thường sử dụng TEA để di chuyển trong nhiều năm qua nên các máy bay của TEA tại Sudan sẽ không gây nghi ngờ. Trong 36 ngày, mỗi đêm, các nhóm gồm 220 người tị nạn được xe buýt đưa đến Khartoum, từ đó họ bay đến Brussels và sau đó đến Tel Aviv.
Không thể tránh khỏi sự cố tin tức về chiến dịch bị rò rỉ. Vào ngày 5/1/1985, dưới áp lực của các thành viên Liên đoàn Arab khác, Tổng thống al-Numeiry buộc phải chấm dứt cuộc không vận. Tổng cộng, Chiến dịch Moses đã sơ tán 7.800 người Do Thái ở Ethiopia sang Israel. Nhưng hàng trăm người khác vẫn ở trong các trại tại Sudan, sống trong điều kiện tồi tàn.
Lần này, chính người Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong sơ tán họ. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Mỹ cố gắng thuyết phục Tổng thống al-Numeiry tiếp tục chiến dịch không vận. Để tránh gây tranh cãi thêm, ông al-Numeiry nhấn mạnh thực hiện một chiến dịch quân sự một lần chứ không phải theo kiểu kéo dài như Chiến dịch Moses. Chính phủ Mỹ đã đồng ý và sau khi viện trợ 15 triệu USD cho Sudan, công việc chuẩn bị cho đợt không vận thứ hai có mật danh là Chiến dịch Joshua đã bắt đầu.
Vào nửa đêm 28/3/1985, 6 máy bay vận tải C-130 Hercules của Không quân Mỹ bay từ Căn cứ Không quân Eilat ở Israel đã hạ cánh xuống một đường băng bí mật, cách thị trấn Gedaref của Sudan gần 13km. Trong khi Lực lượng Không quân Mỹ đã chuẩn bị sơ tán tới 2.000 người tị nạn, nhưng chỉ có 494 người còn lại trong các trại, vì vậy 3 trong số 4 máy bay vận tải đã trở về từ Sudan mà không chở ai. Đến 9 giờ sáng, tất cả những người tị nạn đã an toàn trở về Eilat - nơi họ được đích thân Thủ tướng Israel khi đó Simon Peres chào đón.
Trong khi Chiến dịch Moses và Joshua thành công rực rỡ, hàng chục nghìn người Do Thái vẫn ở lại Ethiopia. Khi quân nổi dậy Tigray tiến gần đến thủ đô Addis Ababa và Chính phủ của ông Mengistu sắp có nguy cơ sụp đổ, tình hình người Do Thái ngày càng trở nên bấp bênh. Sau gần một thập kỷ ngăn cấm người Do Thái ở Ethiopia di cư, vào tháng 11/1990, ông Mengistu cuối cùng đã nhượng bộ để đổi lấy 35 triệu USD tiền mặt và vũ khí từ Israel.
Vào đầu năm 1991, quân nổi dậy cuối cùng đã chiếm được thủ đô và buộc ông Mengitsu phải chạy trốn, chính phủ của Thủ tướng Israel Yitzhak Shamir đã phát động Chiến dịch Solomon, chiến dịch cuối cùng và lớn nhất trong số các chuyến bay sơ tán người Do Thái Ethiopia.
35 máy bay tham gia Chiến dịch Solomon, gồm máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules, máy bay Boeing 707 và 747 của hãng hàng không El Al của Israel. Mặc dù quá trình sơ tán ban đầu dự định diễn ra trong 10-15 ngày, nhưng thời gian này đã được rút ngắn xuống còn 48 giờ trong bối cảnh nếu chậm trễ thì quân nổi dậy sẽ giữ người Falasha làm con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán quốc tế.
Tuy nhiên, cuối cùng, toàn bộ hoạt động sơ tán chỉ mất chưa đầy 36 giờ. Trong khoảng thời gian từ 24 đến 25/5/1991, 35 chiếc máy bay đã thực hiện 40 chuyến bay thẳng giữa Addis Ababa và Tel Aviv, sơ tán 14.325 người Do Thái Ethiopia đến Israel.
Một chiếc máy bay Boeing 747-25C số đăng ký 4X-AXD đã làm nên lịch sử khi thực hiện chuyến bay dài 2.575 km, chở trên 1.000 người trên máy bay - số lượng hành khách lớn nhất từng được vận chuyển bằng một chiếc máy bay. Các nguồn tin đưa ra con số khác nhau, dao động từ 1.078 đến 1.122, trong đó có cả hai trẻ sơ sinh được sinh ra trên chuyến bay. Nhưng ngay cả con số thấp nhất cũng cao hơn gấp đôi công suất tối đa của chiếc Boeing 747 là 524 và thậm chí còn lớn hơn sức chứa tối đa 853 của Airbus A0. Sở dĩ máy bay chở được nhiều người như vậy là nhờ nó đã nhẹ hơn đáng kể sau khi gỡ bỏ các ghế. Ngoài ra, người tị nạn cũng không to béo như hành khách đi máy bay bình thường và họ không mang theo hành lý nào ngoài dụng cụ nấu ăn và quần áo.
Mặc dù cuộc sơ tán mang lại cho những người tị nạn một cơ hội khởi đầu hoàn toàn mới, nhưng với nhiều người, cuộc sống ở Israel đã không như tưởng tượng. Nhiều người sơ tán từng sống ở các làng nông nghiệp nghèo, không có điện hoặc nước sinh hoạt. Họ cảm thấy khó thích nghi với xã hội Israel hiện đại. Với trình độ học vấn thấp và tỷ lệ biết chữ thấp, một số lượng lớn người Falasha buộc phải dành nhiều năm trong các trung tâm do chính phủ điều hành để học tiếng Do Thái và được đào tạo lại cho phù hợp với nền kinh tế công nghệ. Sau đó, họ lại bị người Israel bản địa cạnh tranh gay gắt về việc làm.
Ngày nay, 135.000 người Ethiopia sống ở Israel thuộc nhóm những người nghèo nhất nước, thu nhập thấp hơn 30 - 40% so với công dân Israel trung bình và tỷ lệ thất nghiệp cao tới 65%. Tình trạng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử với người Falasha cũng tràn lan. Cho đến giữa những năm 1990, các ngân hàng máu của Israel vẫn vứt máu do người Ethiopia hiến tặng vì sợ máu bị nhiễm HIV.
Một tin tức năm 2013 của hãng thông tấn Israel Haaretz nói rằng trong nhiều năm, Chính phủ Israel đã thực hiện chương trình triệt sản cưỡng bức phụ nữ Falasha. Vào tháng 7/2019, những căng thẳng này đã lên đến đỉnh điểm khi xảy ra vụ một sĩ quan cảnh sát Israel bắn chết một người tên là Solomon Teka 19 tuổi. Vụ việc đã làm dấy lên các cuộc biểu tình lớn trên khắp đất nước.
Vì vậy, mặc dù sau gần 3.000 năm, người Beta Israel cuối cùng đã được đoàn tụ với mảnh đất tổ tiên của mình, nhưng tương lai của họ vẫn còn bất định hơn bao giờ hết.