Năm 2005:
Giải Nobel Vật lý năm 2005 được trao cho ba nhà khoa học trong lĩnh vực quang học, gồm hai nhà khoa học Mỹ Roy J. Glauber, John L. Hall và nhà khoa học Đức Theodor W. Hansch.
Công trình của Roy Glauber được xem như bước khởi đầu trong lĩnh vực quang học lượng tử, cho phép lý giải những khác biệt cơ bản giữa nguồn ánh sáng nóng như bóng đèn, có tần số và pha hỗn hợp, với những tia laser có tần số và pha cụ thể. Công trình của Hall và Hansch giúp đo được các tần số với độ chính xác tới 15 con số. Kỹ thuật này giúp cải tiến công nghệ định vị toàn cầu (GPS) và ứng dụng để phát triển đồng hồ nguyên tử cực chính xác.
Năm 2006:
Hai nhà khoa học Mỹ gồm John C. Mather và George F. Smoot đã được trao giải thưởng Nobel Vật lý với phát hiện “dạng vật đen và sự bất đẳng hướng của bức xạ nền vi sóng vũ trụ”.
Các nhà khoa học đã vẽ được bản đồ vũ trụ trong giai đoạn đầu tiên mà nó là mầm mống của các thiên hà và chùm thiên hà hiện nay. Những mầm mống này chỉ ra những thay đổi về mật độ từ nơi này sang nơi khác ở mức một phần mười vạn. Chúng cung cấp thông tin về Vụ nổ lớn (Big Bang) và nguồn gốc của vũ trụ. Như vậy, giải Nobel Vật lý năm 2006 ghi nhận những công trình nghiên cứu về thời kỳ phôi thai của vũ trụ và xem xét về nguồn gốc của các thiên hà và các vì sao.
Năm 2007:
Hai nhà khoa học Albert Fert (người Pháp) và Peter Grunberg (người Đức) cùng được trao giải Nobel Vật lý với phát minh về hệ từ trở khổng lồ (GMR).
Loại hệ này là công cụ lý tưởng để đọc dữ liệu từ các đĩa cứng khi thông tin ghi lại bằng từ được chuyển đổi thành dòng điện. Nhờ công nghệ này, hiện nay người ta có thể thu nhỏ các ổ đĩa cứng. Cần có các đầu đọc nhạy để đọc dữ liệu từ các đĩa cứng compact, chẳng hạn như trong các máy tính và một số máy nghe nhạc.
Năm 2008:
Ba nhà khoa học gồm Yoichiro Nambu (người Mỹ gốc Nhật), Makoto Kobayashi và Toshihide Maskawa (người Nhật) được trao giải Nobel Vật lý với phát hiện ra hạt quark (hạt cơ bản của vật chất).
Các công trình nghiên cứu của ba nhà khoa học này giúp chúng ta hiểu biết sâu hơn về những gì xảy ra bên trong các khối nhỏ nhất của vật chất.
Năm 2009:
Giải Nobel Vật lý tôn vinh hai thành tựu khoa học giúp cho việc định dạng nền tảng của các xã hội nối mạng hiện nay. Giải thưởng được trao cho nhà khoa học Charles Kuen Kao (người Canađa gốc Hoa) do công trình về sự truyền ánh sáng trong các sợi quang và hai nhà khoa học Mỹ Willard Stirling Boyle, George Elwood Smith do phát minh ra mạch bán dẫn tạo ảnh gọi là bộ cảm biến CCD.
Kao có công giúp phát triển cáp quang - phương tiện chuyển tải dữ liệu điện thoại và Internet dưới dạng ánh sáng. Boyle và Smith có công phát minh thiết bị tích điện kép CCD - biến đổi quang năng của ánh sáng thành các tín hiệu điện. Ngày nay cáp quang là xương sống của ngành công nghệ thông tin.
Năm 2010:
Hai nhà khoa học người Anh gốc Nga gồm Andre K. Geim và Konstantin S. Novoselov được trao giải Nobel Vật lý do những thực nghiệm có tính đột phá liên quan đến vật liệu graphene hai chiều.
Graphene là một dạng của cacbon, một vật liệu hoàn toàn mới. Graphene không chỉ là vật liệu mỏng nhất mà còn là vật liệu cứng nhất từ trước đến nay. Graphene dẫn điện tốt như đồng và dẫn nhiệt tốt hơn tất cả các vật liệu khác mà con người biết đến. Những đặc tính này tạo cho graphene một số ứng dụng tiềm năng như chế tạo vi mạch cho máy tính, điện thoại di động siêu tốc.
Quang Tuyến (Tổng hợp)