Trở lại với câu chuyện của Ghaith, anh này tới Syria tham gia thánh chiến hòng tìm kiếm cái mà anh tin rằng sẽ là “phần thưởng để đến thiên đàng sau khi chết”. Nhưng khi tới đây, Ghaith nói, anh cực kỳ bối rối khi thấy các nữ binh bị ép phải phục vụ tình dục trong các lán trại. Họ thường phải “kết hôn” với những người đàn ông khác nhau sau mỗi đêm. “Mọi thứ hoàn toàn là cưỡng ép, vì họ không thể nói không, nếu từ chối họ sẽ chết”, Ghaith nói. Một số nhân chứng khác cũng tiết lộ những điều tương tự nhưng theo một số người, đây là điều có thể chấp nhận được theo giáo lý của Đạo Hồi.
Ghaith cũng bị ép phải giết người rất sớm sau khi gia nhập để thu hút sự chú ý của “cấp trên”. Ngoài ra, anh thường xuyên bị “kiểm tra” đột xuất. Một đêm, các tay súng đánh thức Ghaith dậy và dí dao vào cổ yêu cầu anh đọc lại một đoạn trích trong Kinh Koran về cuộc thánh chiến của người Hồi giáo để chứng tỏ sự mộ đạo của mình.
Sau một thời gian, vì quá khiếp sợ và thất vọng, Ghaith đã rời khỏi IS bằng cách duy nhất mà các chiến binh có thể làm: Tìm tới một trạm kiểm soát để đầu hàng quân đội Syria. Anh bị giữ trong vòng 4 ngày trước khi được giao về cho cha mẹ mình, những người đã tới Syria trong đoàn các gia đình đi tìm con đến Trung Đông tham gia thánh chiến.
Tuy nhiên, không giống như Ghaith, với Youssef Akkari, cách duy nhất để thoát khỏi IS là cái chết. Sau khi một trong những người bạn của anh chết đuối, chàng thanh niên Tunisia này bắt đầu thường xuyên tới các thánh đường Hồi giáo để tìm kiếm chỗ dựa về tinh thần. Tại đây, anh sa vào một nhóm tôn giáo của các thanh niên địa phương. Họ bắt đầu rao giảng cho Youssef về tôn giáo và chiến tranh. Mehdi Akkari, anh trai của Youssef, cho biết Youssef đã dành hàng giờ trong phòng để nghe các bài thánh ca và đọc về Đạo Hồi trên máy tính xách tay của mình.
Một ngày, gia đình Youssef nhận được một lời nhắn cho biết anh đang ở Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ sớm vượt biên vào Syria. Trên đường sang Trung Đông, Youssef bị mất cặp kính cận và anh trở nên vô dụng đối với IS trong vai trò là một chiến binh, người anh Mehdi kể lại. Vì vậy, Youssef được giao nhiệm vụ thuyết giáo cho những chiến binh thánh chiến mới đến, trong đó, có đủ các thành phần từ bác sĩ, chuyên gia máy tính tới các đầu bếp.
Tuy nhiên, Youssef vẫn không thể quen với cách sống tại căn cứ của IS. Sau 7 tháng, Youssef bắt đầu lên kế hoạch đào tẩu cùng với hai người bạn. Hai người này xấu số hơn khi bị thủ lĩnh IS phát hiện và giết chết ngay lập tức. May mắn hơn, Youssef được cảnh báo kịp thời và trốn thoát. Người anh Mehdi kể lại rằng Youssef đã phải tìm kiếm những tay súng người Kurd để tìm sự giúp đỡ và họ đã đưa anh sang Thổ Nhĩ Kỳ, từ đây, Youssef trở lại Tunisia.
Nhưng Youssef không thể trở lại với cuộc sống bình thường tại Tunisia khi bị cảnh sát quấy nhiễu liên tục và đồng thời hoảng loạn với nỗi lo sợ bị các chiến binh IS trả thù. Youssef quay trở lại Syria và đến tháng 10/2014, anh chết trong một cuộc không kích của liên quân bên ngoài thị trấn Kobane, phía Bắc Syria.
