Theo dữ liệu lịch sử, dịch sốt phát ban do chấy rận đã gây ảnh hưởng đến khu tập trung người Do thái ở Warsaw nhưng bằng một cách nào đó dịch bệnh này lại giảm mạnh. Tạp chí Science Advances đã có bài đăng về sự kiện này dựa trên dữ liệu lịch sử từ chính phủ và thừa nhận rằng một chiến dịch y tế là căn nguyên giúp hạn chế lây lan dịch sốt phát ban do chấy rận trong khu tập trung người Do thái này.
Các trại tập trung là một phần đáng sợ trong kế hoạch của phát xít Đức diệt chủng người Do thái tại châu Âu. Hàng triệu người Do thái đã bị phát xít Đức giết hại trong những trại tập trung như Auschwitz. Họ bị đẩy vào những khu vực chật chội, buộc phải lao động, đói ăn và nhiễm bệnh dịch.
Mùa thu năm 1940, phát xít Đức bao vây thành phố Warsaw, đẩy hơn 400.000 người Do thái vào khu vực có diện tích chỉ 3,4 km vuông. Phát xít Đức lấy chiêu bài gọi nơi đây là địa điểm để tách biệt những cá nhân người Do thái mang bệnh.
Giới chức phát xít Đức khi đó đều hiểu rằng với tình trạng chật chội, thiếu thực phẩm và không còn những thứ cơ bản thì khu tập trung người Do thái sẽ trở thành nơi lan truyền bệnh.
Người Do thái tại đây chỉ được nhận khẩu phần ít ỏi tương đương 200 calo/người mỗi ngày. Tình trạng thiếu ăn khiến khả năng chống chọi bệnh tật của người Do Thái trong các khu tập trung vô cùng kém. Bên cạnh đó, bệnh sốt phát ban do chấy rận lây lan mạnh do thiếu phương pháp vệ sinh thích hợp. Nhiều căn nhà trong khu tập trung không hề có nước sinh hoạt và phòng tắm công cộng lại vô cùng hiếm.
Hơn 100.000 người Do Thái đã mắc sốt phát ban do chấy rận và trên 25.000 người tử vong vì căn bệnh này. Kênh NPR (Mỹ) cho biết sốt phát ban do chấy rận thường lây lan mạnh trong điều kiện chật chội, thiếu vệ sinh. Căn bệnh này khiến người mắc bị sốt, ớn lạnh, đau nhức người, ho và buồn nôn.
Khi dịch sốt phát ban do chấy rận bùng phát trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, tỷ lệ tử vong là 10-40%. Mãi cho đến năm 1967, khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) thông qua việc sử dụng kháng sinh doxycycline trên thị trường thì bệnh sốt phát ban do chấy rận mới có loại thuốc điều trị chính thức.
Hai làn sóng dịch sốt phát ban do chấy rận đã “đổ bộ” khu tập trung ở Warsaw, lần đầu tiên là vào năm 1940 và lần thứ hai là đầu năm 1941. Nhưng năm 1941, điều không tưởng xảy ra khi số ca mắc lại giảm dần.
Giáo sư Lewi Stone tại Đại học RMIT ở Australia, người tham gia nghiên cứu, nhận định: “Bất ngờ lớn nhất là phát hiện ra dịch sốt phát ban do chấy rận đã giảm từ đầu mùa Đông trong khi tôi lại dự đoán nó sẽ tăng. Cả một năm trời, tôi cho rằng dữ liệu này là sai lầm nhưng sau đó tôi kiểm tra nhật ký của nhà sử học nổi tiếng Emanuel Ringelblum, vốn ghi lại sự kiện hàng ngày trong khu tập trung, thì chính ông cũng ghi nhận điều tôi phát hiện”.
Nhà sử học Ringelblum viết trong nhật ký rằng số ca mắc đã giảm 40%. Lewi Stone và đội ngũ nghiên cứu đã kiểm tra lại điều xảy ra trong khoảng thời gian khu tập trung bị phong tỏa từ tháng 11/1940 đến tháng 7/1942 – thời điểm nơi đây bị giải thể và trên 250.000 người Do Thái được chuyển đến trại tập trung Treblinka.
