Theo tờ Insider, Hamas duy trì một mạng lưới đường hầm khổng lồ dưới Gaza, nơi họ cất giấu vũ khí, đạn dược và cung cấp chỗ ẩn náu cho con người. Để đối phó với mối đe dọa này, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã có một đội quân tinh nhuệ chuyên thực hiện các nhiệm vụ trong đường hầm.
Chiến tranh đường hầm
Đào đường hầm cho mục đích quân sự là một khái niệm có từ thời con người bắt đầu định cư và nó không bao giờ ngừng được sử dụng. Cho đến khi thuốc súng được phát minh, các đường hầm dùng để đi vào các lâu đài phòng thủ hoặc thoát khỏi các thị trấn bị bao vây chặt. Chiến thuật đào hầm lên đến đỉnh điểm trong Thế chiến thứ nhất, khi quân Anh và Đức ở Mặt trận phía Tây, quân Italy và Áo-Hungary trên dãy Alps cùng đào và phản đào, đã cho nổ hơn 1.000 tấn thuốc nổ.
Mọi quốc gia hay quân đội phải chiến đấu với kẻ thù bằng đường hầm đều nhanh chóng nhận ra rằng binh lính thông thường gần như vô dụng đối với nhiệm vụ chuyên biệt đó. Họ không phải là những thợ đường hầm và nhiều người cảm thấy không chịu được trong môi trường tối tăm, ẩm ướt và không khí ngột ngạt. Năm 1914, Anh bắt đầu tuyển dụng thợ mỏ và đào tạo họ cho các nhiệm vụ quân sự. Sau đó, họ tạo ra những đội quân Bantam đặc biệt gồm những người lính có vóc dáng thấp bé, dưới 160cm, khiến họ không được phục vụ trong quân đội.
Khi lần đầu tiên phát hiện và nghiên cứu các đường hầm ở Gaza trong làn sóng Intifada (cuộc nổi dậy của người Palestine) đầu tiên năm 2000 - 2005, Israel nhận ra rằng mối nguy hiểm từ chiến tranh ngầm sẽ gia tăng và bắt đầu thành lập các đơn vị phù hợp với vai trò chuyên biệt này, bắt đầu với lực lượng biệt kích công binh được gọi là Yahalom.
Các biệt kích đường hầm Yahalom nhanh chóng nhận ra rằng, mặc dù họ đã có kỹ năng và thiết bị chuyên dụng, nhưng việc được trang bị và huấn luyện chuyên sâu hơn, vẫn rất cần thiết
Lịch sử đường hầm ở Gaza
Các đường hầm ở Gaza ra đời trước Hamas – từ những năm 1980 khi chúng lần đầu tiên được đào dưới biên giới Ai Cập để buôn lậu. Người Palestine ở Gaza phát hiện ra rằng, ngoại trừ vành đai hẹp dọc bờ biển có đất cát và không thích hợp để đào hầm, phần đất còn lại của Gaza giàu đất sét, dễ đào xuyên và nhìn chung không cần sự hỗ trợ phức tạp.
Theo thời gian, người Palestine nhận ra rằng các đường hầm có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và họ đã thuê những người đào hầm để mở rộng mạng lưới dưới Gaza.
Khi Hamas nắm quyền ở Gaza, nỗ lực này gánh một vai trò chiến lược và được mở rộng. Hầu hết việc đào hầm được thực hiện bởi các công nhân người địa phương, những người được trả lương cao hơn mức lương trung bình cho công việc vất vả.
Hoạt động bên dưới lãnh thổ mà họ kiểm soát, Hamas không phải lo lắng về một trong những mối nguy hiểm lớn nhất khi đào hầm: bị định vị bởi tiếng ồn hoặc độ rung khi đào. Thoát khỏi ràng buộc đó, họ được cho là đã mở rộng nhanh chóng mạng lưới “tàu điện ngầm" (Metro) của mình.
Khi tấn công Gaza vào năm 2014, Israel đã choáng váng trước quy mô của đường hầm, khi đó được cho là vượt quá 100km, và độ phức tạp của chúng. Họ nhận ra rằng mình phải tăng tốc chuẩn bị cho chiến tranh ngầm.
Những biệt kích Kim cương
Mạng lưới đường hầm của Hamas trải rộng và chằng chịt khắp bên dưới Dải Gaza đến mức Israel gọi nó bằng biệt danh “Metro”. Đó là một thách thức nghiêm trọng mà chỉ một số lực lượng nhất định của Israel được huấn luyện để đối mặt.
Xóa sổ các đường hầm của Hamas là một nhiệm vụ thách thức nhất với IDF trong bối cảnh chiến dịch trên bộ của họ tại Gaza được dự báo sẽ còn kéo dài. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, quân đội Israel đã huy động một nhóm biệt kích tinh nhuệ được huấn luyện đặc biệt cho chiến tranh dưới lòng đất và các hoạt động ngầm khác được gọi là đơn vị Yahalom.
Yahalom là một bộ phận của Quân đoàn Công binh thuộc IDF và được thành lập từ các công ty chuyên môn khác nhau, chịu trách nhiệm về chiến tranh đường hầm, trinh sát kỹ thuật, xử lý vật liệu nổ và vũ khí đặc biệt. Đơn vị này được thành lập vào năm 1995 và tăng gấp đôi quy mô sau cuộc Chiến tranh Gaza năm 2014 – mà Israel gọi là Chiến dịch Bảo vệ vùng rìa - để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng do các đường hầm của Hamas gây ra.
