Khu vực Mỹ Latinh bao la và hùng vĩ, trải dài từ Rio Grande (Mexico) xuống mũi Punta Arenas (Chile) cho đến đầu thế kỉ 19 vẫn là thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Với thắng lợi của cuộc chiến tranh giành độc lập, Simon Bolivar- người có công lãnh đạo công cuộc giải phóng một loạt nước Nam Mỹ, từng nuôi khát vọng thành lập một Đại Colombia, với hy vọng nó có thể là đối trọng với Hợp chủng quốc Hoa Kì ở phía bắc. Tuy nhiên, sau khi độc lập, các nước Nam Mỹ vẫn bị trói chặt bởi những ràng buộc phong kiến dưới nền cộng hoà giả hiệu. Không ít thủ lĩnh các cuộc chiến tranh giành độc lập lại biến thành chúa đất và gia nhập giới thượng lưu mới. Sự câu kết của các đại địa chủ, tài phiệt và quân đội hình thành những Oligarquia- những tập đoàn thiểu số thống trị- trong khi phần lớn dân chúng vẫn sống trong nghèo khổ.
Che trong một buổi lao động khi còn là Bộ trưởng Công nghiệp Cuba. |
Ước mơ thống nhất Nam Mỹ không thành, và sai lầm chính sách do lợi ích của thiểu số đặc quyền đặc lợi đã khiến cho Mỹ Latinh bị tụt hậu cả trăm năm so với láng giềng phương Bắc- giờ trở thành kẻ thống trị ở "sân sau" này. Trong phần lớn thế kỉ 20, cho đến những năm 1980, Mỹ Latinh luôn bị xáo động bởi các cuộc nổi dậy, những cuộc đảo chính quân sự và sự thống trị của các chế độ độc tài. Các phong trào cách mạng chính là phản ứng đối với sự khống chế của các công ty nước ngoài thao túng các chính phủ trong khu vực. Nguồn gốc của cuộc chiến tranh du kích ở Mỹ Latinh không chỉ khởi nguồn từ sự cổ vũ của Cách mạng Cuba, mà còn là phản ứng trước bạo lực của giới cầm quyền mà bản thân cách mạng Cuba là ví dụ điển hình.
Hiện tượng Che Guevara phải đặt trong bối cảnh của khu vực Mỹ Latinh mới có thể hiểu thấu được động cơ, ý nghĩa việc làm của ông. Sự tương đồng về nguồn gốc ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử luôn là yếu tố gắn kết các nước trong khu vực và là nền tảng của chủ nghĩa quốc tế xuyên suốt trong tư tưởng và hành động của Che. Ông căm phẫn chứng kiến cuộc can thiệp quân sự của chủ nghĩa đế quốc lật đổ vị tổng thống do dân bầu nên ở Goatêmala. Ông gia nhập phong trào khởi nghĩa ở Cuba một cách tự nhiên, hào hứng, vô tư. Che sẵn sàng từ bỏ mọi chức vụ ở Cuba, lên đường đi Bôlivia với khát vọng tạo một cứ địa như Sierra Maestra ở Cuba trên vùng núi Andes của Mỹ Latinh.
Ước mơ của Che đậm chất anh hùng ca là đoàn kết Mỹ Latinh và thế giới đang phát triển thông qua cuộc cách mạng nhằm chấm dứt tình trạng nghèo khổ bất công. Ông nói: Người cách mạng không được bàng quan trước những gì đang diễn ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bởi lẽ thắng lợi của bất cứ nước nào cũng là thắng lợi chung. Có lẽ chính vì điều này, trong buổi lễ tưởng niệm Che tối 18/10/1967, khi cuộc chiến tranh Việt Nam còn đang diễn ra ác liệt, Fidel nói rằng Che đã đổ máu vì tất cả những người bị bóc lột và áp bức, đổ máu vì các dân tộc châu Mỹ, vì Việt Nam, và "Che biết rằng ông đang dành cho Việt nam biểu hiện cao nhất về tình đoàn kết của ông".