Tình huống dẫn tới cái chết của Youssef vẫn chưa thực sự sáng tỏ nhưng IS xem đây là một kết cục thích đáng với một kẻ muốn đào tẩu như Youssef. “Nếu một người muốn chạy khỏi Caliphate (Vương quốc Hồi giáo), anh ta sẽ không còn là một người Hồi giáo nữa và sẽ bị trừng phạt”, Amandla Thomas-Johnson, một nhân viên của CAGE - tổ chức của Anh chuyên về trợ giúp các chiến binh cực đoan hội nhập trở lại xã hội Anh - giải thích.
Nhóm IS luôn tìm cách ngăn những thành viên mà chúng tuyển mộ rời khỏi tổ chức. Bước đầu tiên đó là tước thị thực và các giấy tờ xác minh nhân thân của “lính mới” để các chiến binh ngoại quốc không thể tự do trở về nhà. Một băng hình tuyên truyền của IS cho thấy các chiến binh người Pháp đang đốt thị thực của mình và tuyên bố bỏ lại phía sau cái mà chúng gọi là “cuộc sống không theo đạo”.
Hamad Abdul-Rahman, một thanh niên mới 18 tuổi người Saudi Arabia gia nhập IS mùa hè năm ngoái, cho biết đã “tình cờ” gặp gỡ các chiến binh IS trên biên giới Syria. Những tên này sau đó đã hộ tống Abdul-Rahman tới một trại huấn luyện ở Tabaqa, Syria.
“Chúng lấy mọi giấy tờ của tôi và hỏi tôi muốn trở thành một chiến binh hay một người đánh bom liều chết”, Abdul-Rahman kể lại với phóng viên của AP từ nhà tù nghiêm ngặt nhất ở Baghdad, nơi Abdul-Rahman đang bị giam sau khi đầu hàng các lực lượng an ninh Iraq. Trong suốt quá trình kể, Abdul-Rahman bị cùm tay chân, bịt mặt và luôn có hai cảnh sát có vũ trang hộ tống.
Theo lời Abdul-Rahman, có rất nhiều người nước ngoài ở cùng trại với anh, một số người nói tiếng Đức, Pháp, Nga và Arập. Các ngày đều bắt đầu với việc cầu nguyện và các bài học về Luật Sharia hay luật của Hồi giáo. Sau bữa sáng, họ chơi thể thao rồi được huấn luyện sử dụng vũ khí và chiến đấu. Buổi chiều các hoạt động này được lặp lại.
Vào đầu tháng 9/2014, Abdul-Rahman đầu hàng quân chính phủ. Một đoạn băng hình được Bộ Quốc phòng Iraq phát trên truyền hình nhà nước chiếu cảnh Abdul-Rahman sau khi bị bắt giữ và tình trạng anh ta lúc đó là cơ thể mất nước nghiêm trọng và cực kỳ bẩn thỉu.
Ali, một người Tunisia được IS tuyển mộ, cho biết đã ở trong một trại huấn luyện với khoảng 500 người trong vòng 2 tháng hồi mùa đông năm 2013. Tại đây, Ali được ăn rất ít, không được tắm thường xuyên và phải phục kích binh lính chính phủ ở các ngọn đồi gần đó.
Sau đó, Ali trở thành một chân liên lạc giữa Syria và Tunisia. Anh đưa tin tức, tiền và băng hình tuyên truyền để hỗ trợ cho hoạt động tuyển mộ chiến binh của IS. Sau 4 chuyến liên lạc thực hiện trong vòng 3 tuần, Ali rời khỏi IS với tâm trạng oán ghét và trong một chuyến đi tới Tunisia, Ali đã ở lại đó.
Ngồi trong một công viên ở thủ đô Tunis của Tunisia, Ali mô tả lại chuyến hành trình gian khổ của mình và thận trọng hạ giọng mỗi khi có người đi tới. Khi một người đàn ông tới ngồi gần anh ta, Ali lập tức rời sang phía bên kia công viên. “Tôi có cảm giác mình như một tên khủng bố, tôi sốc vì chính những gì mình đã làm”, Ali nói. Anh nhắn nhủ tới những ai muốn trở thành chiến binh thánh chiến rằng: “Đó không phải là Đạo Hồi và đừng từ bỏ cuộc sống của mình”.
Thái NguyễnĐón đọc kỳ cuối: Sự trở về không dễ dàng