Năm 2006: Hai nhà khoa học Andrew Z.Fire và Craig C.Mello (người Mỹ) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học 2006 với công trình nghiên cứu về lĩnh vực sinh học phân tử, cho phép phong tỏa những gien xấu, từ đó mở đường cho các phương pháp điều trị mới.
Nhà khoa học Oliver Smithies, Martin J.Evans và Mairo R. Capecchi (từ trái qua phải). |
Trong công trình nghiên cứu của mình, hai nhà khoa học đã phát hiện một cơ chế cơ bản kiểm soát dòng chảy thông tin của gien. Cơ chế này được đặt tên là "sự can thiệp ARN" (cách vô hiệu hóa hoạt động của các gien xác định), cho phép những phân tử nào đó kích hoạt phá hoại ARN trong mỗi gien, và như vậy gien đó sẽ "im lặng hoàn toàn". Khám phá ra cách vô hiệu hóa ảnh hưởng của những gien xấu, những gien đặc biệt, có vai trò rất quan trọng trong chống lại sự xâm nhập của virút đối với cơ thể, mở đường cho việc tìm ra các phương pháp mới điều trị các bệnh như bại liệt, ung thư...
Năm 2007: Ba nhà khoa học gồm Tiến sĩ Mairo R. Capecchi (người Mỹ gốc Italia), Tiến sĩ Oliver Smithies (người Mỹ) và Tiến sĩ Martin J.Evans (người Anh) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 2007 với những khám phá mang tính đột phá về gien đã trở thành nền tảng của ngành y sinh học thế giới thế kỷ XXI.
Công trình nghiên cứu đột phá về biến đổi gien ở chuột được cấy tế bào phôi gốc của nhóm tác giả trên sẽ dẫn tới công nghệ kiểm soát gien của chuột, giúp các nhà khoa học sử dụng chuột để nghiên cứu các bệnh của người như bệnh tim, ung thư, đái tháo đường, xơ nang và nhiều bệnh khác.
Năm 2008: Ba nhà khoa học, trong đó có hai nhà khoa học người Pháp là bà Francoise Barre-Sinoussi và Luc Montagnier cùng nhà khoa học người Đức Harald zur Hausen, đã vinh dự nhận giải thưởng Nobel Y học 2008. Hai nhà khoa học người Pháp đã khám phá ra virút gây suy giảm hệ miễn dịch ở người, hay còn gọi là HIV, dẫn đến bệnh AIDS; trong khi nhà khoa học người Đức đã phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ là do virút.
Công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học Francoise Barre-Sinoussi và Luc Montagnier đã mở ra những hướng mới trong chẩn đoán ở những bệnh nhân đã nhiễm HIV/AIDS và thử nghiệm các sản phẩm máu để hạn chế sự lây lan của căn bệnh thế kỷ này.
Đồng thời, với việc phát hiện ra virút HPV (Human Papilloma Virus) nhà khoa học người Đức Harald zur Hausen đã bác bỏ những giả thuyết từ trước đến nay và khẳng định bệnh ung thư cổ tử cung là do virút gây ra.
Năm 2009: Ba nhà khoa học người Mỹ gồm Elizabeth Blackburn, Carol Greider và Jack Szostak cùng trở thành các đồng chủ nhân giải thưởng Nobel Y học 2009, vì đã tìm ra cách thức các nhiễm sắc thể được sao chép một cách hoàn chỉnh trong quá trình phân chia của tế bào và được bảo vệ để không bị thoái hóa.
Những phát hiện này có thể hỗ trợ việc nghiên cứu ung thư và lão hóa, giúp con người hiểu rõ hơn về tế bào, vén bức màn bí ẩn về các cơ chế phát triển bệnh, đồng thời mở đường cho phát triển các liệu pháp chữa bệnh hiệu quả mới.
Năm 2010: Nhà y sinh học người Anh Robert Edward đoạt giải thưởng Nobel Y học năm 2010 vì có công lớn trong việc tìm ra kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), mang lại niềm vui làm cha - mẹ cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn con.
Thành tựu mà ông Edward đạt được đã đặt nền tảng cho sự phát triển y học hiện đại trong điều trị vô sinh, ước tính ảnh hưởng đến hơn 10% số cặp vợ chồng trên thế giới.
Minh Lan (tổng hợp)