Đối với Che, "lời nói không đi đôi với việc làm sẽ chẳng có ý nghĩa gì", vì vậy Che luôn luôn là người hành động. Ông từng phục vụ trong đội quân của Fidel lúc đầu với tư cách người lính, với tư cách một bác sĩ, rồi với tư cách một tư lệnh, một bộ trưởng, một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Cách mạng Cuba.
Huyền thoại Che lớn lên từ cuộc chiến tranh giải phóng Cuba. Người ta bắt đầu biết đến ông từ đó. Tuy nhiên, Che đã tạo nên tầm vóc riêng của mình bằng sự dấn thân và sự nghiệp của ông. Đối với Che, người chiến sĩ du kích là người cải cách xã hội, họ cầm vũ khí theo tiếng gọi của nhân dân chống lại kẻ áp bức, và họ đấu tranh để thay đổi chế độ xã hội đang kìm kẹp những người anh em tay không của họ trong tình trạng nghèo khổ, ô nhục.
Che yêu sự sống, nhưng vì lí tưởng, ông sẵn sàng đón nhận cái chết với niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của loài người. Ông nói một câu rất thơ: Kẻ thù có thể chặt những cành hoa, nhưng chúng không ngăn được mùa xuân! Trong bức thư gửi Hội nghị đoàn kết ba châu năm 1965, Che đã viết như một điều dự cảm: Ở bất cứ nơi nào, khi cái chết ập đến ông sẽ sẵn sàng đón nhận nó, với niềm tin rằng tiếng gọi xung trận của ông sẽ đến được tai người nghe, và có một bàn tay sẵn sàng giơ lên cầm vũ khí...
Fidel lí giải về ý chí của Che như sau: Người nghệ sĩ có thể chết, nhất là khi họ là người của một bộ môn nghệ thuật nguy hiểm là cuộc đấu tranh cách mạng. Tuy nhiên, điều không bao giờ chết đó là cái nền nghệ thuật mà người nghệ sĩ ấy tận tâm cống hiến bằng cả đời mình. Và nếu như người du kích có gót chân Asin, thì gót chân Asin của Che chính là sự hăng hái hết mình, sự liều lĩnh coi thường mọi hiểm nguy. Có thể Che đã hành động theo niềm tin rằng những con người chỉ có một ý nghĩa tương đối trong lịch sử, rằng sự nghiệp sẽ không bị thất bại ngay cả khi những con người ngã xuống, tiến trình lịch sử không dừng lại và sẽ không dừng lại bởi sự hy sinh của những người lãnh đạo. Che chỉ nhận vai trò của mình như một người đóng góp vào sự nghiệp chung. Ông nói: "Tôi không phải là một người giải phóng. Không có những người giải phóng. Các dân tộc sẽ tự đứng lên giải phóng mình".
Che là nhà cách mạng theo nghĩa trong sáng nhất của từ này. Che là huyền thoại khi còn sống và là liệt sĩ quốc tế sau khi qua đời. Che là chiến sĩ, là nhà chiến lược quân sự, nhà triết học, người truyền nguồn cảm hứng vô tận. Nhưng di sản lâu dài của Che, điều khiến cho Che trở thành thần tượng của bao thế hệ chính là vì ông tập hợp những tính cách đặc biệt, những phẩm chất ít khi cùng hội tụ ở trong một con người. Ông là con người toàn vẹn, chân thành, vô cùng giản dị và trong sáng -một con người hầu như không có tì vết, một trong những nhân vật lịch sử hấp dẫn nhất thế kỉ. Ở ông kết tinh sự lãng mạn và tinh thần hy sinh tận tuỵ, lẽ sống vì mọi người. Chính vì thế hình ảnh ông vẫn toả sáng ngay cả vào thời ngự trị của chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tiêu thụ. Sự nghiệp vĩ đại của Che sẽ sống mãi, nó được khắc hoạ qua bức ảnh bất hủ của nghệ sĩ Korda- bức ảnh đã trở thành ngọn cờ của cái mà người ta gọi là "chủ nghĩa Guevara".
Bùi Ngọc Hải (tổng hợp)
Phần cuối: Hãy tạo ra hai, ba... nhiều Việt Nam