Một nhân vật đặc biệt đã xuất hiện trong khoảng thời gian này, đó là nhà dịch tễ học Ludwik Hirszfeld. Ông đến khu tập trung ở Warsaw vào năm 1941 và đóng góp rất nhiều vào công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại đây. Đến năm 1943, ông Hirszfeld rời khu tập trung ở Warsaw. Năm 1954, nhà dịch tễ học này qua đời.
Nhà dịch tễ học Ludwik Hirszfeld, người đã giúp thành lập Viện Vệ sinh Quốc gia và đóng vai trò chính trong các ý tưởng về y tế công cộng tại khu tập trung. Trong bản ghi nhớ cá nhân, ông Hirszfeld viết: “Sốt phát ban do chấy rận luôn đi liền với chiến tranh và nạn đói… Căn bệnh này tàn sát nhiều nạn nhân hơn bất cứ vị chỉ huy quân sự nào”.
Để chống lại dịch sốt phát ban với nguồn lực hạn chế, Hirszfeld và các bác sĩ khác đã có hàng trăm buổi thuyết giảng về bảo vệ sức khỏe, vệ sinh và còn thiết lập một trường đại học y bí mật để đào tạo sinh viên về thiếu dinh dưỡng và đói nghèo. Bởi vì ở thời điểm đó chưa có thuốc kháng sinh chống sốt phát ban do chấy rận nên phương pháp tối ưu nhất là giữ vệ sinh sạch sẽ và bắt chấy rận. Ông Stone cho biết một số bác sĩ và nhân viên y tế còn khuyến khích người dân thay đổi và là quần áo thường xuyên, tìm bắt chấy rận.
Nhưng việc thiếu than đá, nhiên liệu và các tòa nhà không có hệ thống sưởi khiến đường ống nước đóng băng dẫn đến việc tắm giặt, vệ sinh vô cùng khó khăn.
Một số bác sĩ Ba Lan còn nảy ra ý tưởng về việc làm giả thông báo dương tính với sốt phát ban do chấy rận cho một số người lao động tại khu tập trung. Khi họ mang thông báo dương tính giả này đến nhà máy hoặc địa điểm làm việc, phát xít Đức sẽ yêu cầu họ quay trở về nhà đề cách ly. Điều này đồng nghĩa với việc họ tránh được tình trạng làm việc đến kiệt sức.
Ngoài ra, còn có yếu tố khác tác động, một trong số là thay đổi về thực phẩm. Phát xít Đức nhận thấy nhiều người dân trong khu tập trung có thể là lao động tiềm năng do vậy chúng đã tăng cường hỗ trợ thực phẩm tại đây. Mãi đến tháng 5/1941, nguồn thực phẩm bổ trợ mới được cung cấp trở lại.
Thêm vào đó, trách nhiệm cá nhân của người dân trong phòng chống dịch bệnh còn được hình thành nhờ sự khuyến khích và tăng cường kiểm tra từ chính các thành viên Hội đồng Do Thái trong khu tập trung.
Giáo sư Miriam Offer tại Đại học Tel Aviv (Israel) còn đưa ra lý giải khác. Bà cho rằng ngoài các biện pháp y tế công cộng, số trường hợp mắc bệnh sốt phát ban do chấy rận còn giảm nhờ miễn dịch cộng đồng bởi đã có quá nhiều người mắc căn bệnh này trong khu tập trung.
Ông Lynn Goldman tại Đại học George Washington (Mỹ) đã liên tưởng về trường hợp sốt phát ban do chấy rận ở Warsaw trong Thế chiến Thứ hai và dịch COVID-19 ở các trại tị nạn hiện nay. Ông Goldman nói: “Khắp thế giới này, vấn đề y tế công cộng tại một số trại tị nạn thậm chí rất tồi tệ. Khả năng đến đó để đánh giá tình trạng thực tế rồi kiểm soát dịch bệnh không phải là điều dễ dàng. Chúng ta có thể nhìn vào trường hợp lịch sử này để rút ra bài học hỗ trợ nhân đạo, phản ứng thảm họa. Bên cạnh đó, nó còn có thể được sử dụng để dạy về lịch sử và khoa học chính trị”.