IDF từng cho biết vào năm 2021: "Vai trò của Yahalom, bao gồm các nhiệm vụ phá hoại đặc biệt, phá hủy và cho nổ các tòa nhà, phá hoại cơ sở hạ tầng của đối phương, xử lý chất nổ, chuẩn bị các thiết bị nổ và bom, vô hiệu hóa các thiết bị nổ của đối phương, rà phá các bãi mìn phức tạp, định vị và phá hủy các đường hầm khủng bố. Có khi, đơn vị sử dụng robot và nhiều thiết bị điều khiển từ xa mà không gây nguy hiểm đến tính mạng con người."
Theo Quỹ Yahalom, một tổ chức bao gồm những người lính từng phục vụ trong đơn vị biệt kích đường hầm này, yêu cầu để họ được xét vào đơn vị là một quá trình "nghiêm ngặt" bao gồm hồ sơ y tế và các buổi kiểm tra kéo dài trong 4 ngày. Tiếp theo là chương trình đào tạo “gian khổ" kéo dài 16 tháng, gồm từ đào tạo về chất nổ và phá hủy, huấn luyện kỹ thuật chiến đấu, huấn luyện chống khủng bố, cho đến huấn luyện võ thuật kiểu Israel và phát triển mạnh các kỹ năng khác như nhảy dù và tấn công đẩy lùi đối phương.
Tiên phong ở Gaza
Hoạt động chủ yếu là bí mật, biệt kích Yahalom đã được triển khai tới Gaza từ khi Israel bắt đầu cuộc tấn công trên bộ vào cuối tháng trước. Hôm 3/11, IDF cho biết các biệt kích Yahalom phối hợp với các đơn vị khác đã phá hủy các đường hầm của Hamas trong "các hoạt động đặc biệt" bên trong dải đất. “Quân đội đã phát hiện các đường hầm, gài thuốc nổ và vô hiệu hóa chúng”. Họ cũng công bố đoạn video ghi lại cảnh binh sĩ Israel kiểm tra một đường hầm mà họ phát hiện gần Beit Hanoun, ở góc đông bắc của Gaza. IDF cũng công bố đoạn video trên mặt đất cho thấy các vụ nổ từ đường hầm của Hamas.
Hamas từng tuyên bố có khoảng 500km đường hầm bên dưới Gaza. Israel cho rằng chúng được sử dụng để cất giấu vũ khí, đạn dược, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bí mật của chiến binh Palestine cũng như hoạt động của các trung tâm chỉ huy và hầm trú ẩn. Với các điểm tiếp cận bí mật, ẩn giấu ở những nơi như trường học, bệnh viện và các điểm thoát ra trong lãnh thổ Israel, quân đội Israel coi các đường hầm cũng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với dân thường.
Vấn đề đường hầm có liên quan rất lớn đến cuộc chiến đô thị đang diễn ra ở Gaza khi lực lượng Israel bao vây thành phố thủ phủ của khu vực này. Các chuyên gia quân sự cho rằng Hamas có thể sử dụng các đường hầm để phòng thủ, bảo vệ tài sản như nhân sự và thiết bị, đồng thời tấn công bất ngờ theo kiểu du kích nhằm vào quân đội Israel.
Đại tá Yaron Beit-On, người từng giữ chức chỉ huy Yahalom vào năm 2016, cho biết vào thời điểm đó rằng “thách thức chính của chiến tranh ngầm là kẻ thù không có dấu hiệu trên mặt đất”, gây khó khăn cho việc thu thập thông tin tình báo. Ông nhận xét: “Hamas coi chiến tranh dưới lòng đất cũng giống như trên mặt đất, sử dụng phương pháp phòng thủ, tấn công và rút lui”.
Yahalom và các đơn vị IDF khác có sẵn rất nhiều công cụ để sử dụng cho các hoạt động trong đường hầm – theo một phân tích gần đây về mạng lưới ngầm của Hamas của ông John Spencer, phụ trách nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Viện Chiến tranh Hiện đại của West Point và cũng là một cựu lính bộ binh Mỹ. Các công cụ đó bao gồm từ máy bay không người lái và robot, cảm biến mặt đất và trên không, thiết bị khoan, hệ thống nhìn đêm và công nghệ vô tuyến. Tuy nhiên, việc xóa sổ các đường hầm vẫn là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Làm phức tạp thêm cuộc chiến đường hầm còn là việc Hamas và các nhóm chiến binh đang bắt giữ hơn 200 con tin người Israel. Để bảo vệ các con tin, trong trường hợp họ đang ở trong các hầm ngầm, IDF sẽ phải cẩn thận tính toán trong hành động của mình, chứ không chỉ đơn giản là phá hủy chúng và tiếp tục di chuyển.
“Họ không biết có gì ở dưới đó”, chuyên gia Spencer nói với tờ Insider trong một cuộc phỏng vấn gần đây, giải thích rằng Hamas đang giữ con tin trong đường hầm và sử dụng dân thường làm lá chắn sống. “Điều đó sẽ thách thức cơn ác mộng dưới lòng đất này theo cấp số nhân.”