Bí ẩn điệp viên hai giới tính, đến khi chết mới rõ - Kỳ cuối

Chỉ đến khi D’Éon mất, trong lúc thay quần áo cho người quá cố, người ta mới kinh hoàng phát hiện ra rằng, người phụ nữ này là nam giới thực thụ về mặt sinh học.

Chú thích ảnh
D'Éon trong những năm phải vào vai phụ nữ. Ảnh: Guardian

    NGƯỜI PHỤ NỮ BỊ ÉP LÀM ĐÀN ÔNG

Hành động của D’Éon thực sự gây sốc, nhưng nó có tác dụng rất nhanh. Ở một khía cạnh nào đó, D’Éon nhờ thế đã giành được sự thương cảm của người dân Anh, họ mang lại cho ông một kiểu bảo vệ người nổi tiếng. Và với việc tự biến mình thành kẻ thù công khai của Bộ Ngoại giao Pháp, D’Éon trở nên hữu dụng hơn trong vai trò gián điệp, cho phép ông tiến sâu hơn vào xã hội Anh.

Vua Louis XV lặng lẽ trao cho D’Éon khoản lương hưu trọn đời là 12.000 livre mỗi năm, để đổi lại những thông tin mật về chính trường Anh cũng như chuyển giao lại các tài liệu mật về nhóm “Mật vụ” mà ông ta sở hữu. Nhờ thế những tập tiếp theo trong serie sách của D’Éon không bao giờ xuât shienej và ông bị cấm trở về Pháp. D’Éon sau đó trải qua cả thập kỷ lưu vong ở London, mà vẫn phục vụ cho vị Vua của mình.

Nhưng khi Vua  Louis XV qua đời vào năm 1774, con trai của ông, Vua Louis XVI (vị vua chết trên đoạn đầu đài trong Cách mạng Pháp) muốn loại bỏ nhóm “Mật vụ”. Louis XVI không thấy có ích gì với hai chính sách đối ngoại, một bí mật, một công khai, và hơn nữa ông cũng không còn muốn xâm lược nước Anh nữa. Vì thế lúc này D’Éon lại là một vấn đề.

Chú thích ảnh

Năm 1775, nhà viết kịch Beaumarchais, một đại diện của Chính phủ Pháp, đã tiếp cận với D’Éon để thương lượng đưa ông trở về Pháp, cùng với mọi tài liệu liên quan đến hoạt động gián điệp.

Sau vài tháng thảo luận, D’Éon đã ký thỏa thuận có tên “Giao dịch”, theo đó ông phải từ bỏ toàn bộ tài liệu mật và trở về Pháp càng sớm càng tốt. Nhà vua sẽ trả giúp một số khoản nợ đáng kể của D’Éon và cấp cho ông tiền lương hưu. Về phần mình D’Éon sẽ công khai tuyên bố ông là… phụ nữ.

Điều duy nhất khiến cho kế hoạch trên hoàn toàn hợp lý là thực tế, rất nhiều người, bao gồm cả chính phủ Pháp, đã nghĩ rằng D’Éon đúng là một phụ nữ bí mật.

Ngay từ năm 1770, nhiều tin đồn bắt đầu lan truyền ở Anh và Pháp rằng “Chevalier” (Quý Ông) D'Éon thực ra là một Chevalière (Quý Bà), và một khi tin đồn đã lan đi, chúng sẽ không dừng lại. Thậm chí vào năm 1771, các nhà cái ở London bắt đầu đặt cược vào giới tính của D’Éon với tỉ lệ 3-2.

Chú thích ảnh
Chân dung D'Éon khi là một phụ nữ.

Cuộc tranh luận công khai kỳ quặc đó khiến cuộc sống của D’Éon trở nên khó khăn. Ông không thể rời khỏi nhà mà không có lính bảo vệ vũ trang do nhiều người đòi nhìn thấy ông khỏa thân. Việc D’Éon từ chối công khai giới tính của mình đã kéo dài cuộc tranh luận này trong suốt nhiều năm.

Có nhiều điều ẩn sau việc D’Éon từ chối tiết lộ giới tính chứ không chỉ đơn giản là tự trọng cá nhân. Vào tháng 5/1772, một thư ký người Pháp nằm trong đội “Mật vụ Nhà Vua” đã tới London để điều tra thông tin D’Éon là nữ. Sau đó, mật vụ này trở lại Pháp, hoàn toàn tin tưởng rằng D’Éon là một phụ nữ. Từ thời điểm đó, chính phủ Pháp coi việc D’Éon mang giới tính nữ là một sự thật. Chính D’Éon cũng gieo rắc tin đồn về giới tính của mình, nên trong một cuộc điện thoại với nhà viết kịch Beaumarchais vào năm 1775, D’Éon đã kể một câu chuyện hư cấu rằng ông sinh ra là nữ nhưng bị người cha khó tính bắt buộc phải làm con trai.

Sự thật này cho phép D’Éon rút khỏi nhóm “Mật vụ Nhà Vua” và trở về Pháp như một nữ anh hùng đã trải qua nhiều năm giả làm nam để thực hiện những hoạt động yêu nước cho Vua Louis XV.

Thật kỳ lạ là kế hoạch này đã có hiệu quả.

Vào tháng 7/1777, D’Éon cuối cùng rời nước Anh. Đến lúc đó, hầu hết châu Âu đều biết câu chuyện của ông, hoặc ít nhất là phiên bản mà D’Éon muốn mọi người biết về mình: một phụ nữ bẩm sinh, được cha nuôi dạy như một cậu con trai, và ông đã xuất sắc trong vai trò một nhà ngoại giao và một quân nhân, để rồi bây giờ đã bị tân vương Pháp Louis XVI ép buộc phải công bố giới tính thật.

Theo điều kiện trong thỏa thuận “Giao dịch”, D’Éon phải trở về Pháp trong trang phục của một phụ nữ, nhưng trên thực tế ông vẫn mặc quân phục của đội Long Kỵ binh (Dragoon) như một biểu tượng cho sức mạnh chính trị của mình khi bước chân xuống thuyền.

Phải mất vài tháng, nhờ một sắc lênh của Hoàng gia, cuối cùng D’Éon được giới thiệu với Rose Bertin, Giám đốc phụ trách trang phục của Nữ hoàng Marie Antoinette.

Vào ngày 21/11/1777, Quý Bà Chevaliere d’Éon chính thức xuất hiện tại triều đình ở Versailles, “tái sinh” sau bốn giờ được Giám đốc phụ trách trang phục của Nữ hoàng Marie Antoinette trang điểm.

Chú thích ảnh

Sau một thời gian điều chỉnh, D’Éon dần xuất hiện hoàn toàn với diện mạo một phụ nữ. Hầu hết xã hội Pháp khi đó chấp nhận “ông” là nữ và còn ca ngợi D’Éon là một nữ anh hùng dân tộc giống như Joan of Arc.

Nhưng thực tế cuộc sống của một phụ nữ cũng đáng thất vọng. D’Éon gần như mất hoàn toàn tiếng nói về chính trị. Khi Pháp tham gia cuộc Chiến tranh giành độc lập của Mỹ năm 1778, D’Éon đã đề nghị chính phủ cho phép bà mặc quân phục đội trưởng Long Kỵ binh một lần nữa, để có thể tham gia cuộc chiến. Nhưng trái lại, chính phủ Pháp gây áp lực buộc cựu điệp viên này phải vào sống tại một tu viện. D’Éon vẫn không ngừng yêu cầu được tham chiến, bà liền bị bắt và tống vào ngục tối bên dưới Lâu đài Dijon.

"Quý bà" D'Éon chỉ được thả sau 19 ngày kèm theo lời hứa từ bỏ yêu cầu... làm đàn ông. Kể từ đó moi nỗ lực chính trị của D’Éon bị Chính phủ Pháp đập tan ngay lập tức. Cuối cùng bà bị buộc phải nghỉ hưu ở điền trang của mình tại vùng nông thôn Tonnerre.

Năm 1785, D’Éon trở lại Anh, bề ngoài để giải quyết một số khoản nợ nhưng thực tế là tìm kiếm con đường giải phóng khỏi chế độ quân chủ chuyên chế mà người Anh dường như rất yêu thích. Bà được chào đón như một nữ anh hùng.

Nhưng khi cuộc Cách mạng Pháp bắt đầu vào năm 1789, lương hưu hàng năm của D’Éon bị cắt, bà rơi vào cảnh phá sản. Đến năm 1791, D’Éon, giờ đã ngoài 60 tuổi, phải nhờ đến những buổi trình diễn đấu kiếm để kiếm tiền. Bà tự nhận mình là một nữ kiếm sĩ.

Chú thích ảnh
Một trận đấu kiếm của Quý Bà Chevaliere d'Éon tại Carlton House ở London, năm 1787. Ảnh: Public Domain

Sự nghiệp đấu kiếm của D’Éon kéo dài đến năm 1796, khi bà bị thương nặng trong một giải đấu và buộc phải nghỉ hưu. Chẳng mấy chốc D'Éon lại sống trong nghèo khó, ở chung căn hộ với một người phụ nữ lớn tuổi khác - một góa phụ tên là "Bà Cole". D'Éon dần trở nên yếu ớt, thường nằm liệt giường và rất ít người nhìn thấy bà.

Bà mất ngày 21/5/1810, ở tuổi 81. Chỉ đến khi D’Éon mất, Bà Cole mới có một phát hiện kinh ngạc. Trong lúc thay quần áo cho người quá cố để chôn cất, Bà Cole kinh hoàng nhận ra rằng, người phụ nữ được cho là “bị ép” làm đàn ông để phục vụ Nhà vua, hóa ra là nam giới thực thụ về mặt sinh học!

Xem Kỳ 1: GIÁN ĐIỆP CỦA NHÀ VUA

Thu Hằng/Báo Tin tức
Bí ẩn điệp viên Pháp hai giới tính, đến khi chết mới rõ - Kỳ 1
Bí ẩn điệp viên Pháp hai giới tính, đến khi chết mới rõ - Kỳ 1

Khi Chevalier d’Éon rời nước Pháp năm 1762 với tư cách một nhà ngoại giao, một điệp viên làm việc cho Vua Pháp và một người đàn ông. Nhưng khi trở về vào tháng 7/1777, ở tuổi 49, ông là một người nổi tiếng, một nhà văn, một trí thức, và một phụ nữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN